Kỷ niệm 70 năm ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021) - Con đường thứ 5 - Bài 1: Ngân hàng không khóa

LTS: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có 5 con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, đó là: Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường ống xăng dầu Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đường mòn Hồ Chí Minh trên không, và con đường thứ 5 không hình, không dạng với những câu chuyện gắn với 'binh chủng tiền'. Kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam (6-5-1951 - 6-5-2021) là dịp nhắc nhớ về con đường thứ 5 này.

Đội vận chuyển tiền C100-đơn vị vận tải của đoàn 559 - Bộ Quốc phòng chuyển tiền và hàng vào Nam trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp

Đội vận chuyển tiền C100-đơn vị vận tải của đoàn 559 - Bộ Quốc phòng chuyển tiền và hàng vào Nam trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp

Khi có mặt ở Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội vào một ngày tháng 4-2021, tôi đã nghĩ, những câu chuyện về “binh chủng tiền” ngày ấy cần được kể lại thật tỏ tường để thế hệ ngày nay hiểu và cảm nhận được. Nhưng, khi nghe một chuyên viên tại đây cho biết, phần lớn các nhân chứng lịch sử hồi ấy đều đã mất, các bác còn sống cũng già yếu lắm rồi, tôi thấy lòng mình đầy nuối tiếc…

1. Tôi nhận được một túi sách vở viết về lịch sử ngân hàng, trong đó có cả những CD phim tuyên truyền dịp kỷ niệm 60 năm, rồi 65 năm thành lập ngành ngân hàng. Những lời nói, đoạn phim, hay trích dẫn trong đĩa CD vẫn còn đó, nhưng phần lớn những nhân chứng lịch sử, những người làm nên “binh chủng tiền” thời kỳ đầu đã đi xa… Tôi đã đọc gần như hết những tài liệu mình có về những ngày đầu thành lập ngành ngân hàng (tháng 5-1951), với nhiệm vụ trước mắt thời điểm đó là phát hành giấy bạc Cụ Hồ và quản lý kho bạc, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.

Có thể gọi đó là một sự trưởng thành của “nền kinh tế kháng chiến”. Tuy nhiên, trong tình thế lúc ấy, không thể áp dụng chủ trương “bao vây kinh tế địch”, bởi điều này đồng nghĩa với việc ta tự bao vây kinh tế mình. Sản phẩm vùng tự do sẽ bị ứ đọng, không nơi tiêu thụ, do đó không tranh thủ lấy hàng đổi hàng mà chỉ dựa vào kho dự trữ tiền Đông Dương vốn rất hạn chế để mua các nhu yếu phẩm từ vùng Pháp tạm chiếm thì khi tiền Đông Dương cạn, việc nhập hàng sẽ bế tắc, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc kháng chiến.

Và những tài liệu thời kỳ này cho thấy, ta đã mở mũi tấn công địch trên mặt trận tiền tệ ngay trong vùng tạm chiếm. Đội ngũ cán bộ ngân hàng vừa mưu trí, vừa gan dạ để cùng Đảng bộ và người dân địa phương xây dựng cơ sở “mỗi nhà dân là một ngân hàng”. Để hạn chế sự ảnh hưởng của địch, trên mặt trận tiền tệ, chúng ta cũng phải cố gắng đẩy lùi sự ảnh hưởng của tiền Đông Dương và tiền liên bang. Dùng tiền Đông Dương mua sắm vũ khí, thuốc men và mang tiền Đông Dương đổi ra giấy bạc Cụ Hồ ngay cả trong vùng địch đang tạm chiếm.

Trong hàng núi thông tin về ngành ngân hàng thời điểm đó, có một thông tin đáng giá về tỉnh Hưng Yên, vốn là khu vực tiếp giáp với vùng tự do. Nơi đây, kẻ địch đánh phá không ngừng. Xã Đại Tập (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) lúc bấy giờ là căn cứ kháng chiến và bị địch đánh phá ác liệt, nhưng những người cộng sản - làm nhiệm vụ cán bộ ngân hàng - vẫn ở lại với dân để giữ thế trận. Trong một đoạn phim tài liệu của Ngân hàng Nhà nước, có phần trả lời của cụ Vũ Kim Ngân (nguyên cán bộ ngân hàng tại Liên khu III) như một sự gợi mở: “Muốn củng cố cơ sở thì phải ở lại với dân, dân có tin thì họ mới nuôi…, phải ở lại với dân để giữ dân, giữ đất. Bấy giờ, làng Đại Tập bị địch đánh rất ác liệt, có thể nói là nơi gian khổ nhất của tỉnh Hưng Yên… nhưng người cán bộ vẫn cứ bám trụ”.

2. Chúng tôi tìm về thôn Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), làng quê yên bình với những cánh đồng xanh mướt, dấu xưa một thời khói lửa, nay chỉ còn là di tích.

Đội vận chuyển tiền C100 - đơn vị vận tải của đoàn 559 - Bộ Quốc phòng chuyển tiền và hàng vào Nam trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh do Ngân hàng Nhà nước cung cấp

Đội vận chuyển tiền C100 - đơn vị vận tải của đoàn 559 - Bộ Quốc phòng chuyển tiền và hàng vào Nam trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh do Ngân hàng Nhà nước cung cấp

Ngày ấy, tên tỉnh là Hưng Yên nhưng khói lửa quân thù thì… không yên. Như lời cụ Vũ Kim Ngân trong đoạn phim tư liệu: “Còn đất thì dân còn và cán bộ còn về, bởi vậy là dù địch càn và đánh phá… cũng quyết bám trụ với dân. Dân họ không cần biết tôi làm gì, chỉ biết đó là cán bộ cách mạng thì họ ra sức che chở”. Để hạn chế sự chi phối của kẻ thù, giấy bạc Cụ Hồ theo chân cán bộ ngân hàng vào cả vùng tạm chiếm và địch hậu, được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, cuộc đấu tranh trên mặt trận tiền tệ cũng cam go không thua gì chiến trường.

Một con đường tiền tệ được mở ngay trong vùng địch chiếm đóng và vùng địch hậu, Thái Bình lúc bấy giờ bị kẻ thù chiếm gần hết. Cụ Vũ Kim Ngân mạnh dạn đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy cho mở hai bàn đổi tiền thử ở chợ Cầu và chợ Gốc (tỉnh Thái Bình), 20 gánh tiền được nhân dân ủng hộ và không đủ tiền để đổi… Cán bộ ngân hàng buộc phải chuyển tiền từ Thanh Hóa về Thái Bình và giấy bạc Cụ Hồ được nhân dân sử dụng công khai lẫn bí mật, tiền mình càng mở rộng thì ta càng chiếm ưu thế trên mặt trận tiền tệ để đấu tranh với địch. Huyện Kim Động ngày ấy là vùng tiếp giáp giữa ta và địch, là nơi để cán bộ ngân hàng bí mật đi về, cùng các chiến sĩ vũ trang vận chuyển tiền ra vào vùng địch, một con đường tiền tệ thoắt ẩn thoắt hiện để địch không tài nào đón đầu đánh phá được.

Đón chúng tôi đầu thôn Động Xá, vẫn nguyên màu áo bộ đội, tác phong chỉnh tề của một cựu chiến binh là bác Đào Công Ký (87 tuổi, thành viên tham gia vận chuyển tiền từ Thanh Hóa về Thái Bình). Đưa chúng tôi về căn nhà giản dị nằm sâu trong thôn, bác Ký kể: “Năm đó, nhóm chúng tôi nhận nhiệm vụ, trên vai là túi đồ 15kg, bơi qua sông Đà, sông Đáy và những đồn bót của giặc. Bơi qua sông thì đỉa bám đầy người, ông nào lên trước thì đỡ người sau. Lên bờ, lấy tay vuốt từ đầu tới chân, đỉa rơi đầy dưới đất”.

“Sức bộ đội nhưng chỉ 15kg, có lẽ cũng không quá khó khăn, phải không bác?”, tôi hỏi. Bác Ký giải thích: “Thực ra, 15kg đeo trên người để bơi qua sông là vừa đủ, vì còn phải đem theo vũ khí, lỡ khi qua các đồn bót nếu không may bị phát hiện, còn sẵn sàng chiến đấu. Mà ngày đó vác túi trên vai rồi bơi qua sông, qua bót của địch cũng không ai biết mình đang mang thứ gì, chỉ biết nhận đúng nơi, giao đúng chỗ để hoàn thành nhiệm vụ, nhận túi 15kg thì giao lại đúng 15kg, còn ngày thường ở với dân, dân nuôi thì cho gì ăn nấy”.

Hơn 100 gánh tiền, chuyển từ Thanh Hóa về Thái Bình, về tới đâu, tiền được đổi với người dân thành tiền Đông Dương đến đó và địch dù phát hiện cũng không biết tiền đến từ đâu. Một con đường vận chuyển rõ ràng về mặt địa lý nhưng lại gần như vô hình để kẻ địch khó bề phát hiện và người cán bộ ngân hàng thời kỳ ấy còn tài tình khi xây dựng một kho tiền khổng lồ nhưng lại không có khóa. Giấy bạc Cụ Hồ đổi cho dân xài và thu về tiền Đông Dương, dùng tiền Đông Dương để mua vũ khí, thuốc men… cho cán bộ tại các khu căn cứ. Giấy bạc Cụ Hồ được nhân dân ủng hộ, mở rộng sử dụng cũng đồng nghĩa mặt trận tiền tệ ta chiếm ưu thế, nhưng tiền Đông Dương cũng phải thu đổi lại nhiều và được cơ sở cất giữ trong một cái kho không khóa, đó là những hầm bí mật ở nhà dân, hầm dưới các đền, chùa…

Một cuốn sổ tay, 10 bao đựng tiền, 1 khẩu súng, 2 quả lựu đạn và 1 nắp hầm bí mật là tài sản của người thủ kho ngân hàng ngày ấy. Trong suốt mấy năm địch càn qua quét lại nhưng tiền không mất một đồng, vàng không mất một ly. Trong một đoạn phim tài liệu, cụ Nguyễn Duy Ưởng (thủ kho tiền đặc biệt Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp) có nhắc: “Lúc đó, chỉ có Trung ương và tỉnh mới biết tôi là thủ kho ngân hàng, còn huyện chỉ biết tôi làm cán bộ ngân hàng vậy thôi chứ không rõ làm gì. Chúng tôi cũng không được đi lại nhiều và bí mật cả lối ra lối vào. Tiền về thì ghi nhận đó chứ cũng không biết là bao nhiêu vì được giữ trong hòm, chỉ có thể kiểm tra số hòm chuyển về và chuyển đi chứ không được phép mở”.

Một con đường vận chuyển tiền vô hình, một cái kho tiền không khóa nhưng mảy may không mất đồng nào, bởi tinh thần phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân cao hơn cả mọi suy nghĩ cá nhân.

Đồn bót kẻ thù dày đặc, suốt 2 năm (1952-1954) vận chuyển tiền từ Thanh Hóa về Thái Bình, không ít lần các nhóm vận chuyển bị ca nô của Pháp áp sát khi qua sông, thậm chí các bác, các chú còn giáp lá cà với giặc ở các bót đồn ven sông.

Bác Đào Công Ký. Ảnh: QUANG PHÚC

Bác Đào Công Ký. Ảnh: QUANG PHÚC

“Một lần giáp lá cà, đội đi đầu mở đường quyết đánh trả, chấp nhận hy sinh để bảo vệ những đội đi sau, ngay cả chính ủy của đội cũng bị địch bắt sống…”, nói tới đây giọng bác Đào Công Ký chùng xuống. Bác tiếp tục: “Sau này, xong nhiệm vụ mới biết túi đó là tiền, thời đó nghèo đói, nhưng chẳng ai mảy may suy nghĩ riêng tư gì, chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ, mong ngày yên bình không còn giặc giã. Tiền mang trên vai, mà bụng thì đói meo vẫn cứ bơi qua sông ào ào thôi, chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

---------------------

Bài 2: Khi bí mật được giải mật

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/con-duong-thu-5-bai-1-ngan-hang-khong-khoa-729022.html