Kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định Genève (21-7-1954 - 21-7-2024): Đối ngoại nhân dân góp phần làm nên thành công của Hiệp định Genève

Hội nghị Genève là một thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam nói chung cũng như của ngoại giao Việt Nam nói riêng, là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế cao cả, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đối ngoại nhân dân tự hào được là một phần của những thành công đó.

Mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ Việt Nam

Ngay trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Việt Nam đã nhận được tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới, đặc biệt là Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản và công nhân các nước, các tổ chức dân chủ thế giới, các phong trào hòa bình, phong trào phản chiến ở các nước. Trong mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, là lực lượng nòng cốt với sự ủng hộ mạnh mẽ về cả tinh thần và chính trị, cũng như sự giúp đỡ to lớn, quý báu về vật chất.

 Quang cảnh Hội nghị Genève năm 1954. Ảnh: TƯ LIỆU

Quang cảnh Hội nghị Genève năm 1954. Ảnh: TƯ LIỆU

Các tổ chức hòa bình, dân chủ thế giới tổ chức rất nhiều hoạt động đoàn kết, ra nhiều nghị quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta. Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Warsaw (Ba Lan) năm 1950 đã ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ ba vào tháng 10-1953 ở Vienna (Áo) đã quyết định lấy ngày 19-12-1953 làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Nhiều cuộc biểu tình, mít tinh và các hội nghị quốc tế của các lực lượng, tổ chức hòa bình, dân chủ đã thực sự là những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ nhân dân ta.

Cùng với đó là sự ủng hộ của nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, nhất là các nước thuộc địa của Pháp, các nước mới giành độc lập dân tộc. Đông đảo nhân dân Pháp, Mỹ đã đồng tình, ủng hộ nhân dân ta kháng chiến. Việt Nam mãi ghi nhớ hình ảnh của những người công nhân ở bến cảng Algerie không chịu bốc vũ khí lên tàu chở sang Việt Nam; hình ảnh chị Raymonde Dien nằm ngang đường xe lửa để cản đoàn tàu chở vũ khí tiếp tế cho quân Pháp ở Việt Nam; anh Henri Martin phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp; đồng chí Léo Figùeres, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp, với những bài viết mạnh mẽ gửi đăng trên các báo của Pháp; nữ nhà văn, nhà báo Pháp Madeleine Riffaud với những thiên phóng sự nổi tiếng ngợi ca tinh thần anh dũng của các dân tộc bị áp bức quyết vùng lên giành độc lập, tự do, đòi quyền sống…

Những bài học lịch sử

Hiệp định Genève năm 1954 đã để lại nhiều bài học cho đối ngoại của Việt Nam sau này.

Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về sức mạnh to lớn của trào lưu giải phóng dân tộc, đặt cách mạng nước ta trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Nhờ vậy, ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Việt Nam, chúng ta đã có khả năng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để giành thắng lợi.

Đó cũng là bài học về đoàn kết quốc tế. Nhân dân ta coi sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế là sự đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta; coi thắng lợi của Việt Nam là một sự đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của nhân dân thế giới. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên vận động quốc tế, tranh thủ tình hữu nghị, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ. Đồng thời, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên tham gia cuộc đấu tranh chung của các tổ chức dân chủ quốc tế. Năm 1949, Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới, khi cử 11 đại biểu tham gia. Năm 1950, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, Việt Nam vẫn có gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockhom về cấm vũ khí hạt nhân. Nhân dân Việt Nam cũng thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (ủng hộ nhân dân Indonesia chống thực dân Hà Lan, ủng hộ nhân dân Triều Tiên chống Mỹ, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa Pháp, cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Guatemala...).

Cuối cùng, đó là bài học về phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối ngoại nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, đường lối, chính sách của Đảng. Đối ngoại nhân dân lúc đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đối tượng của công tác vận động quốc tế thời điểm đó cũng không chỉ là các tổ chức, phong trào nhân dân mà còn là các đảng chính trị, các chính phủ, giới báo chí. Chính nhờ các hoạt động đồng bộ đó mà nhân dân thế giới hiểu hơn về Việt Nam, về ngọn cờ chính nghĩa mà Đảng ta và Bác Hồ nêu cao, từ đó có nhiều hoạt động đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

TS PHAN ANH SƠN
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-niem-70-nam-ky-ket-hiep-dinh-geneve-21-7-1954-21-7-2024-doi-ngoai-nhan-dan-gop-phan-lam-nen-thanh-cong-cua-hiep-dinh-geneve-post750004.html