Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng trong thời đại mới
Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Đó là chia sẻ của GVCC.TS. Trần Quốc Dương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Báo Thế giới & Việt Nam nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023).
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Ngày 22/12 hằng năm là ngày hội truyền thống của cả dân tộc, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của Lực lượng quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đề cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam?
Phát huy thành tích to lớn đã đạt được trong 79 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham gia xây dựng kinh tế đất nước và thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Năm nay, các hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023); 77 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023) được diễn ra ở khắp làng, xã, cơ quan đoàn thể, cơ sở đơn vị... Trong 34 năm qua, các sự kiện như Ngày hội Quốc phòng toàn dân cùng với Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Ngày Biên phòng toàn dân, Ngày hội tòng quân đã khẳng định rằng, quân với dân cùng một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Đây là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt, hiển hách của quân và dân ta. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đồng thời, chúng ta cần luôn ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng.
Cần khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc và bồi dưỡng lòng yêu nước, đặc biệt đối với thế hệ trẻ ra sao, theo ông?
Quân đội nhân dân Việt Nam được ra đời trên nền tảng của truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của dân tộc, được Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, sự chăm lo đùm bọc giúp đỡ của nhân dân. Cùng với thời gian, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đã chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lập nên nhiều chiến công vang dội, làm rạng danh non sông, đất nước và tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.
Ngày nay, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ càng được tỏa sáng, nhân lên trong giai đoạn cách mạng mới. Những hành động anh dũng và xúc động khi hàng vạn cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ ngâm mình ngăn dòng nước lũ. Hình ảnh những chiến sĩ đã hy sinh quên mình cứu dân sẽ còn sống mãi trong lòng hàng triệu trái tim của đồng bào cả nước.
Những tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình đó của những cán bộ, chiến sĩ vì cuộc sống bình yên của nhân dân đã luôn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng, nâng niu, giữ gìn truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, để truyền thống đó mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải không ngừng củng cố, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.
Thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình, độc lập, nên việc giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đòi hỏi khách quan mà còn là nhu cầu tất yếu trong đời sống.
Thế hệ trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình
Chúng ta học được trong lịch sử và qua ký ức của những người đi trước, hiểu sâu sắc rằng, giá trị của hòa bình, độc lập tự do của dân tộc phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ cha anh. Cần đề cao giáo dục lịch sử cho giới trẻ ra sao, để người trẻ thêm yêu lịch sử nước nhà?
Đất nước Việt Nam ta được phát triển như ngày nay, nhân dân Việt Nam được ấm no, sung túc như hôm nay là do chúng ta đã trải qua một chặng đường dài lịch sử hào hùng đầy biến động. Đó là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đầy thăng trầm, qua đó khẳng định được lòng quyết tâm, ý chí của nhân dân ta luôn nồng nàn yêu nước, yêu da diết mảnh đất thiêng liêng của quê cha đất tổ, của non sông đất nước Việt Nam.
Bao thế kỷ đã trôi qua cũng như bao thế hệ đã nối tiếp nhau ra đi gìn giữ đất nước. Họ dựng nước bằng cả tâm huyết, giữ nước bằng cả đam mê, nhiệt huyết và hy sinh xương máu. Hàng trăm anh hùng, hàng ngàn tướng sĩ, hàng vạn người lính trẻ ra đi nơi chiến trường đã góp lên một vẻ đẹp riêng của dân tộc. Vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng nhưng gan dạ với tinh thần bất khuất luôn chạy theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì nước mà quên thân, vì nhân dân mà phục vụ. Họ rời xa chính gia đình của mình để sải bước trên con đường gian khổ, giành lại từng mảnh đất quê hương.
Nhờ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”,“ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà nhân dân ta từ trẻ nhỏ cho đến người già đều không quên những sự kiện quan trọng của đất nước. Ta luôn nhớ những chiến công hiển hách hay những tấm gương gan dạ đã hy sinh để bảo vệ truyền thống vẻ vang của dân tộc ta. Bản thân tôi cũng tự hào là người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất thiêng liêng và bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm đến những người có công dựng nước và giữ nước, giúp chúng tôi có được điều kiện như ngày hôm nay, được tiếp nhận vô vàn tri thức.
Tháng 12 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử 79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay được thừa hưởng thành quả của cha ông, cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, một trong những trách nhiệm lớn lao của người trẻ là nâng cao vị thế của đất nước hơn nữa trên trường quốc tế.
Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Thế hệ trẻ hôm nay được thừa hưởng thành quả của cha ông, cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông nghĩ gì về trách nhiệm của người trẻ trong việc nâng cao vị thế của đất nước hơn nữa trên trường quốc tế?
Tự hào về chiến công vĩ đại và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có thể khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt thế hệ trẻ, quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp, ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng về quân sự, quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các Cường quốc trên thế giới. Đây là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng Việt Nam hiện nay, thể hiện sự tôn kính với những hy sinh, mất mát của cha ông và thế hệ đi trước.