Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND: Con của mẹ cũng là con của Đảng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn cán bộ công an ưu tú đã được huy động chi viện cho chiến trường miền Nam. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, họ đã tạm gác lại tình riêng đi chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an nhân dân (CAND).
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an là một trong số những đảng viên tham gia chi viện chiến trường miền Nam từ năm 1964 đến năm 1975. Nay ở tuổi 94, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói đầy hào sảng. Hiện tại, với vai trò Trưởng Ban Liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam, tôi có dịp trò chuyện với ông, nghe kể về những tháng ngày chiến đấu.
Theo thống kê của Bộ Công an, với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” và quyết tâm cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1959 đến tháng 4/1975, Bộ đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, chi viện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường đánh Mỹ, lật ngụy.
Nhiệm vụ lúc đó là xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; diệt ác, trừ gian, làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, cơ sở của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy là thế nhưng trên mặt trận thầm lặng này, ông Lai và các đồng đội đã không quản vất vả, hy sinh, chiến đấu ngoan cường để vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Lai quê ở tỉnh Nam Định, 17 tuổi tham gia cách mạng, 19 tuổi vào ngành công an và một năm sau đó được kết nạp vào Đảng (năm 1950). Khi đang công tác, đầu năm 1964, ông được chọn đi chi viện chiến trường miền Nam. Ông kể rằng những năm tháng ấy, trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt, yêu cầu rất khẩn trương, những cán bộ công an chi viện miền Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng, đào tạo bài bản về chính trị và nghiệp vụ công an, luôn là những đồng chí có bản lĩnh chính trị, lập trường vững vàng, quyết tâm sắt đá, năng lực nghiệp vụ cao.
Có một điểm chung là hầu hết những người chi viện đều đã lấy vợ, có con nhỏ, họ tạm gác tình riêng, việc gia đình nhường chỗ cho tình yêu đất nước. Ông cũng vậy, ngày chia tay gia đình, chia tay vợ (bà Nguyễn Thị Thanh) và 3 người con (Thái, Thịnh, Thắng) để lên tàu đi làm nhiệm vụ, đặt chân đến nơi làm việc mới, ông xúc động viết thư cho vợ: “Anh rất biết ơn lòng em đối với anh, với con, với mẹ và gia đình.
Anh mong mỏi luôn được gần gũi bên em. Nhưng em ạ, nay vì nghĩa lớn, chúng ta vui lòng hy sinh tình cảm thiêng liêng của chúng ta. Anh đi để lại cho em một gánh nặng, em thay anh chăm sóc mẹ già và các con, công lao đó không bao giờ anh quên được. Em đừng buồn nhiều nhé, tin ở anh, nhất định không lâu nữa anh sẽ trở về với em và các con”. Và quãng thời gian “không lâu nữa” ấy của ông kéo dài đến 11 năm liền với cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên - Huế.
Trong cuộc kháng chiến này, hơn 900 cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam đã hy sinh; nhiều đồng chí bị bắt, bị giam cầm, bị tra tấn dã man; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam. Năm 2020, lực lượng CAND chi viện chiến trường miền Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên của lớp cán bộ chi viện chiến trường miền Nam, Thiếu tướng Phan Văn Lai kể: "Trước khi vào đây mình chưa hiểu và chưa thấy hết được sự thật. Nhưng từ khi bước chân vào tới nơi, được mắt thấy tai nghe mới càng thấm thía và tin tưởng vào cuộc kháng chiến thứ hai quả là thần thánh và vĩ đại. Cảm xúc đầu tiên là tình cảm của người dân đối với cán bộ cách mạng. Đi tới đâu, người nào, gia đình nào cũng vậy, họ rất quý mến và thương cán bộ.
Có gia đình chúng tôi tạm nghỉ chân đến cả chục ngày mà họ chẳng tiếc mình cái gì, hằng ngày đem cho đủ thứ: Sắn gùi về họ chọn cho mình củ to và ngon; chuối, đu đủ, dứa phải là những quả chín nhất, thơm ngọt nhất; họ còn kỳ công lấy cả nước đót (lấy từ một loại cây, nước ngọt như mía nhưng lại say nhẹ hơn bia một chút) gửi cho cán bộ. Trước hôm chia tay, bà con quây quần đông đủ bắt cán bộ hát cho họ nghe cả đêm. Nghe xong họ bảo: “Nếu ngày mai đi họ sẽ khóc”. Và họ khóc thật, bịn rịn mãi không muốn rời xa".
Nói đến sự giác ngộ và tinh thần cách mạng của quần chúng thì thấy tiến bộ nhiều lắm, họ rất tin tưởng và lạc quan với cách mạng. Vì vậy mọi việc làm hằng ngày đều nói để giúp cho cách mạng mau thắng lợi. Chẳng hạn như họ tích cực sản xuất nhiều thóc, ngô, khoai, sắn để ủng hộ nuôi quân. Họ rất căm thù Mỹ - Diệm, do đó có cái gì xấu xa họ đều bảo là của Mỹ - Diệm, nhất là trong tầng lớp thanh niên nam nữ, họ tiếp thu những cái mới, cái hay của cách mạng rất nhanh, đồng thời cũng xóa bỏ những tàn tích của chế độ cũ nhanh và triệt để.
Ví như thực hiện quyền nam nữ bình đẳng trong luyến ái, trong gia đình, bài trừ mê tín, hủ tục; cải tiến cách sản xuất tăng vụ, ngâm thóc “ba sôi, hai lạnh” trước khi gieo cấy… “Nhưng có được tình hình sáng sủa như trên cũng không phải dễ dàng lắm đâu. Đó là anh em phải rất kiên trì vận động, từng bước từng bước một, không nóng vội cũng không chần chừ”, ông cho biết.
Về bản thân mình, Thiếu tướng Lai chia sẻ, đằng đẵng gần 9 năm ông không về thăm gia đình, tình riêng chỉ thể hiện qua những lá thư mà thôi. Vào chiến trường được 8 tháng, ông viết thư động viên mẹ: “17 tuổi đầu đi thoát ly và hoạt động cách mạng (khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ ông bắt đầu chia tay gia đình đi kháng chiến - PV), từ đó gần hai chục năm con xa mẹ, ít khi được gần mẹ, con cảm thấy chưa có gì để đền đáp công ơn của mẹ. Nhưng thôi mẹ ạ, con của mẹ cũng là con của Đảng, con của cách mạng, con của nhân dân. Ở trong này tuy không được hưởng sự chăm sóc của mẹ, nhưng Đảng đã đưa lại cho con nhiều niềm vui nên cũng an ủi một phần. Con lo và thương nhớ mẹ nhiều”.
Tháng 8/1972, khi có người đồng đội nói chuyện rằng người vợ ở quê nhà “Mong anh về thăm một tý rồi đi cũng được thôi” nhưng tôi bảo không phải các anh em trong cơ quan không quan tâm mà là trong những giờ phút lịch sử này, nhiều anh em ngoài đó cũng đang chia tay vào chiến trường làm nhiệm vụ thì tôi đi sao được.
Giai đoạn này, ông viết thư gửi động viên vợ: “Gần 9 năm tạm xa vợ, con, nói riêng về tình cảm thì thấy lâu, nhưng nói về nhiệm vụ cách mạng thì mới có một giai đoạn thôi em nhỉ. Anh ở trong này thấy nhiều chị thương lắm, xa chồng từ ngày tập kết gần 20 năm, ở nhà vẫn một niềm vui chung thủy nuôi con, chờ chồng, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Song có phải yên ổn đâu, vì gia đình liên quan đến cách mạng nên địch nay bỏ tù, mai tra khảo. Nhưng sở dĩ cách mạng thắng là vì nhân dân ta như vậy đó em ạ”.
Khi em trai ông đi nghĩa vụ quân sự, từ trong chiến trường, ông Lai nhắn gửi đến người mẹ già ở quê nhà: Con vừa biết tin chú Sơn (tên người em ruột) đi nghĩa vụ, mẹ đừng lo nghĩ đến chú đó nhiều. Tuổi thanh niên phải thế mẹ ạ. Thanh niên phải có nghĩa vụ tòng quân bảo vệ đất nước. Đất nước có được bảo vệ gia đình ở nhà mới yên vui chứ. Rồi chúng con sẽ trở về quê hương với mẹ”.
Hòa bình lập lại, lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam được điều động về các đơn vị trong cả nước, tiếp tục công tác, có nhiều cống hiến quan trọng. Ông Lai về Hà Nội công tác tại Bộ Công an. Ông nghỉ hưu năm 1996 và đang sinh sống tại Hà Nội, hiện là Trưởng Ban liên lạc. Hằng năm, Ban thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thống, nghĩa tình trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thu Phong