Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15-7-1950 - 15-7-2023): Một thời gian lao, mãi nhớ...
Đập Trấm, tên gọi ấy đã khắc in trong tim hàng vạn thanh niên Bình Trị Thiên một thuở gian lao ngăn sông Thạch Hãn làm nên công trình đại thủy nông của 45 năm trước trên quê hương Quảng Trị. Kỳ tích đó đã 'giải cứu' cả vùng lớn Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) và một phần Thừa Thiên - Huế thoát khỏi cảnh khô cằn, nứt nẻ nắng cháy, trở thành vựa lúa trù phú. Cho đến hôm nay, 'dòng sông' mang nguồn ngọt mát lành ấy vẫn đang dâng hiến cho sứ mệnh cao cả, như muốn thay lời đền đáp những con người bé nhỏ mà kiên cường làm nên điều kỳ diệu xây dựng quê hương sau chiến tranh. Họ chính là cựu thanh niên xung phong (TNXP) đến từ những Sư đoàn thủy lợi với tên gọi thân thương như Triệu Hải, Bến Hải, Lệ Ninh, Hương Điền, Đồng Hới...
Năm 2019, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ từng tham gia công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (người dân quen gọi là Đập Trấm) xúc động khi UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định công nhận phiên hiệu TNXP cho Sư đoàn Thủy lợi Triệu Hải. Trước đó, Sư đoàn Thủy lợi Bến Hải (đều thuộc Quảng Trị) cũng đã được công nhận phiên hiệu này.
“Đây là vinh dự lớn lao khi được kết nạp vào TNXP”, ông Hoàng Chí Khiếu, nguyên Sư đoàn phó Sư Đoàn Triệu Hải chia sẻ trong xúc động về sự kiện ý nghĩa ấy. Từ trong ngôi nhà giản dị gần cầu Thành Cổ, vị chỉ huy năm nào nhìn ra dòng sông Thạch Hãn, đưa chúng tôi trở lại năm tháng lịch sử, “bắt sông uốn khúc, buộc núi cúi đầu”, rực cháy khí thế lao động.
Năm 1976, trong một lần về thăm quê hương Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn nghẹn ngào trước cảnh làng mạc bom đạn cày xới, ruộng đồng hoang khô, mất mùa. Mang niềm trăn trở, đồng chí Tổng Bí thư nhận thấy phải xây dựng một công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất, khai hoang phục hóa, xóa đói giảm nghèo là vấn đề cấp thiết đối với Quảng Trị. Sau gợi ý và đề xuất trên của Tổng Bí thư, Bộ ngành Trung ương tiến tới đầu tư xây dựng công trình Nam Thạch Hãn. Đây là công trình huy động lực lượng của toàn tỉnh Bình Trị Thiên, thanh niên độ tuổi từ 17 đến 30 xung phong vào công trường và được tổ chức dưới hình thức quân sự hóa. Lực lượng mỗi huyện đều được tổ chức thành một sư đoàn. Đối với Sư đoàn Thủy lợi Triệu Hải, vào tháng 12-1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định thành lập. Đây là đơn vị chủ công thực hiện công trình. Ông Khiếu lúc đó đang là Phó Bí thư Huyện Đoàn Triệu Hải được điều động nhận nhiệm vụ Sư phó Sư Đoàn Triệu Hải, phụ trách chính trị. Hưởng ứng “chiến dịch” này, người dân tại 41 xã của H.Triệu Hải (Triệu Phong và Hải Lăng bây giờ) đã tham gia, xung phong lên công trường. Có mặt tại công trình thế kỷ từ những ngày đầu lên Đá Đứng (xã Hải Lệ, TX Quảng Trị) và bám trụ cùng cán bộ, chiến sĩ của các sư đoàn khác cho đến ngày hoàn thành sau 3 năm thi công, ông Khiếu tràn ngập ký ức, nhớ thương đồng đội, đồng chí đã chung sức trong những ngày tháng ấy.
Gian nan, khổ cực không biết mấy mà kể, nhiều người cũng đã hy sinh ngay trên công trường nhưng vì nhiệm vụ lớn lao, không một ai lùi bước. Hầu hết các công đoạn đều thực hiện thủ công, dụng cụ chủ yếu cuốc, xẻng, gồng gánh làm đất; ve, búa để đục đá, đầm nện cũng làm từ sức người, không có máy lăn, máy lu. Khó khăn bộn bề nhưng với khí thế lao động rầm rập, kỷ luật, kỹ thuật, hàng vạn con người đã biến giấc mơ ngàn đời của nông dân thoát cảnh ruộng đồng khô cháy thành hiện thực. Từ cuối năm 1977 đến năm 1981, hàng trăm ngàn m3 đất đã được đào đắp, xây dựng 1 đập chính, 7 đập phụ với cao trình trên 21m, 1 đập tràn rộng 135m; hoàn thành 16,4 km kênh chính; 67 km kênh cấp 1. Công nhân, CBCS còn trải qua thời tiết khắc nghiệt, sốt rét, tai nạn bom mìn, thương tích…Công trường đẫm mồ hôi và cả máu. Nhưng cũng trên đại công trường này, nhiều người nên duyên chồng vợ từ sự đơm hoa của tình yêu lao động, yêu quê hương và lăn xả cống hiến.
Với lý tưởng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, hệ thống kênh như “dòng sông” lượn qua các thôn làng, đưa nước về tưới phủ cho gần 15 ngàn ha lúa vụ đông xuân và vụ hè thu tại Triệu Phong, Hải Lăng và một phần tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công trình mang tầm vóc ấy đã đóng góp lớn lao vào KT-XH, cả nhiều phận đời, gắn bó với quê hương, cánh đồng no ấm. Điều đặc biệt, đến tận hôm nay, phần lớn hạng mục các công trình đều rất vững chãi, kiên cố. Càng khẳng định công sức của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ với thanh xuân rực rỡ cống hiến năm đó.
Trong niềm xúc động, chúng tôi biết được những người tham gia xây dựng công trình năm nào hầu như tuổi đã cao, sức yếu, nhiều trong đó hoàn cảnh khó khăn. Song niềm tin tưởng của họ đối với quê hương, với sự đổi thay, phát triển của đất nước chưa bao giờ vơi. Rất mong có nhiều sự quan tâm, chế độ, chính sách về TNXP hơn nữa nhằm kịp thời chia sẻ đến với họ. Đó cũng là sự tri ân với những cống hiến thầm lặng quý giá như thế.