Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6): Tác nghiệp ở những sự kiện 'nóng'
Nghề báo tuy vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui, cho phóng viên nhiều trải nghiệm khó quên trong đời. Đối với các nữ nhà báo, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đam mê thôi chưa đủ, cần phải có sức khỏe, kỹ năng, không ngừng nỗ lực.
Dưới đây là chia sẻ của 2 nhà báo Hạnh Dung và Nguyễn Hòa, Ban Chính trị - văn hóa - xã hội, Báo Đồng Nai.
Không ngại khó, không sợ khổ
Tháng 5-2018, tôi được phân công phụ trách tuyên truyền lĩnh vực y tế trên Báo Đồng Nai. Hơn 6 năm gắn bó với ngành y tế, thông qua việc tiếp xúc, làm việc với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, tôi học được nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến phòng ngừa bệnh tật, cách chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho chính bản thân và những người xung quanh.
Việc có mặt kịp thời tại các điểm “nóng” của dịch bệnh, ở trong phòng mổ, khu cách ly, ở khu hồi sức tích cực chống độc… cho tôi những cảm xúc vui buồn lẫn lộn không thể nào quên trong đời. Vui vì trong thời khắc sinh tử, có một người nào đó được cứu qua cơn nguy kịch. Buồn vì có những người khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết đã không thể thắng nổi “tử thần”, để lại nỗi đau khôn nguôi cho không chỉ người thân mà cả các y, bác sĩ dù đã dốc lòng cứu chữa.
Tôi còn nhớ, thời điểm năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội trên địa bàn tỉnh, tôi tác nghiệp chủ yếu trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị Covid-19, các điểm tiêm vaccine phòng bệnh. Ngoài ra, tôi được cử tham dự các cuộc họp khẩn trực tuyến và trực tiếp bàn phương án dập dịch Covid-19 của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế với tỉnh Đồng Nai; của lãnh đạo tỉnh với các sở, ngành, địa phương để đưa ra các quyết sách nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Có những cuộc họp diễn ra vào buổi tối, khi ra về đã hơn 22h đêm, trên đường chỉ có mình tôi.
Mặc dù tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhưng tôi chưa bao giờ có ý định né tránh hay e ngại. Tôi thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế về mặc đồ bảo hộ trước khi vào tác nghiệp trong khu cách ly, khu điều trị. Sau đó, tiến hành khử khuẩn người và máy ảnh, điện thoại rồi mới về vùng “xanh”.
Điều mà tôi mong muốn nhất là phải làm thế nào để vào được bên trong điểm “nóng”, chụp được nhiều bức ảnh chứa nhiều thông tin nhất ghi lại quá trình cách ly, điều trị, xét nghiệm, tiêm vaccine; lấy được những thông tin một cách thật nhất, đời nhất, chính xác nhất để truyền tải đến bạn đọc của Báo Đồng Nai một cách nhanh nhất, đáng tin cậy nhất. Từ đó, giúp người dân thấy được bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch bệnh, nỗ lực của tỉnh Đồng Nai, của các lực lượng tuyến đầu cũng như cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua những tin, bài của mình, tôi hy vọng thay đổi nhận thức và hành vi của người dân theo hướng tích cực không chỉ đối với dịch bệnh Covid-19, mà với cả các bệnh truyền nhiễm khác nói chung.
Ngoài các “điểm nóng” của dịch bệnh Covid-19, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…, tôi cũng tham gia tuyên truyền nhiều sự kiện “nóng” khác trên lĩnh vực y tế. Phải kể đến như công tác cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân bị thương nặng vụ nổ lò hơi tại một công ty ở huyện Vĩnh Cửu hồi đầu tháng 5-2024 làm 6 người chết, 5 người bị thương. Hay vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại thành phố Long Khánh mới đây làm gần 600 người mắc, 1 người tử vong; vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (huyện Trảng Bom) làm gần 100 công nhân mắc.
Ở mỗi sự kiện, tôi đều cố gắng có mặt nhanh nhất tại hiện trường, vừa quay video clip, vừa chụp hình, phỏng vấn những người có liên quan. Song song đó, cập nhật thông tin chính xác, nhanh nhất có thể lên hệ thống. Vì vậy, có nhiều bản tin liên quan đến sự kiện “nóng”, Báo Đồng Nai là tờ báo đưa tin đầu tiên, được bạn đọc đón nhận, đồng nghiệp đánh giá cao.
Mỗi sự kiện là một trải nghiệm
Gần 10 năm gắn bó với nghề báo, tác nghiệp ở nhiều sự kiện với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau, nhưng sự kiện để lại cho tôi nhiều trăn trở, nặng lòng nhất là tác nghiệp tại hiện trường những vụ tai nạn lao động thương tâm.
Mới đây, ngày 1-5-2024, sau khi nhận được chỉ đạo từ Trưởng ban về vụ tai nạn lao động ở huyện Vĩnh Cửu, dù đang là ngày nghỉ và đi chơi với gia đình, tôi tức tốc chạy đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để nắm bắt tình hình.
Vào đến Phòng Cấp cứu, đập vào mắt tôi là khung cảnh đau lòng với hình ảnh công nhân bị nạn nằm la liệt, trên người chằng chịt vết thương hở, máu chảy tràn. Bao quanh các bệnh nhân là các y, bác sĩ đang tận tình cấp cứu, cầm máu, khâu vết thương. Bên cạnh là những người thân của công nhân với cặp mắt đỏ hoe đứng chờ đợi. Lúc đó, tôi chựng lại, lòng nặng trĩu.
Vượt qua cảm xúc đó, tôi lại gần từng công nhân để xem vết thương, nghe họ kể lại sự việc xảy ra. Tác nghiệp cùng tôi tại Phòng Cấp cứu lúc đó còn có thêm một đồng nghiệp nữ. Chúng tôi chia nhau ra, người chụp hình, quay phim, ghi nhận tình hình, phỏng vấn công nhân còn tỉnh táo và người thân của họ. Người còn lại khẩn trương cập nhật thông tin “nóng” lên hệ thống. Với sự phối hợp nhịp nhàng, chúng tôi gửi liên tục nhiều bản tin, video, hình ảnh về tòa soạn, tường thuật đầy đủ, chi tiết tình hình sức khỏe của các nạn nhân cũng như các vấn đề liên quan.
Tối hôm đó, nhận được điện thoại của đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh về tổ chức đoàn đến hỗ trợ các trường hợp không may bị tử vong trong vụ tai nạn lao động, tôi vội vàng bỏ bữa cơm tối chạy theo đoàn đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đến nơi, đoàn trực tiếp xuống nhà xác, nơi nhiều người thân đang đợi ngoài cửa để nhận thi thể các nạn nhân xấu số đưa về quê mai táng.
Lần đầu tiên đi vào nhà xác bệnh viện, tôi sợ, bước chân nặng trĩu bởi bao quanh căn phòng là không khí “u ám”, những tiếng gió lạnh thổi rít từng đợt làm lòng người thêm trống trải, lạnh lẽo. Từ xa, chúng tôi nghe những tiếng khóc thảm thiết của người nhà nạn nhân. Tôi đến ngồi gần chị H., chị gái của một nạn nhân xấu số không may tử vong. Mặt chị H. buồn rầu, hốc hác, chị kể về hoàn cảnh gia đình, về người em trai ra đi đột ngột, chưa kịp gặp gia đình lần cuối. Lúc đó, tôi rất muốn chụp một tấm hình cận cảnh gương mặt để lột tả hết sự đau thương của chị ấy, nhưng tôi chững lại. Tôi chỉ biết động viên chị ấy vượt qua nỗi đau, mất mát và chụp vội vài tấm hình trao hỗ trợ của đoàn như một nguồn động viên nhỏ trong thời khắc đau buồn đó.
Hồi tháng 5-2020, tôi cũng tác nghiệp trong vụ tai nạn lao động xảy ra tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) làm 10 người chết, 15 người bị thương. Len lỏi giữa đống gạch đá đổ nát dưới cái nắng gay gắt để theo đoàn chức năng của tỉnh vào hiện trường vụ việc, tôi mới thấy được sự khốc liệt của vụ tai nạn lao động.
Dẫu biết rằng nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, làm việc cả ngày nghỉ, đêm tối để bảo đảm tin, bài theo kế hoạch, nhưng khi tác nghiệp ở các sự kiện nóng, thời sự, di chuyển nhiều, phóng viên nữ sẽ có nhiều hạn chế hơn so với phóng viên nam. Tuy nhiên, điều đó không làm chúng tôi nản chí. Chẳng hạn, tác nghiệp ở hiện trường tai nạn lao động nghiêm trọng, phóng viên nữ phải có một cái đầu lạnh, bởi khi chứng kiến hiện trường sự việc, đôi khi bản thân sẽ sợ hãi, thậm chí ám ảnh.
Trên hành trình “dấn thân” với nghề, những người làm báo như chúng tôi vẫn luôn thấy tự hào, bởi nghề đã mang lại cho tôi những trải nghiệm mới, có những buồn vui và cả những điều thú vị.