Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn: 20 năm nâng 'Cánh én hồng'
Thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, thường xuyên đi sớm, về muộn hơn nhiều giáo viên khác là những gì người thân và đồng nghiệp biết về thầy Lê Ngọc Sơn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Mỹ (TP Bắc Giang). Tự nhận mình là người khô khan, không biết hát, múa nhưng khi được cấp trên giao việc, thầy nỗ lực không ngừng và là người duy nhất của tỉnh tham gia Ủy viên T.Ư Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Không biết hát, múa vẫn làm công tác Đội
Từng nghe các anh chị ở Tỉnh đoàn nhắc nhiều về thầy giáo Lê Ngọc Sơn trong những buổi chia sẻ kinh nghiệm công tác Đội song gần đây tôi mới có dịp gặp. Tốt nghiệp chuyên ngành Toán bậc THCS, Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang năm 1998, khi vừa tròn 21 tuổi, thầy Sơn được phân công về dạy tại Trường THCS Tân Mộc (Lục Ngạn).
Là giáo viên trẻ, khỏe, một ngày đẹp trời, thầy được Ban Giám hiệu mời lên trao đổi rồi giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội. "Được giao nhiệm vụ đó, hẳn thầy phải có năng khiếu hát, múa?", tôi hỏi. Thầy Sơn nhỏ nhẹ: “Lúc đó, tôi quá bất ngờ bởi tuổi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như năng khiếu gì, không biết hát múa, chân tay lóng ngóng. Vò đầu bứt tóc một lát, được các thầy, cô động viên, tôi đảm nhận công tác Đội từ đó”.
Những năm ấy, Trường THCS Tân Mộc chỉ có vài lớp, học sinh chủ yếu là người dân tộc, có người chừng tuổi thầy, thậm chí lớn tuổi hơn nhưng vẫn một câu thầy, hai câu dạ thưa kính trọng. Để không phụ niềm tin của cấp trên và phụ huynh, thầy Sơn tham gia tất cả các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đội do các cấp bộ đoàn tổ chức; sau đó khéo léo lồng ghép vào những buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.
Để không ngại khi lên sân khấu, thầy đứng trước gương tập đi đứng, nói sao cho lưu loát, thu hút người nghe. Cơ sở vật chất đơn sơ, thầy trò lên rừng hái cây cỏ dại về làm đạo cụ. Thầy dạy học sinh đánh trống Đội, học sinh chỉ thầy giáo tiếng của dân tộc mình. Sau gần ba năm công tác, thầy Lê Ngọc Sơn vinh dự được kết nạp vào Đảng; là đảng viên trẻ nhất của trường thời điểm đó. Năm học 2011 - 2012, thầy Sơn chuyển về dạy tại Trường THCS Tân Mỹ.
Ngày nghỉ không nghỉ
23 năm công tác thì có tới 20 năm thầy Lê Ngọc Sơn làm Tổng phụ trách Đội. Từ ngày đầu bỡ ngỡ đến nay, công tác phong trào dường như ngấm vào máu thịt, hễ lời bài hát về Đoàn, Đội, tiếng trống trường giục giã vang lên là thầy lại thấy trong người rạo rực, mọi mệt mỏi đều tan biến.
Cô giáo Trần Thị Nhật, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Mỹ nói: “Học sinh các lớp rất quý thầy Sơn, chuyện gì cũng kể vì thầy vừa giảng dạy, vừa là chuyên gia tư vấn tâm lý”. Để hoạt động Đội thực sự thu hút học sinh, ngay từ đầu năm học, thầy tham mưu đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Ví như hưởng ứng cuộc vận động “Thiếu nhi Bắc Giang thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”, thầy Sơn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống, tham quan tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương.
Thầy tâm niệm, muốn giúp các em hoàn thiện nhân cách, yêu quê hương, đất nước thì chính các em phải là người hiểu rõ về di tích lịch sử truyền thống cũng như những mất mát, hy sinh của cha ông. Bởi thế, thầy thường chọn những địa chỉ như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); chùa Bổ Đà (Việt Yên), Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)… để tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên; thi tìm hiểu kiến thức, nhận chăm sóc, làm đẹp di tích lịch sử; phối hợp với Bộ CHQS tỉnh thực hiện chương trình trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ” cho học sinh.
Qua trò chuyện với các thầy, cô Trường THCS Tân Mỹ, tôi hiểu rằng thầy Sơn luôn xác định học sinh đang ở độ tuổi dậy thì, ưa tìm tòi, thử nghiệm những điều mới mẻ mà chưa có nhận thức đầy đủ về cuộc sống nên phải triển khai nhiều phương pháp giáo dục; có sự phối hợp tích cực của thầy cô, gia đình, bạn bè. Đặc biệt, thầy Sơn còn khéo léo vận động, thành lập đội ngũ “chân rết” ở các lớp.
Với nỗ lực không ngừng, năm 2020, thầy Lê Ngọc Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục. Thầy là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; từng được Chủ tịch UBND tỉnh, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Mỗi khi có học sinh có biểu hiện lạ, nhóm này ngay lập tức báo tin để kịp thời tìm hiểu, xử lý. Chẳng bao giờ trách phạt trước đông người, mỗi khi có em phạm lỗi, thầy gặp riêng rồi cùng tìm ra giải pháp. Vì thế, trò nào cũng quý mến và sẵn sàng chia sẻ. Nhiều năm liền, trường không có học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật. Trường THCS Tân Mỹ hiện có gần một nghìn học sinh nên để nắm chắc tình hình học trò, thầy Sơn cơ bản không có ngày nghỉ.
Đồng hành với trò nghèo
Một ngày cuối năm 2015, tình cờ, thầy Lê Ngọc Sơn kết nối điện thoại với người bạn cũ là Dương Ngọc Tuấn, chủ một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Qua câu chuyện, thầy đề xuất thành lập Quỹ “Vì ngày mai tươi sáng”. Vậy là từ năm đó anh Tuấn dành từ 7 đến 10 triệu đồng/năm hỗ trợ nhà trường nhằm kịp thời tiếp sức cho học sinh nghèo vươn lên trong cuộc sống với số tiền 300 nghìn đồng/tháng/em cho đến hết bậc THPT. Thầy Sơn còn tham mưu Ban Giám hiệu gửi thư ngỏ đến phụ huynh học sinh để kêu gọi ủng hộ nếu có điều kiện. Các phong trào “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, gom giấy vụn, phế liệu gây quỹ giúp bạn nghèo cũng là sáng kiến của thầy Sơn được Liên đội nhà trường duy trì hiệu quả nhiều năm.
Từ các thầy cô và học sinh trong trường, tôi được nghe kể về nhiều tấm gương học sinh được Liên đội quan tâm đã vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Đó là em Nguyễn N, học lớp 9 đang sống với bà ngoại ở thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ. Tất cả chi phí sinh hoạt, học tập của em đều trông vào nguồn trợ cấp của nhà nước và mấy sào ruộng của bà ngoại. Không quản ngày nghỉ, sớm tối, thầy đến tận nhà khảo sát, chụp ảnh, hướng dẫn làm hồ sơ gửi nhà hảo tâm để vận động nguồn lực. 3 năm nay, N nhận được khoản hỗ trợ thường xuyên từ Quỹ “Vì ngày mai tươi sáng” và em luôn cố gắng học tập để không phụ lòng thầy Tổng phụ trách Đội và gia đình, bạn bè.
Hay như em Nông Thị Vui và chị gái Nông Thị Nhung, nhà ở thôn Giếng, xã Tân Mỹ thuộc hộ nghèo. Nhờ được quan tâm, động viên kịp thời của thầy cô và các nhà hảo tâm, đến nay Nhung học lớp 11 Trường THPT Chuyên Bắc Giang, mới đây đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Còn Vui cũng là học sinh khá của khối 9 Trường THCS Tân Mỹ.
Tâm niệm thành tích thể thao tương đương với văn hóa nên thầy Sơn góp sức không nhỏ trong việc huấn luyện các đội tuyển đá cầu, vật, đẩy gậy và kéo co của TP, tỉnh giành hàng chục huy chương Bạc, Đồng tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và toàn tỉnh. Thành tích là vậy song thầy Sơn vẫn trăn trở bởi gần đây chương trình học nặng, nội dung nhiều nên một số em không còn nhiều thời gian dành cho bồi dưỡng kỹ năng sống. Bởi vậy thầy đang tính toán để có thể lồng ghép nội dung kỹ năng sống cho học sinh vào thời gian thích hợp để góp phần giúp các em phát triển toàn diện.
Với nỗ lực không ngừng, năm 2020, thầy Sơn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục. Năm 2018, T.Ư Đoàn và Hội đồng Đội T.Ư trao giải Cánh én hồng. Thầy là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; được Chủ tịch UBND tỉnh, T.Ư Đoàn tặng Bằng khen.
Bài, ảnh: Mai Toan – Tuyết Mai