Kỷ niệm 70 năm giải phóng TP. Nam Định: Ký ức về thành phố của người nhà quê

Tôi không sinh ra và cũng không lớn lên ở thành phố Nam Định nhưng lại có nhiều ký ức về đô thị cổ kính - thủ phủ của tỉnh Nam Định khi còn trẻ thơ.

Ngày giải phóng Thành phố, tôi còn chưa ra đời nhưng ký ức của tôi về nơi này qua những câu chuyện của bà kể về thời kỳ Pháp đô hộ, về những ông/bà ở làng tôi tham gia hoạt động cách mạng. Hay sau này là những chuyến đi chơi thăm ông ngoại khi còn làm ở Ty lương thực và Bố tôi làm ở công ty thủy lợi Hà Nam Ninh. Và những ngày tháng nghỉ hè ở nhà bác gái tôi tại Ô 18, phường Hạ Long.

Ngày nay khi nhắc về TP. Nam Định/tỉnh Nam Định người ta liên tưởng đến quê hương của nhà Trần với di tích Đền nhà trần – nơi hàng năm tổ chức Lễ hội xin ấn Vua- cầu tài lộc. Nam Định cũng nổi tiếng với trường Lê Hồng Phong có hàng trăm năm tuổi. Với người có tuổi thì Nam Định đã từng là thành phố công nghiệp dệt may với hàng chục nhà máy, xí nghiệp liên kết với nhau thành chuỗi liên hoàn – nơi đã từng chịu trách nhiệm sản xuất vải vóc cung cấp cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân trong thời kỳ chiến tranh cho đến tận những năm đổi mới.

TP. Nam Định ngày nay

TP. Nam Định ngày nay

Dữ kiện lịch sử cho thấy, Thành phố Nam Định đã sớm trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo ngay từ giữa thế kỷ XIII trong lịch sử Việt Nam. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường (phường Lộc Vượng ngày nay) với đầy đủ cung điện, phủ đệ, mở các trang ấp của hoàng tộc. Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ hai của Vương triều Trần sau kinh thành Thăng Long. Thế kỷ XIII- XIV, Tức Mặc- Thiên Trường là một trung tâm hành chính, kinh tế, giao thương phát triển. Thời phong kiến nhà Lê, nhà Nguyễn, Sơn Nam- Vị Hoàng là một trong sáu nơi trong cả nước có trường thi Hương. Thời nhà Nguyễn, Nam Định là một trong ba đô thị bao gồm Hà Nội, Huế, Nam Định được dựng cột cờ (di tích này vẫn còn trong khuôn viên vườn hoa Nam Định).

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đánh chiếm Thành Nam và chiếm được vào năm 1884, sau đó, thực dân Pháp đã xây dựng phố xá, chợ, bến tầu thủy, các nhà máy, xưởng sản xuất nhỏ… Năm 1889, tư bản người Pháp mở rộng quy mô sản xuất, xây nhà máy dệt, nhà máy sợi lớn nhất Đông Dương. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thành phố Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói riêng và toàn xứ Đông Dương nói chung.

Ngày 17-10-1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định, hưởng quy chế của thành phố cấp III, đưa thành phố Nam Định trở thành một trong những thành phố đầu tiên được chính quyền thực dân Pháp lập ra ở Liên bang Đông Dương; một trong 3 thành phố ở Bắc Bộ cùng với Hải Phòng, Hà Nội.

Một góc thành phố Nam Định thời Pháp thuộc

Một góc thành phố Nam Định thời Pháp thuộc

Nghị định thành lập thành phố Nam Định là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở như: Tòa Công sứ, Tòa Án tây, Sở Kho bạc, Sở Thương chính, Nhà dây thép, Sở Y tế, Sở Lục lộ (công chính), trường học, Sở Giám binh, Đề lao, Sở mật thám… và xây dựng thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp như Nhà máy chai, Nhà máy rượu, Nhà máy tơ, Nhà máy nước, Nhà máy điện… Đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng chín khu phố và 40 phố, hình thành các phố chuyên sản xuất, kinh doanh 1 mặt hàng như hàng Đồng, hàng Đường, hàng Giấy, phố Khách, hàng Sắt, hàng Rượu… Tư bản Pháp, Hoa Kiều cũng xây dựng nhiều khách sạn, nhà hàng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí như Phẩm Anh Nghi, Nam Việt, Viễn Lai Lầu, Quảng Nguyên, Quảng Hưng... Các chợ phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa phát triển, có 4 chợ lớn là chợ Rồng, chợ Phượng, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường. Diện tích của thành phố đến năm 1942 ước tính trên 6km2 (dài khoảng 4,4km, rộng 1,4km), kết cấu đường phố theo kiểu ô bàn cờ với các vườn hoa, quảng trưởng làm điểm nhấn. Dân số thành phố năm 1928 tới 3,5 vạn người, đến năm 1942 tăng lên khoảng trên 4,2 vạn người.

Nhà thờ kiến trúc Pháp bên hồ Vị Xuyên

Nhà thờ kiến trúc Pháp bên hồ Vị Xuyên

Để thuận lợi cho giao thương, buôn bán hàng hóa, ngoài việc phát triển các tuyến đường thủy trên sông Đào, sông Hồng ( bến Đò Chè, bến Đò Quan), thực dân Pháp còn mở tuyến đường sắt Hà Nội- Sài Gòn đi qua ga chính Nam Định (hoàn thành năm 1903), mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ liên tỉnh, liên huyện. Diện mạo của Thành Nam thế kỷ XVIII, XIX là thành thị phong kiến với phần thành nặng hơn phần thị, đến đầu thế kỷ XX là một thành phố có cấu trúc đô thị hiện đại kiểu phương Tây với nhiều chức năng, mà chủ yếu là chức năng kinh tế- thương mại, có các cơ sở hạ tầng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Theo nhiều người, sở dĩ Pháp muốn chiếm giữ Nam Định bởi lẽ nó có vị trí quan trọng chiến lược ở vùng đồng bằng sông Hồng – Nơi có đất đai, nguồn nước trù phú, dân cư đông đúc, kết nối giao thông thuận tiện bằng đường bộ, đường thủy.

Theo lời bà nội tôi kể, thời kỳ pháp thuộc, quân Pháp đã lùng sục khắp các làng để đàn áp người vô tội, cưỡng hiếp đàn bà, con gái đẹp và bắt bớ người theo cách mạng. Khi chúng đến, đàn bà con gái phải lấy tro bếp bôi lên mặt cho xấu đi để chúng không bắt.

Trước làng tôi là cánh đồng chiêm chũng, vào mùa mưa, nước nổi trắng xóa. Lính lê dương về làng dùng ống nhòm để quan sát. Những người làng tôi theo cách mạng phải trốn tránh liên tục. Có khi làm người đi cày ruộng thế nhưng cũng không thoát được vì chân trắng quá không giống người nông dân lam lũ.

Khi quân tưởng, quân Nhật vào nước ta đã bắt người dân Nam Định nhổ lúa để trồng đay gây ra thảm họa chết đói năm 1945 mà Nam Định cũng chịu thiệt hại nặng nề.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 77, ngày 21-12-1945 quyết định thành phố Nam Định là một trong số 8 thành phố của cả nước (cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Vinh- Bến Thủy, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn- Chợ Lớn). Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thành phố Nam Định có một số thay đổi về địa giới. Ngày 1/7/1954, quân và dân Nam Định với sự hỗ trợ của bộ đội đã anh dũng chiến đấu giải phóng hoàn toàn thành phố.

Đến ngày 03-9-1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 405/TTg sáp nhập thành phố Nam Định vào tỉnh Nam Định. Từ 9-1957 đến nay, dù có nhiều lần chia tách, sáp nhập nhưng thành phố Nam Định là đô thị trực thuộc tỉnh, thủ phủ của tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà và hiện nay là tỉnh Nam Định.

Học sinh tham quan quần thể Tháp Phổ Minh - Đền Trần

Học sinh tham quan quần thể Tháp Phổ Minh - Đền Trần

Trong ký ức của tôi, thành phố Nam Định là nơi đô thị phồn hoa, nhộn nhịp khác hẳn với cuộc sống lam lũ ở nông thôn. Đường xá giao thông và không to đẹp và hiện đại như bây giờ nên việc di chuyển từ quê tôi dù chỉ cách thành phố 8km lên tỉnh lỵ rất khó khăn và càng khó khăn hơn khi phương tiện chính ngày xưa chỉ có xe đạp (mà cũng chỉ có nhà nào có người làm công – viên chức mới có). Nhà nào giàu có lắm mới có chiếc xe máy simson hoặc Babeta. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa không như 10 năm trở lại đây nên con đường quốc lộ 21 B từ TP. Nam Định di xuống vùng biển Xuân Thủy - Hải Hậu qua làng tôi, 2 bên chỉ toàn là ruộng lúa nên càng hoang vắng, nhất là từ sau 7-8h tối.

Tôi còn nhớ, có lần được bố tôi chở trên chiếc xe đạp thống nhất lên thăm ông ngoại ở cơ sở làm việc của Ty lương thực Hà Nam Ninh ở Đò quan. Tòa nhà xây dựng theo kiểu cũ, khá trang nghiêm nhưng nội thất thì nghèo nàn. Bàn ghế làm việc cũng đơn giản, còn ở phòng họp là những chiếc bàn gỗ ghép vào nhau và có những chiếc ghế băng dài để ngồi.

Để vào trung tâm thành phố phải đi cầu treo Nam Định bắc qua sông Đào. Đi thẳng xuống khoảng 700-800 m là vườn Hoa – nơi người ta thường phơi những tấm vải xanh chéo cho khô trước khi xuất xưởng. Vào đầu giờ sáng, giờ nghỉ trưa, đầu giờ chiều và giờ tan tầm buổi chiều tối khi các nhà máy, xí nghiệp tan ca, đường phố trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết sau tiếng còi hủ vang cả thành phố. Công nhân lũ lượt trên những chiếc xe đạp hoặc đi bộ, trên ghi đông hoặc trên tay nữ công nhân bao giờ cũng có chiếc cặp lồng đủ loại kích cỡ.

Chợ Rồng nổi tiếng 1 thời nằm ở trục đường chính của Nam Định (đường Trần Hưng Đạo) lúc nào cũng nhộn nhịp như mắc cửi vì là chợ chung tâm của cả tỉnh Hà Nam Ninh rộng lớn lúc bấy giờ (gồm Nam Định – Ninh Bình – Hà Nam). Thêm vào đó là cư dân từ Thái Bình sang càng khiến chợ thêm đông đúc.

Từ cổng chính chợ Rồng đi ra là vào khu phố cổ. Tên các phố cổ thành Nam chủ yếu được đặt tên theo các mặt hàng được bày bán nên còn được gọi là các phố Hàng. Khi xưa, thành Nam có tới 35/38 phố Hàng như Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Giấy, Hàng Rượu, Hàng Hàn... cùng 4 phố Bến, 4 phố Cửa nức tiếng sầm uất chẳng khác gì 36 phố phường Hà Nội.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã gắn biển, đặt lại tên cho một loạt các phố cổ này bằng những tên của doanh nhân người Pháp. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn quen gọi chúng bằng những cái tên bắt đầu bằng chữ Hàng thân thuộc. Thực tế cho đến nay, khá nhiều tên phố Hàng cũng dần biến mất và không còn buôn bán các mặt hàng truyền thống.

Khu phố cổ mang 2 phong cách phổ biến, bao gồm phong cách thuần Việt và phong cách Pháp. Ngày nay, các dấu ấn còn lại xen kẽ với các kiến trúc hiện đại. Hiện vẫn còn lại một số kiến trúc cổ đa phần đều đã được hiện đại hóa. Tuy còn ít, nhưng giá trị còn sót lại của các kiến trúc cổ lại vô cùng lớn, mang ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một đô thị huy hoàng một thời.

Một ký ức khác hơi "ngại", đó là tình trạng móc túi diễn ra thường xuyên ở chợ Rồng, chợ Mỹ Tho và các bến xe, ga tàu. Những người móc túc thường hoạt động theo nhóm và tác nghiệp rất nhanh. Đã có thời Nam Định nổi tiếng cả nước là dân “2 ngón”.

Một hoạt động khác cũng khá vui vẻ ở TP. Nam Định là bóng đá. Đội bóng Dệt Nam Định và Công nghiệp Hà Nam Ninh rất nổi tiếng. Người thành Nam nói chung và người dân Nam Định nói chung rất đam mê bóng đá. Họ luôn dõi theo và dành tình cảm đặc biệt cho những cầu thủ bằng cách cổ vũ nhiệt tình trên các khán đài.

Họ hàng nhà tôi có nhiều người “thoát ly” sống ở nhiều khu vực của TP. Nam Định, nhưng đáng nhớ nhất và gắn với tuổi thơ của tôi là Ô 18. Đó là các dãy nhà tập thể liền kề, quay lưng vào nhau. Các nhà tập thể thiết kế theo cùng 1 mẫu, phía ngoài có chỗ để xe, đến phòng khách và phòng ngủ, sau đến khoảng sân có bể chứa nước và khu vệ sinh sau cùng.

Những năm 80, điện còn thiếu thốn nên mất điện thường xuyên. Tương tự, nước cũng bơm theo giờ, nhà nào cũng có bể nước để tích trữ. Kinh tế ở nông thôn còn khó khăn nên những đứa trẻ như tôi được lên thành phố đi chơi, được ăn phở, dạo chợ ngắm phố phường nhộn nhịp ban ngày và ánh đèn điện đô thị sáng trưng là điều tuyệt vời nhất.

Quá khứ rất đỗi hào hùng của người dân thành Nam nói riêng và Nam Định nói chung đã lùi xa. Nam Định đang bước vào một chặng đường mới với nhiều cơ hội mới trên cơ sở kế thừa những thành quả từ cả trăm năm trước và quá trình 70 năm giải phóng. Với sự đổi mới, quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo mới, cùng sự quyết tâm, đồng lòng của người dân, tin rằng Nam Định sẽ phát triển hơn nữa, xứng đáng là quê hương của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-niem-70-nam-giai-phong-tp-nam-dinh-ky-uc-ve-thanh-pho-cua-nguoi-nha-que-329697.html