Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam
Ngày 1-10, tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và Tổng Hội Địa chất Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt nhân dịp 78 năm Ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam (2-10-1945 / 2-10-2023).
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết: Trải qua 78 năm hình thành và phát triển, ngành Địa chất Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức, số lượng viên chức, người lao động có giảm, nhưng ngành Địa chất Việt Nam luôn phát huy truyền thống để phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu gắn với nhiều dấu mốc lịch sử.
Chia sẻ một số kết quả nổi bật của ngành trong năm 2023, Cục trưởng Trần Bình Trọng thông tin, Cục Địa chất Việt Nam đã và đang phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đến nay, dự thảo đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử và gửi đến các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý, đồng thời tổ chức hội thảo tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đây là cơ sở pháp lý chắc chắn để giúp ngành Địa chất phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành.
Cục trưởng Trần Bình Trọng nhấn mạnh, kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất đã phục vụ kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố; đã kịp thời đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021-2030 hàng trăm diện tích có tài nguyên khoáng sản tin cậy của 60 loại hình khoáng sản.
Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam Hoàng Văn Khoa cho biết: Các chuyên gia của Tổng hội đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện trong nhiều lĩnh vực: Địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và chính sách quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản... Những chuyên gia tham gia công tác phản biện của Tổng hội luôn bảo đảm tính khách quan, khoa học, đã đưa ra những ý kiến sâu sát và nghiêm túc.
Trong thời gian tới, ngành Địa chất Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2024. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá các dạng công việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Tiếp tục xây dựng, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới ngành Địa chất; tăng cường năng lực chuyên môn, công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong điều tra cơ bản địa chất; ưu tiên điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản biển.
Đồng thời, ngành Địa chất Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, điều tra viên ngành địa chất có trình độ cao; tăng cường hợp tác đào tạo với nước ngoài phát triển đội ngũ chuyên gia địa chất. Ngành cũng tập trung khôi phục và xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, lao động trẻ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới vào quản lý và điều tra cơ bản địa chất trong điều kiện mới.
Tin, ảnh: ĐAN DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.