Kỷ niệm 67 năm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam: Không để Tổ quốc bị 'bất ngờ' từ hướng biển

Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể. Từ đó, ngày 7-5 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Lịch sử hào hùng

Từ năm 1955 đến khi đất nước thống nhất (năm 1975), Hải quân nhân dân Việt Nam đóng góp nhiều chiến công hiển hách, tự hào cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân lúc này là bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thống nhất.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Quân chủng Hải quân phải được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 1975, đồng thời với làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở vật chất, kỹ thuật, căn cứ, kho tàng… thu được của địch, bảo vệ an ninh an toàn vùng mới giải phóng; tiến hành rà quét thủy lôi, bom mìn; tuần tiễu bảo vệ trên các khu vực sông, biển; tổ chức đăng ký trình diện của các đối tượng sĩ quan, nhân viên chế độ vừa bị đánh đổ và truy quét tàn quân địch, Quân chủng Hải quân từng bước tiến hành củng cố, tăng cường lực lượng. Từ đó, Hạm đội 171 bảo vệ vùng biển ở phía Nam và Lữ đoàn 172 bảo vệ vùng biển ở phía Bắc; Lữ đoàn 126 hải quân đánh bộ và Trung đoàn 46 bộ binh ra đời… Từ năm 1976 đến năm 1990, Quân chủng Hải quân một mặt tiến hành điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh.

Mưu trí, sáng tạo, là nét đặc trưng tiểu biểu về trí thông minh, tinh thần sáng tạo, biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy để đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của bộ đội hải quân. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Mưu trí, sáng tạo, là nét đặc trưng tiểu biểu về trí thông minh, tinh thần sáng tạo, biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy để đánh thắng kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của bộ đội hải quân. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Với ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo tích cực khắc phục khó khăn, Hải quân nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng phát triển với nhiều thành phần lực lượng, trình độ tham mưu, tác chiến, làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự hải quân dần được nâng cao. Bản lĩnh chính trị của bộ đội không ngừng được rèn luyện vững vàng, ý chí quyết tâm, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống; bảo đảm cho Quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo phía Tây Nam những năm 1975 - 1979; kiên cường đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa, nhất là trong những năm 1978 - 1990, đặc biệt là năm 1987 - 1990 đã kiên trì đấu tranh, tổ chức đóng giữ, bảo vệ thêm 17 đảo, bãi cạn, trong đó năm 1987 - 1988 đóng giữ thêm 12 bãi cạn, đưa tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân ở Trường Sa, không cho Trung Quốc mở rộng xâm chiếm trái phép trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quân chủng Hải quân tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quân chủng Hải quân tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Những năm 1991 - 2010, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, ngành Trung ương, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, sự nỗ lực cố gắng của toàn Quân chủng, Hải quân nhân dân Việt Nam được xây dựng phát triển với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn, thành lập thêm những đơn vị lực lượng mới như Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, một số lữ đoàn tàu, đơn vị tên lửa bờ, nâng cấp đào tạo ở Học viện Hải quân; củng cố, xây dựng thêm một số cơ quan chuyên môn, các trung tâm quan trắc - đo lường chất lượng. Trình độ tham mưu, tác chiến, trình độ nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự hải quân ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất, phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại.

Tiến lên hiện đại

Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên giai đoạn 2010 - 2020 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Cùng lúc, Quân chủng Hải quân tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9; máy bay EC-225, DHC-6; tàu ngầm ki lô 636 thế hệ mới; tên lửa bờ thế hệ mới; tàu pháo được thiết kế chế tạo mới, vận hành thao tác tự động… Xây dựng, phát triển thêm những đơn vị lực lượng mới như Lữ đoàn Không quân hải quân, Lữ đoàn Tàu ngầm hiện đại, Lữ đoàn Tên lửa bờ, Lữ đoàn tàu pháo - Tên lửa, nâng cấp các vùng lên Bộ Tư lệnh vùng Hải quân tương đương quân đoàn, một số trung đoàn lên lữ đoàn, các tiểu đoàn ra đa lên trung đoàn…

Quyết chiến, quyết thắng là nét đặc trưng tiêu biểu thể hiện tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù hay lực cản nào. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quyết chiến, quyết thắng là nét đặc trưng tiêu biểu thể hiện tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù hay lực cản nào. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Hiện nay, đã hoàn chỉnh tổ chức biên chế Hải quân theo hướng đủ 5 thành phần cơ bản (Tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân hải quân; pháo binh tên lửa bờ; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân). Trước những diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng một mặt tăng cường hoạt động theo dõi, tuần tiễu quản lý vùng biển, nắm, phát hiện kịp thời mọi động thái của lực lượng nước ngoài, mặt khác, nhanh chóng triển khai xử trí linh hoạt, hiệu quả các tình huống; nhanh chóng, nhạy bén, tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp trên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Quán triệt thực hiện đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến; bình tĩnh, nhanh, nhạy, khôn khéo chỉ huy điều hành xử trí kiên quyết, kịp thời, đúng đối sách các tình huống trên các vùng biển đảo, đặc biệt là trong bảo vệ an toàn các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của ta và đấu tranh với các hoạt động của “nước ngoài” xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; bảo vệ vững chắc chủ quyền giữ vững môi trường hòa bình trên biển và mối quan hệ với các nước trong khu vực.

Phát huy truyền thống vẻ vang

Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Trong nước, tình hình chính trị-xã hội cơ bản ổn định. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường, an sinh xã hội được cải thiện, đối ngoại mở rộng; lòng tin của nhân dân vào Đảng và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.

Binh nhất Võ Thành Lộc canh gác trên đảo Đá Đông C, quần đảo Trường Sa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Binh nhất Võ Thành Lộc canh gác trên đảo Đá Đông C, quần đảo Trường Sa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tuy vậy, nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân cũng ngày càng nặng nề, yêu cầu ngày càng cao, khẩn trương, khó khăn hơn. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự động viên to lớn của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; với bản lĩnh, kinh nghiệm và truyền thống đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, phát triển; phát huy truyền thống 67 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành nên từng cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu kịp thời, chính xác cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về những chủ trương, chính sách, giải pháp xử lý có liên quan đến tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược biển Việt Nam và nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên hướng biển.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày 14-3-1988. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày 14-3-1988. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa khẳng định, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đơn vị đã tăng cường quán triệt cho cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng kế hoạch duy trì lực lượng và phương tiện luyện tập, xử lý thành thạo các phương án bảo đảm các phương án luôn luôn sẵn sàng, con người sẵn sàng, vũ khí trang bị sẵn sàng khi có lệnh chiến đấu là có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Quân chủng Hải quân xác định vững mạnh về mọi mặt, trước hết vững mạnh về chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từng cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần bản lĩnh chính trị vững vàng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Quán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189, bản lĩnh chính trị vững vàng của mỗi cán bộ thủy thủ được thể hiện qua những chuyến lặn biển dài ngày, điều khiển con tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định trí tuệ, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng (giữa), Chính ủy Quân chủng Hải quân vui văn nghệ cùng chiến sĩ trên đảo An Bang. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng (giữa), Chính ủy Quân chủng Hải quân vui văn nghệ cùng chiến sĩ trên đảo An Bang. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Nhấn mạnh về công tác bảo vệ chủ quyền, biển đảo, phát huy truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại đã đặt ra những yêu cầu mới hết sức nặng nề với các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng, nhưng cũng hết sức vinh quang.

Bên cạnh đó tình hình trên biển dự báo có những diễn biến phức tạp khó lường, tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, trong hoàn cảnh nào thì mỗi người lính Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

67 năm qua, Hải quân nhân dân Việt Nam đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 3 Huân chương Quân công (1 hạng Nhất và 2 hạng Nhì), 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1963) và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ky-niem-67-nam-truyen-thong-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-khong-de-to-quoc-bi-bat-ngo-tu-huong-bien-811488.html