Kỷ niệm Đảo Mê với nhà văn Lê Lựu
Hồi cuối tháng 3, tôi và đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến đến thăm nhà văn Lê Lựu ở Trung tâm Văn hóa doanh nhân, ngõ 319, đường Tam Trinh. Ba chúng tôi may mắn có nhiều cơ duyên để làm nên bộ phim Sóng ở đáy sông từ hơn hai mươi năm trước. Và nay đang rốt ráo chuẩn bị làm phần 2, nhà văn Lê Lựu được chúng tôi mời làm biên tập. So với trước, ông yếu nhiều. Nói chuyện với ông phải có nhà báo Trần Thị Hoài, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa doanh nhân, người coi ông như nghĩa phụ làm 'phiên dịch'. Tuy nhiên khi nói đến vài địa danh ở Thanh Hóa như Hàm Rồng, Hòn Mê, Thọ Xuân, Lam Sơn, Núi Chẹt, Văn Trinh... thì mắt ông sáng lên và đôi môi khẽ nở một nụ cười.
Nhà văn Lê Lựu chụp ảnh cùng tác giả bài viết.
Thời chiến tranh chống Mỹ, trước khi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm nhà văn chuyên nghiệp, Lê Lựu là phóng viên trụ cột của Báo Quân khu 3 (còn gọi là Quân khu Hữu Ngạn, bao gồm cả Thanh Hóa). Ông đã lăn lộn viết hàng trăm bài báo về quân dân xứ Thanh sản xuất và chiến đấu ở tuyến đầu phía Nam của Quân khu Hữu Ngạn. Truyện ngắn “Người cầm súng”, được giải Nhì (không có giải nhất) Cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ năm 1968, Lê Lựu lấy mô-típ nhân vật ở làng cổ Đông Sơn...
Cuối năm 1972, tôi đang cùng phân đội trực chiến chặn đánh tàu Mỹ lởn vởn ở ngoài khơi Đảo Mê thì có điện thoại gọi khẩn từ sở chỉ huy. Đang chạy dưới con hào từ phía Đông Nam lên đảo bộ, tôi chợt dừng sững và tròn mắt, nhìn. Trời! Trên mỏm núi có ba người đứng đẹp tựa cụm tượng nghệ thuật mà tôi đã thấy ở cuốn báo ảnh nào đó. Nó hệt giống như dáng vẻ của vị tướng huyền thoại Tsapaev đứng với cộng sự trước chiến địa sắp mở ra với quân trắng mà tôi đã xem trong bộ phim Sư trưởng Tsapaev của Liên Xô.
Khi tôi vừa đến lán chỉ huy, trung tá đảo trưởng Lê Hồng Nga còn chưa kịp nói lý do cho gọi tôi thì ba ông dáng Tsapaev bước vào. Một thiếu tá, một đại úy và một trung úy. Ông đại úy cao phải hơn thước tám, người đen trũi và chắc nịch như một cây gỗ lim; ông thiếu tá dáng người vừa phải, rắn rỏi, da ám màu sốt rét có cái miệng cười rất tươi; ông trung úy, người tầm thước râu quai nón, lông mày rậm, tóc dày xõa nét viền loăn xoăn xuống gần nửa cái trán thấp. Ba ông đều mặc áo khoác dạ quân dụng có đai, đội mũ mềm. Lúc này, tôi thấy các ông rất gần gũi, rất lính tráng. Ông trung úy râu quai nón vỗ vai, thân mật bảo tôi: “Anh nuôi đãi gạo vội/ Vo lẫn lời cúc cu”. Không ở đảo thì không viết được những câu như thế!. Tôi ngượng chín người vì hai câu đó là thơ báo tường của tôi viết về loại chim cu ghì, một đặc sản của đảo Mê.
Sau đó, tôi được đảo trưởng cho biết, ông thiếu tá chính là nhà văn Mai Vui, Tổng Biên tập Báo Quân khu 3, người có cuốn truyện “Từ một góc Tà Cơn” viết rất sinh động về cuộc chiến ở phía Tây Quảng Trị; ông đại úy là kỹ sư công trình quốc phòng Lương Hiền (giờ đã là cố nhà văn Lương Hiền), người ra đảo để thiết kế những hầm pháo bán lộ thiên; còn trung úy trẻ là nhà văn Lê Lựu đang nổi tiếng như cồn với tác phẩm “Người về đồng cói” được dựng thành phim. Bộ phim có cô Riêng xinh đẹp nền nã (do NSƯT Thanh Loan thủ vai) mà tháng trước lính đảo mới xem. Các ông ra đảo công tác, đọc báo tường của đơn vị, phát hiện ra tôi... Thấy tôi cứ một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng trong xưng hô, Lê Lựu cười, bảo: “Ở đây chú em chỉ cần gọi đảo trưởng Lê Hồng Nga của chú và nhà văn Mai Vui, tổng biên tập của tớ là thủ trưởng thôi. Còn lại, chúng ta đều là lính tráng, chỉ hơn nhau tí chút thâm niên, gọi thủ trưởng, anh ngượng lắm! Nhớ nhé!”. Chiều hôm đó tôi được ở lại ăn cơm với chỉ huy đảo và ba vị khách. Trong bữa, trung úy Lê Lựu cho biết, ông thích bài thơ Bắt đầu từ tháng Giêng của tôi trong báo tường đón năm mới 1973 của bộ đội đảo Mê. Nếu tôi đồng ý, ông sẽ nhờ điện đài của đảo trực tiếp đọc cho bạn ông là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, biên tập viên ban Thơ, Văn nghệ quân đội ghi lại, biên tập để trình in. Ôi trời! Làm sao tôi lại không đồng ý chứ?
Ngày hôm sau, thiếu tá Mai Vui và đại úy Lương Hiền về đất liền, trung úy Lê Lựu ở lại đi thực tế sáng tác. Đảo trưởng Lê Hồng Nga giao cho tôi tháp tùng nhà văn Lê Lựu đến từng khẩu đội trên đảo. Lê Lựu kể chuyện phim mê ly như diễn viên thượng thặng, ông có trí tuyệt vời, dựng lên trước người nghe bộ phim miệng “Người về đồng cói”. Lời thoại không sai một từ. Ông còn bắt chước giọng nữ mỗi khi đến đoạn cô Riêng nói với người yêu là nhân vật Lê Văn trong phim, lính tráng chúng tôi cứ há hốc miệng mà “nuốt” từng lời.
Dưới con mắt của lính đảo, quanh năm chỉ tiếp xúc với trời nước, ngày ngày đêm đêm phải đối mặt với máy bay, tàu chiến và bom đạn giặc, ông Lê Lựu là người trời. Nhiều chàng lính trẻ bắt chước cách Lê Lựu pha trò nói vui, cách Lê Lựu thắt dây lưng hơi trễ phía trước, cách Lê Lựu để tóc xõa trước trán... Những ngày Lê Lựu ở đảo là những ngày hội của cánh lính trẻ chúng tôi.
Năm 1974, tôi được dự trại viết của Quân khu 3 ở Tiểu đoàn công binh 27 do đại úy Lương Hiền làm tiểu đoàn trưởng. Các thầy lúc đầu của chúng tôi là nhà thơ Xuân Thiêm, nhà biên tập Đỗ Gia Hựu, nhà văn Mai Vui, nhà văn Vũ Sắc. Sau đó, có thêm các thầy trẻ, nhà thơ Duy Khán lên lớp về thơ, nhà văn Lê Lựu (lúc này đã về tạp chí Văn nghệ quân đội), nhà văn Trần Hữu Tòng, báo Quân đội nhân dân lên lớp về truyện và ký. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh nhà thơ Duy Khán trong bộ quân phục không quân, đeo lon thượng úy, ông nói về thơ nghe hay đến lịm cả người và bật mí cách thức làm thơ là khi cảm xúc trào ra thì hãy viết. Học viên và các thầy ngồi nghe vỗ tay rầm rầm khi nhà thơ Duy Khán dùng từ “trào ra”.
Nhà văn Lê Lựu ở lại cùng các thầy Mai Vui, Vũ Sắc giúp chúng tôi hoàn thiện bản thảo. Khi đến lượt tôi được thầy Lựu góp ý bản thảo, ông rủ rỉ khuyên, nhà thơ Duy Khán nói rất đúng, khi cảm xúc trào ra thì hãy viết nhưng đó là sáng tác thơ; viết văn thì cứ phải hùng hục mà viết, phải vừa viết vừa khóc như cụ Nguyên Hồng; anh em mình trẻ, mới vào nghề thì càng phải cần cù hơn; ngòi bút, trang giấy và ngồi lì, viết đến vã mồ hôi, đến mờ mắt là người thầy vĩ đại nhất trong nghề viết văn.
Kết thúc trại viết không lâu, truyện ngắn “Chị dâu” có “dấu ấn” Đảo Mê của tôi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Tôi nhớ, nhà thơ Huy Trụ, bạn trong trại viết cũng được đăng bài thơ “Bắt đầu từ đất” có những câu thật thơ: Bắt đầu từ đất mà ra/ Ước mơ gần, ước mơ xa hỡi mình/ Ba gian nhà lá chông chênh... Hôm nhận nhuận bút, 30 đồng bằng bốn tháng phụ cấp quân hàm hạ sĩ của tôi lúc đó, từ số 7 Phan Đình Phùng tôi tắt sang số 4 Lý Nam Đế mời Lê Lựu đi ăn phở. Ông từ chối và bảo tôi ra Hàng Đào mua cho mẹ một cái áo bông còn lại mang về đơn vị liên hoan với anh em. Năn nỉ cách mấy, ông cũng không đi ăn phở đã thế ông còn đèo tôi ra Hàng Ngang mua áo rồi đèo tiếp ra ga. Lúc qua chợ Hàng Da ông mua cân chè và năm bao thuốc lá Trường Sơn gửi tôi mang về cho phân đội trực chiến ở cực Đông Nam đảo Mê.
Cách đây mấy năm, có dịp trở lại đảo Mê, đến phân đội cũ gặp cánh lính trẻ, tôi kể ngày xưa nhà văn Lê Lựu đã đến đây nói chuyện phim “Người về đồng cói” . Nhắc đến Lê Lựu, cánh lính trẻ bàn rôm rả về tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Tôi hỏi một hạ sĩ, thích đoạn nào nhất trong sách, anh đưa ngón tay cái lên dứ dứ và nói, đoạn Sài với Hương trên bè nứa, Sài đã bật được cúc áo ngực của Hương nhưng rồi không biết cách... tới như thế nào. Hai người ngủ quên cho đến sáng và người đi đường trông thấy rồi bị tiếng là hủ hóa... Theo hạ sĩ, tình tiết ấy thật là văn chương, thật tinh tế.
Thế mà đã bốn bảy năm trôi qua! Nghe tôi nhắc lại kỷ niệm cũ, tay ông lần nắm lấy tay tôi, môi khẽ mím lại và đầu gật nhẹ. Hẳn trong tâm khảm của cựu chiến binh, phóng viên trận mạc, nhà văn áo lính Lê Lựu, người đã một thời gắn bó với xứ Thanh đang chộn rộn với những hình ảnh của Hàm Rồng, Nam Ngạn, Hòn Mê, của Văn Trinh, Lam Kinh và làng cổ Đông Sơn...!
Ngày mưa, 3-8-2019.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ky-niem-dao-me-voi-nha-van-le-luu/107856.htm