Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ xã Quảng Minh (1954-2024): Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử

Tròn 70 năm ra đời và phát triển, Đảng bộ xã Quảng Minh đã phát huy sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu, được đúc rút từ quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Từ đó, tạo động lực và niềm tin để khích lệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực lao động sáng tạo, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Quảng Minh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Diện mạo nông thôn mới Quảng Minh. Ảnh: P.V

Vùng đất cổ Quảng Minh được hình thành vào cuối thế kỷ Đệ Tứ (cách ngày nay khoảng 12 nghìn năm). Trải qua quá trình bồi trúc hàng vạn năm của tự nhiên và hàng ngàn năm lao động cần cù, sáng tạo của con người nơi đây, Quảng Minh mới có được điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và quần cư của người dân. Cũng như nhiều vùng quê khác trên địa bàn tỉnh, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Quảng Minh phải chịu ách áp bức, bóc lột nặng nề của chế độ cai trị thực dân phong kiến. Song, do sớm được giác ngộ và đoàn kết dưới lá cờ cách mạng vẻ vang của Đảng, người dân Quảng Minh đã vùng lên đấu tranh chống thực dân, phong kiến, góp phần giành chính quyền trên địa bàn huyện Quảng Xương và đóng góp vào thành công chung của cách mạng cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước, đồng thời, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển vùng đất này. Trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 10/1947, Chi bộ xã Quảng Cát (lớn) - chi bộ đầu tiên ở khu vực 3 xã Quảng Cát (nhỏ), Quảng Tâm và Quảng Minh ngày nay, với tên gọi Trần Phú được thành lập. Tháng 4/1948, Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Quảng Xương quyết định sắp xếp lại các xã trên địa bàn (từ 39 xã thành 17 xã), trong đó, khu vực Quảng Minh lúc này thuộc địa phận xã Quảng Cát (lớn). Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Trần Phú, Nhân dân Quảng Minh đã sát cánh cùng Nhân dân cả nước dũng cảm đứng lên chống thù trong, giặc ngoài, góp phần giữ vững thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ chính quyền non trẻ. Đồng thời, chuẩn bị để cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân Quảng Minh cũng như Nhân dân xã Quảng Cát (lớn) đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, đã đóng góp cho tiền tuyến hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, xây dựng Quỹ Quốc phòng được gần 500 đồng, mua công trái quốc gia 9.994 đồng, công phiếu kháng chiến 3.295 đồng... Đặc biệt, suốt những năm kháng chiến, 66 người con Quảng Minh đã lên đường vào Vệ quốc đoàn, vào bộ đội, nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Ghi nhận thành tích và những cống hiến to lớn của Nhân dân Quảng Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ đã trao tặng nhiều huân, huy chương cho 60 cá nhân, 4 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong kháng chiến và phục vụ kháng chiến.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Quảng Xương tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị hành chính, từ 17 xã (lớn) chia thành 47 xã nhỏ. Ngày 1/6/1954, xã Quảng Cát (lớn) được chia thành 3 xã là Quảng Minh, Quảng Tâm và Quảng Cát. Ngày 20/6/1954, Huyện ủy Quảng Xương cũng quyết định tách Chi bộ Trần Phú thành 3 chi bộ nhỏ, gắn với 3 xã mới được thành lập. Sau khi ra đời, Chi bộ xã Quảng Minh đã tập trung lãnh đạo Nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ... Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, Nhân dân Quảng Minh đã tích cực tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Quảng Minh có 395 thanh niên tình nguyện lên đường tham gia quân ngũ (trong đó có 24 đảng viên), 245 người tham gia thanh niên xung phong, 468 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến, có hàng trăm lượt thuyền, xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược vào tuyến lửa miền Nam...

Có thể khẳng định, với tinh thần quật cường và lòng yêu nước nồng nàn, quân và dân xã Quảng Minh đã có nhiều đóng góp để cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, đã có 66 người con Quảng Minh hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; trên 100 người đã để lại một phần máu thịt trên khắp các chiến trường. Với những hy sinh, cống hiến cho công cuộc xây dựng, bảo vệ CNXH và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều mẹ liệt sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng; nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương các loại và được Quân khu 4, tỉnh, huyện tặng thưởng trên 100 cờ thi đua, bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương và chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hòa bình lập lại, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn cả nước đi lên xây dựng CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Quảng Xương, Nhân dân Quảng Minh lại bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ xã Quảng Minh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế hăng say lao động, sản xuất phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội Quảng Minh tăng trưởng khá. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 15,6%. Sang giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 18,5%. Cơ cấu từng bước chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Phát triển hạ tầng nông thôn được xác định là động lực, là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, đến nay 97% các tuyến đường của xã được bê tông, nhựa hóa; tỷ lệ hộ dân dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ dân dùng nước sạch đạt 92%; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được chiếu sáng đạt 70%; tỷ lệ nhà ở kiên cố (nhà dân) đạt 95%...

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã Quảng Minh. Ảnh: P.V

Lĩnh vực giáo dục có bước phát triển mạnh mẽ, cả chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà được nâng lên. Xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia; phong trào khuyến học, khuyến tài được chăm lo gắn với việc xây dựng các quỹ khuyến học dòng họ và quỹ khuyến học của xã. Đặc biệt năm 2016, xã có một học sinh đoạt Huy chương Vàng quốc tế môn Hóa học. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chăm lo; đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2020, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Đặc biệt, ngày 1/1/2016, xã Quảng Minh sáp nhập vào thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn). Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xã Quảng Minh tiếp tục nỗ lực phấn đấu trở thành một phường (trong năm 2024) văn minh, giàu đẹp, xứng đáng là đơn vị hành chính của thành phố du lịch nổi tiếng Sầm Sơn...

Ngoài ra, công tác quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương từng bước được nâng lên; người dân cơ bản đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương...

Suốt 70 năm ra đời và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng bộ xã Quảng Minh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý báu. Đó là luôn tích cực rèn luyện nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Tăng cường nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và các cấp ủy đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ và trong các tầng lớp Nhân dân, mà nòng cốt là tập thể đảng ủy; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt của xã trong các lĩnh vực công tác. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ và phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thế hệ trẻ trong mọi lĩnh vực, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Với những thành quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực, trong 5 năm liên tục (2018-2023), Đảng bộ xã Quảng Minh vinh dự được đảng bộ cấp trên công nhận là đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, năm 2022, UBND xã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua quyết thắng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự... Đây vừa là tiền đề vừa là động lực để Đảng bộ xã Quảng Mình tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp CNH, HĐH quê hương và xứng đáng với niềm tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân.

Đàm Thị Thái

Ủy viên Ban Chấp hành Thành ủy Sầm Sơn,

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-niem-70-nam-thanh-lap-dang-bo-xa-quang-minh-1954-2024-xay-dung-dang-bo-trong-sach-vung-manh-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-cach-mang-trong-tung-thoi-ky-lich-su-216328.htm