Môi thanh xuân còn tiếc một chân trời

'Đêm hoa vàng' là tập thơ thứ năm, cũng là tập thơ mới nhất của Bình Nguyên Trang, đánh dấu sự trở lại của chị sau 8 năm vắng bóng, kể từ tập thơ 'Những người đàn bà trở về' (NXB Phụ nữ, 2016). 'Đêm hoa vàng' gồm 43 bài thơ, được chia làm hai phần. Phần thứ nhất có tên 'Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội' gồm 16 bài thơ. Phần thứ hai có tên 'Niệm' gồm 27 bài thơ.

1.Phần thứ nhất của "Đêm hoa vàng" chủ yếu là thơ tình. Tình yêu trong nhiều bài thơ, câu thơ của Bình Nguyên Trang là tình yêu đã qua, chỉ còn trong hoài niệm với đầy những xa xót, tiếc nuối. Những hạnh phúc đã thuộc về quá khứ, giờ chỉ còn lại nỗi buồn bã cô đơn: "Ôi tình yêu/ ngươi ở đâu sau lửa ấm tro tàn/ Ta đã đến giữa đời nhau, đã buồn hai nửa/ không thể nào khớp lại thành vui/ Ngôi nhà chúng ta ở phía chân trời/ mỗi đêm hai ta đều mơ một vì sao ngoài cửa sổ/ những vầng sáng cô đơn như tinh cầu vụn vỡ/ âm thầm lạnh trong nhau…" (Tìm), "Và tháng Tám mùa thu buồn bã/ cỏ mọc hoang tận cuối chân trời/ mưa nhắn gửi một lời sám hối/ về tình yêu đã khuất trong đời" (Nguyện cầu tháng tám). Những tiếc nuối cũng gắn với ân hận hay là một lời tự trách mình: "Tôi còn nợ chính tôi lời sám hối/ Của một tình yêu đã huyệt mộ trước hiên nhà" (Nguyện cầu tháng tám).

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Không chỉ nuối tiếc tình yêu, Bình Nguyên Trang còn có những câu thơ đầy hoài vọng về tuổi trẻ, về những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ đã qua trong đời. Có những điều mãi mãi không thể nào lấy lại: "Ta buồn quá nhưng xin đừng khóc nhé/ Ve đã than lạc mất giọng rồi/ thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội/ về xa kia đâu biết lở bồi/ Có thể một sáng nào thôi nhé/ phượng làm mưa rơi ướt chỗ ta nằm/ đã qua hết chỉ còn giấc mộng/ gửi vào trong thương nhớ âm thầm" (Có thể một sáng nào ngủ dậy). Tuổi trẻ vẫn mãi mãi là những gì đẹp đẽ được phong kín trong ký ức: "Chiều nay mưa mờ vết dấu Tháng Năm/ từ đáy hồn tôi vết sẹo buồn câm lặng/ chợt cất lời dịu dàng như tiếng gọi/ về tuổi trẻ nào đã khuất chân mây" (Khoảng trời màu tím).

Dù đi qua không ít những đắng cay cuộc đời nhưng Bình Nguyên Trang vẫn tin vào tình yêu, vẫn muốn níu vào như một hy vọng, một nương náu: "Xin anh đấy ngày mai dù hoại diệt/ đủ thẳm sâu cho em một cõi về/ đủ thứ tha qua dằng dặc bến mê/ cho em hát một bình minh trước biển/ cho em sống một kiếp thuyền nhớ bến/ trong hoang vu ngày tháng gọi con người" (Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống).

Tình yêu đôi lứa trong thơ Bình Nguyên Trang có lúc được nâng tầm khái quát, trở thành một tình yêu rộng lớn của loài người. Ấy là khi dịch bệnh COVID bủa vây, con người lúc ấy rất cần nương tựa vào tình yêu. Thơ tình Bình Nguyên Trang, vì thế, còn gắn với cả những câu chuyện của thời sự xã hội: "Em đã cầu xin đêm nay/ cho tình yêu còn lại/ như liều thuốc băng bó vết thương hồi sinh nhân loại/ cho chúng ta, dù còn sống một ngày" (Xin tình yêu còn lại).

"Con đường" cũng là một bài thơ rất hay nữa của Bình Nguyên Trang trong phần thứ nhất của tập thơ với những ẩn dụ sâu sắc. Con đường là hiện tại, là quá khứ, là tương lai. Con đường là thật mà cũng là hư ảnh. Con đường mở ra rồi con đường khép lại. Con đường mang đến hạnh phúc mà cũng mang đến những buồn đau: "Nhưng cái chết mỗi phút giây đều tới/ không trừ ai ngay cả con đường/ ôi cái chết bây giờ em mới hiểu/ trong cao sâu lý lẽ vô thường/ Thôi đừng tiếc những tháng ngày ta có mặt/ con đường kia nhân chứng cũng mất rồi/ Với hoa lá rơi đầy lối hẹn/ phong kín những lời ta đã gửi trao" (Con đường).

Không chỉ sở trường với thể thơ tự do, Bình Nguyên Trang còn có những bài thơ năm chữ sâu lắng, dồn nén cảm xúc. Và dù ở bất cứ hình thức nào thì thơ Trang luôn đắm say nồng nàn: "Đếm những vì sao rơi/ Đêm rồi đêm thầm lặng/ Ngay cạnh chỗ tôi ngồi/ Cây trổ lời hoang vắng/…Chừng như tôi còn đợi/ Góc phố đầm sương rơi" (Chừng như tôi còn đợi), "Cho em một quê nhà/ một bờ vai nương tựa/ dù ngàn năm trôi qua/ rồi một ngàn năm nữa/ Tình ta còn thức ngủ/ trong mênh mông thiên hà" (Trong mênh mông thiên hà). Hà Nội cũng đã đi vào trong thơ Trang với bao nỗi niềm: "Hà Nội mùa đông cây bàng thay áo/ Mắt ai buồn như lá rớt đường mưa/..Hà Nội mùa đông quán nhỏ hững hờ/…Hà Nội mùa đông nụ cười vụn vỡ…" (Bài ca mùa đông)

2. Ở phần thứ hai của tập thơ, "Niệm", nhiều bài thơ của Bình Nguyên Trang mang chất thiền, nhuốm những suy tưởng gắn với Phật giáo. Nhưng Phật không phải ở đâu xa xôi mà ở thật gần ngay trong mỗi chúng ta. Mỗi con người chính là một ngôi chùa cần dọn cỏ, làm sạch mỗi ngày để trong ấy luôn tràn đầy một tình thương. Và Phật chính là mẹ ở trong nhà vậy đó: "Hôm nay ngày gì, Ngày Mẹ của tôi/ nhưng trong tim tôi ngày nào cũng mẹ/ tôi mang mẹ đi như một ngọn đèn/ để soi tháng ngày vợi bớt lênh đênh/…Xin cảm ơn Người - Phật của riêng tôi/ từ mẹ mà đi con thấu phận người" (Đoản khúc dâng mẹ).

Hình bóng mẹ còn trở đi trở lại trong nhiều câu thơ khác của phần "Niệm" như một yêu thương thường trực, như một nơi để ta ấm áp trở về: "Xuôi về tuổi thơ một mái rạ buồn/ Dáng mẹ ngồi như bóng trăng suông" (Những mùa trăng ta đã quên), "Mẹ vẫn ngồi bậc thềm khâu áo/ Ký ức lùa những chấm buồn rêu" (Trở về), "Tôi tự biết ôm mình bằng đôi tay mẹ/ Mẹ ôm tôi lửa ấm vô hình" (Mộng tháng ba).

Ở phần thứ hai này, con người trong thơ Bình Nguyên Trang như bình thản và vững vàng hơn, thức nhận về những quy luật của cuộc sống. Nhiều câu thơ trong phần "Niệm" vì thế tươi tắn, rạng rỡ, mang nhiều tin yêu hy vọng: "Ẩn nấp trong mùa đông một nụ mầm vẫy gọi/ Bần thần màn mưa như nhung hé cánh hoa đào/ Tôi đi dưới bầu trời xanh lá mới/ Sông Hồng phơi màu áo phù sa" (Trong biển đợi sông về), "Trở về mùa xuân nhặt tiếng chuông rơi/ Hoa đại rụng vết chân ai trước cửa chùa buổi sớm/ Hạt đã gieo từ hôm nào nay vừa chớm/ Mọc một đóa ân tình trên đất nhân duyên" (Trở về).

Bìa tập thơ “Đêm hoa vàng” của nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Bìa tập thơ “Đêm hoa vàng” của nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Phần "Niệm" mang đậm cảm thức thời gian. Thời gian ấy có thể là một sớm mai: "Rồi sớm mai mặt trời lên ta biết/ TÌNH YÊU có thật nơi này" (Rồi sớm mai). Thời gian ấy có thể là một buổi trưa: "Trôi trong trưa những đám mây mùa hạ/ Nắng ngời lên một góc phố buồn/ Con chim hót giấc mộng đời bé dại/ Một linh hồn vô sự đi hoang" (Trôi trong trưa). Thời gian ấy có thể là một buổi đêm mà nhà thơ gọi là đêm hoa vàng, cũng trở thành tên chung cho cả tập thơ: "Hoa vàng ơi/ Vàng ơi hoa đêm/ Người còn ở đây hay về chân trời khác" (Đêm hoa vàng). Thời gian ấy có thể là một mùa trăng hay một mùa xuân: "Những mùa trăng ta đã quên/ Bóng cây thẫm mặt hồ/ Con chim ngang đêm không còn dấu vết/ Ta cứ đi lầm lụi con người" (Những mùa trăng ta đã quên), "Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới/ Đứng níu thời gian, đừng khóc hoa tàn" (Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới). Và rồi thời gian là một năm nhìn lại.

Bài thơ "Cuối năm tôi về" có thể xem là bản tổng kết của cả một đời người với bao buồn vui, thương nhớ, mơ ước: "Tờ lịch cuối cùng bản mệnh của tôi/ Phút giây nào qua cũng là từ biệt/ Phút giây nào qua cũng là tha thiết/ Đời sống quanh tôi, vui buồn - hoại diệt/ Cần nói với nhau nhiều về sự chết/ Để nhận ra nhau trong phút giây này/ Cuối năm tôi về dòng sông trôi miết/ Mỏng mảnh cuối trời một chiếc lá bay…".

Bài thơ cuối cùng của tập, "Những chiếc lá", cũng đầy ắp những cảm thức thời gian. Mỗi chiếc lá là mỗi vẻ đẹp của trời đất và cũng là thân phận, nỗi niềm mỗi con người với bao ngổn ngang: "Những chiếc lá đi ngang qua chiều/ Chầm chậm mùi hương dẫn lối/…Những chiếc lá giấu tâm tư vào đêm/ Chờ trăng lên và gió". Nhưng dù thế nào đi nữa, khi mỗi ngày tháng, mỗi mùa xuân đi qua, thì tình yêu vẫn mở ra để khép lại bao cay đắng, thắp lên những điều đẹp đẽ trong cuộc đời: "Và xuân vừa tới và xuân không lời/ Như bao đắng cay lặng im nằm lại/ Như mặt hồ xanh thầm thì sóng gọi/ Còn tình yêu kia còn đó chân trời" (Cuối năm tôi về).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/moi-thanh-xuan-con-tiec-mot-chan-troi-i736284/