Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đổi thay trên mảnh đất lịch sử Thanh Nưa
Xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 5km theo Quốc lộ 12 hướng đi Lai Châu, là một địa danh lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với Di tích Đồi Độc lập.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi Độc Lập (hay còn gọi là Gabrielle) là cứ điểm nằm ở phía đông Bắc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, với nhiệm vụ án ngữ phía đông Bắc, nhằm ngăn chặn đường tấn công của bộ đội ta từ Lai Châu xuống và bảo vệ sân bay Mường Thanh. Đây là một quả đồi riêng rẽ ở đầu Bắc cánh đồng, dài 500 mét, rộng 200 mét, không một bóng cây, dày đặc những trận địa, đường hào, ụ súng. Cơ quan tham mưu chiến dịch của Việt Nam đặt tên cho nó là Đồi Độc Lập, còn người Pháp gọi nó là "tàu phóng ngư lôi".Tại đây, quân đội Pháp đã bố trí nhiều hỏa lực mạnh và tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến, bất bại ở nhiều nơi trên thế giới.
Đúng 3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, trận tấn công Đồi Độc Lập của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút sáng 15/3/1954 thì kết thúc, cờ Quyết chiến Quyết thắng đã được cắm trên đỉnh Đồi Độc Lập. Cả ngày 15/3/1954, quân Pháp tổ chức phản công tái chiếm Đồi Độc Lập nhưng đều bị đánh lui và tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.
Cùng với chiến thắng Him Lam, chiến thắng Đồi Độc Lập đã đẩy địch vào thế bị động, buộc địch ở bản Kéo phải ra hàng, phá tan các ổ đề kháng mạnh nhất của Phân khu Bắc, mở ra cục diện và thế trận mới có lợi cho ta; tạo khí thế và quyết tâm cho các đơn vị trên toàn mặt trận tiếp tục tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau giải phóng Điện Biên, nhân dân các bản quanh cứ điểm Độc Lập đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua phát triển sản xuất. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi Nậm Rốm... dần được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội bị bài trừ. Cuộc sống mới của nhân dân đã hồi sinh và từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.
Là một người cao tuổi gắn bó với mảnh đất này, ông Nguyễn Ngọc Bá (thôn Độc Lập, xã Thanh Nưa) chia sẻ, trước đây cuộc sống của người dân ở Độc Lập nói riêng và Thanh Nưa nói chung còn rất nhiều khó khăn; đường giao thông chủ yếu là đường đất, nhà cửa của người dân cũng là tranh tre dột nát. Đến nay, nhờ thụ hưởng các chương trình, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, nhà cửa xây dựng khang trang, đường sá thuận tiện, trẻ em được đến trường.
Theo ông Khiếu Đình Chất, thôn trưởng thôn Độc Lập, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), thôn Độc Lập có gần 150 hộ, trong đó chỉ còn 4 hộ nghèo. Trong thôn, bà con không chỉ làm ruộng, làm nương mà đã có nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế làm giàu hiệu quả từ vườn – ao – chuồng hay hoạt động kinh doanh buôn bán dọc Quốc lộ 12.
Đồi Độc Lập ngày nay đã phủ một màu xanh với những hàng cây hoa ban tươi tốt. Những ngày tháng Năm lịch sử, đứng trên đỉnh Đồi, phóng tầm mắt về phía xa có thể thấy cánh đồng lúa đang độ chín vàng, những nếp nhà ngói mới đỏ tươi. Dưới chân Đồi Độc Lập là Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập với hơn 2.400 ngôi mộ của những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bao quanh Đồi Độc Lập bây giờ là bản trên, mường dưới trù phú, ấm no. Những con đường bê tông vào từng thôn, bản đêm đêm rực rỡ ánh điện. Từ hệ thống trường học các cấp, trạm y tế, điểm bưu điện cho đến nhà dân đa phần đều đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Đói nghèo và lạc hậu năm xưa đã bị đẩy lùi. Tại các thôn, bản văn hóa, nhiều hộ đang vươn lên làm giàu. Bãi chiến trường năm nào nay là cánh đồng lúa 2 - 3 vụ tươi tốt với những mùa vàng bội thu.
Theo bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Thanh Nưa là xã biên giới có đường biên giáp với Lào. Hiện toàn xã Thanh Nưa có hơn 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo còn hơn 8%; người lao động có việc làm đạt trên 95%. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực (lúa, ngô, khoai lang) của xã Thanh Nưa hơn 900 ha. Ngoài ra, người dân trong xã cũng đã trồng, phát triển cây công nghiệp (cao su) và cây ăn quả các loại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mặt giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đều thuận tiện.
Năm 2017, xã Thanh Nưa cơ bản đạt 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, kinh tế - xã hội của xã phát triển mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư tạo diện mạo mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trong xã từ 26 triệu đồng/người năm 2018 đã tăng lên gần 30 triệu đồng/người năm 2019. Xã đang xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao tại bản Mển và thôn Thanh Bình – Co Rốm. Bên cạnh đó, xã cũng đang xây dựng mô hình các nhóm liên kết sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất theo hướng hàng hóa, thực hiện mỗi xã một sản phẩm, tạo hướng đi trong phát triển kinh tế cho người dân...
Từ mảnh đất chịu nhiều vết thương chiến tranh, trải qua 66 năm, Thanh Nưa ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Nưa vẫn đang không ngừng nỗ lực để xây dựng bản làng ngày càng no ấm, xứng đáng với những gì ông cha đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất lịch sử này.