Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam
Ngày 25-12, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (3/1/1946 - 3/1/2021).
Các đại biểu cắt băng khai mạc khu trưng bày tài liệu lưu trữ.
Tại lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, ngành đã chủ động triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác lưu trữ thống nhất, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức ngành Lưu trữ Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng chính phủ điện tử hiện nay. Với những đóng góp đó, năm 2020, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định công tác văn thư, lưu trữ có vai trò, giá trị vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sản phẩm của hoạt động lãnh đạo, quản lý và là nguồn thông tin gốc phản ánh một cách toàn diện đầy đủ, chân thực mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội của một quốc gia, một địa phương, một cơ quan, tổ chức.
Các đại biểu xem khu trưng bày tài liệu lưu trữ “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong tài liệu lưu trữ”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tiếp tục đóng góp, cống hiến để hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức bộ máy để thực hiện tốt công tác lưu trữ, phát huy những giá trị tài liệu lưu trữ, đưa tài liệu đến gần hơn với đông đảo quần chúng và đời sống xã hội.
Ngay sau lễ kỷ niệm, các đại biểu đã tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong tài liệu lưu trữ”, tại khuôn viên Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (12 Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Khu trưng bày giới thiệu đến công chúng những mộc bản quý (Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn) và một số tài liệu lưu trữ có nội dung về Quốc hiệu và Kinh đô của nước ta từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay.