Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): Hồi ức trận mạc của vị tướng xe tăng
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước (nguyên Chủ nhiệm khoa Xe tăng - Thiết giáp, Học viện Quân sự cao cấp - nay là Học viện Quốc phòng) sinh ra trên mảnh đất Hưng Nguyên, Nghệ An. Năm 15 tuổi, ông tham gia đoàn người đi giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sau đó vào bộ đội.
Năm 1953, sau 4 năm quân ngũ, ông trưởng thành lên cán bộ đại đội, cuối năm đó được bầu là “Chiến sĩ thi đua số 1” của Đại đoàn 304. Cuối tháng 3-1954, Nguyễn Văn Phước trong đội hình Đại đoàn 304, với chức vụ Đại đội trưởng, đã tham gia chiến đấu và giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 30-8-1959, ông Phước nhận lệnh đi học chuyên ngành xe tăng ở Trung Quốc. Ngày 5-10-1959, Trung đoàn 202, đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta được thành lập, Đại úy Nguyễn Văn Phước là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Năm 1965, khi Bộ Tư lệnh Thiết giáp thành lập, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Tác chiến.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước kể, nhiệm vụ của ông lúc ấy là lập kế hoạch bí mật đưa xe tăng vào miền Nam chiến đấu. Sau khi Ban Tác chiến báo cáo kế hoạch, Bộ Tư lệnh kết luận: Thành lập Tiểu đoàn xe tăng PT-76, phiên hiệu 198, trang bị 22 xe, khu vực tập kết tại Đường 9, cách biên giới Việt - Lào khoảng 30km trước tháng Giêng năm 1968. Ông Phước hồi hộp chờ lệnh lên đường. Kế hoạch được thực hiện bí mật. Đó là cuộc hành quân có một không hai của xe tăng trong lịch sử chiến tranh. Đại đội 3 hành quân hết gần 1 tháng, đi khoảng 1.000km trong điều kiện hết sức khó khăn. Đường đất hẹp, lòng mo rất khó đi, gây hại rất lớn cho xích xe tăng trong khi cầu cống rất yếu, khiến chiến sĩ lo toát mồ hôi.
Ông Phước nói, lực lượng xe tăng ra đời muộn hơn các binh chủng khác, nhưng đã chiến thắng trận đầu rất vang dội. Trận hiệp đồng đánh cứ điểm Tà Mây - Làng Vây của Tiểu đoàn 198 và Tiền phương Bộ Tư lệnh Mặt trận trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 là một kỳ tích về sáng tạo, táo bạo trong tác chiến.
Ông kể lại, lần ấy, khi ông và chỉ huy Tiểu đoàn 198 đi trinh sát cách cứ điểm Làng Vây để lên kế hoạch tác chiến thì lọt vào ổ phục kích của địch. Tiếng súng rộ lên. Nhìn về phía trước thấp thoáng mấy tên ngụy mặc bộ rằn ri và chớp lửa đầu nòng lóe sáng. Cuộc chạm súng nhanh chóng kết thúc. Trước mắt ông là cảnh tượng hết sức đau lòng: 4 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh...
Nghi ngờ kế hoạch đưa xe tăng vào tác chiến đã bị lộ, khiến địch đề phòng nên ông Phước và chỉ huy Tiểu đoàn 198 đã chọn phương án đưa xe tăng đi dọc lòng sông Sê Pôn, đột kích vào hướng Nam của cứ điểm Làng Vây, hướng phòng ngự thứ yếu của địch. Công tác hiệp đồng giữa xe tăng PT-76 của Tiểu đoàn 198 với công binh, pháo binh, bộ binh được giữ bí mật tuyệt đối.
Thực tế tác chiến diễn ra đúng theo kịch bản. Xe tăng xung kích làm lá chắn cho bộ binh, vượt qua cửa mở đánh vào trung tâm cứ điểm, khiến địch không kịp trở tay và giúp quân ta giành thắng lợi. Gần đây, có nhà báo tìm đến ông để ghi hình và hỏi: Làm thế nào để đưa xe tăng bơi trên lòng sông Sê Pôn có cấu trúc phức tạp, nhiều đá hộc, có chỗ đá xếp lên nhau thành ghềnh, đột phá hướng thứ yếu của cứ điểm Làng Vây? Vị tướng già nói: “Chúng tôi đã hiệp đồng “tiếp máu” cho tăng để vượt sông cạn!”.
Ngày 24-10-1973, Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng được thành lập. Sau khi nhậm chức Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 1, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã có ý kiến và đồng chí Nguyễn Văn Phước được điều động về làm Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp Quân đoàn 1.
Ngày 31-3-1975, Quân đoàn nhận lệnh tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ, tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ông Phước rất lo lắng vì tăng - thiết giáp sinh ra không phải để hành quân đường dài, mà con đường phải vượt qua là gần 2.000km. Ông và các đồng chí trong Bộ Tham mưu Quân đoàn đã trải qua nhiều đêm trắng lên kế hoạch hành quân. Có những khi mỏi mệt và căng thẳng đến nỗi cơm không nuốt nổi, chỉ thèm một giấc ngủ.
Sau 12 ngày đêm hành quân, Chủ nhiệm Tăng - Thiết giáp Quân đoàn 1 Nguyễn Văn Phước đã có mặt tại vị trí tập kết chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Sau này, có nhiều thời gian suy nghĩ về những cuộc chiến đấu của xe tăng, ông cho rằng kẻ địch không phải loại võ biền mà được đào tạo rất cơ bản, có trang bị vũ khí hiện đại, tương quan lực lượng hầu như nghiêng về địch. Vì vậy, điều quan trọng nhất làm nên thắng lợi không chỉ là “dám đánh” mà phải là “biết đánh”. “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên tất cả các hướng tiến công vào Sài Gòn, tăng - thiết giáp là lực lượng dẫn đầu, cùng bộ binh đột phá, chọc thủng mọi tuyến phòng ngự” - ông tự hào khẳng định.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Văn Phước được cử sang Liên Xô học tập. Về nước, ông nhận quyết định công tác tại khoa Xe tăng - Thiết giáp của Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước kể, khi đó Học viện chưa có học viên và nhiệm vụ chính của Khoa là xây dựng chương trình môn học, nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy. Ngày 3-1-1977, Học viện Quân sự cao cấp tổ chức trọng thể lễ khai giảng khóa đầu tiên cho 94 học viên. Với sự chuẩn bị chu đáo, ông và khoa Xe tăng - Thiết giáp đã có những đóng góp nhất định vào thành công của các khóa học sau này...
Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng có đôi lời nói về thầy giáo của mình: “Chúng tôi vẫn nhớ những bài giảng của thầy Nguyễn Văn Phước, rất trí tuệ, rất nhân văn, rất có “lửa” bởi sự kết hợp giữa lý luận quân sự thế giới, đường lối quân sự Việt Nam và kinh nghiệm sử dụng tăng - thiết giáp trên chiến trường. Thầy tôi rất gần gũi và thường xuyên giúp đỡ học viên trong học tập và cả đời sống...”.