Kỷ niệm đáng nhớ của cô gái xinh đẹp lần đầu làm MC truyền hình
Nhớ lại những tháng năm mới vào nghề, nhà báo Huyền Châu vẫn chưa hết bồi hồi. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với cô có lẽ chính là cảm giác đứng trước hàng trăm khán giả trên sân khấu lớn đầu tiên trong cuộc đời mình.
Là một nhà báo trẻ thế hệ 9x quen thuộc trên sóng truyền hình VTV, BTV Huyền Châu đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng bởi sự năng động, trẻ trung và đầy nhiệt huyết với nghề.
Nhớ lại những tháng năm mới vào nghề, nhà báo Huyền Châu vẫn chưa hết bồi hồi. Kỉ niệm đáng nhớ nhất có lẽ chính là cảm giác đứng trước hàng trăm khán giả trên sân khấu lớn đầu tiên trong cuộc đời mình, đó là sân khấu Gala cười, một chương trình truyền hình rất lớn với hàng triệu khán giả, cảm trăm nghệ sĩ nổi tiếng, còn Huyền Châu lúc đó chỉ là con số 0. Thế nhưng bằng sự quyết tâm và cố gắng, Huyền Châu đã dần khẳng định được bản thân qua những thành quả xuất sắc.
Từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng Huyền Châu lại không theo ngành mỹ thuật mà bén duyên với truyền hình.
Chị cho rằng, người làm nghệ thuật thì thường ít nói, ngôn ngữ của họ là các tác phẩm, người làm truyền hình thì cần thể hiện mình nhiều hơn, và luôn cần rõ nét trong thông tin mà mình đem đến cho khán giả.
Hiện nay, có rất nhiều nhà báo không tốt nghiệp trường báo nhưng làm rất tốt, theo quan điểm của Huyền Châu, khi làm báo cả yếu tố kiến thức và tố chất đều quan trọng. Người làm báo luôn cần có tư duy nhạy bén, sắc sảo để phân tích mọi thông tin, vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. “Nếu bạn không có tố chất linh hoạt, dù bổ sung kiến thức đến đâu cũng sẽ bị chây ì, mà điều này là điều tối kị khi chúng ta làm báo”, Huyền Châu chia sẻ.
Theo chị, nghề làm báo là những người đòi hỏi có tri thức toàn diện, không hạn chế mình ở một kĩ năng nhất định nào cả, đó mới là một người làm báo thực thụ, đặt vào mặt trận nào, họ cũng có thể chiến đấu.
Nói về ngoại hình xinh đẹp có phải là lợi thế của nghề hay không, Huyền Châu cho rằng, ngoại hình chỉ có lợi một chút, với báo chí có ngoại hình mà không có tư duy thì cũng chỉ là búp bê biết nói.
“Tôi yêu thích nhiều nhân vật nổi tiếng như Oprah Winfrey - bà mập và đen, đâu có đẹp như người mẫu nhưng hiện bà rất nổi tiếng với show đối thoại trên truyền hình, một nhà xuất bản tạp chí, là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỉ phú và một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới, hay Trùm phỏng vấn truyền hình Mỹ Larry King - chủ trì talkshow nổi tiếng của đài CNN gần 25 năm cũng không phải một người đẹp.
Chúng ta đều ngưỡng mộ họ bởi tài năng, tri thức và sự cống hiến của họ cho xã hội qua những tin tức mà họ phản ánh. Đánh giá tài năng một ngôi sao báo chí chắc chắn dựa trên tri thức, mà tri thức thì không màu mè”, Huyền Châu chia sẻ quan điểm.
Từng dẫn nhiều chương trình thuộc nhiều lĩnh vực như thời trang, văn hóa, tài chính, thực phẩm…, để trở thành một trong những MC ấn tượng nhất, Huyền Châu đã phải dành rất nhiều thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và cần nhất là luôn có đủ năng lượng để cống hiến.
Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Huyền Châu khuyên các nhà báo trẻ mới ra trường, mới vào nghề nên đến với nghề báo bằng cái tâm, xuất phát từ suy nghĩ bền vững là mình muốn gì và làm gì, không thể thấy lâu mà nản, không thể thấy khó là lười. Cái lười và ỷ lại sẽ giết chết tư duy của chúng ta dù bất kể lĩnh vực gì chứ không chỉ làm báo.
Để tạo được nguồn cảm hứng cho mình, các bạn trẻ hãy dũng cảm đi vào những đề tài mới, phù hợp với độ tuổi của mình, hoặc bất kì một vấn đề nào mà bạn đang quan tâm, điều này sẽ thúc đẩy bạn muốn làm, và làm đến cùng.