Kỷ niệm mối tình đầu của nữ TNXP và ân tình trên đỉnh Pò Hèn
44 năm trôi qua kể từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, nơi các Anh hùng liệt sỹ ngã xuống trên đỉnh Pò Hèn giờ đã là một làng quê trù phú.
Nhưng những câu chuyện ân tình nơi đỉnh cao Pò Hèn vẫn còn đầy ắp...
Ký ức mối tình đầu
Những ngày này, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn ở xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) sừng sững, uy nghi trên ngọn đồi nhỏ cách biên giới Việt - Trung chừng vài trăm mét luôn nghi ngút khói hương.
Nhiều người đến đây dâng hương, tưởng nhớ những Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vào ngày 17/2 của 44 năm trước.
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.
Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của Đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên khác nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của Đồn đã hy sinh anh dũng.
Khu di tích lịch sử Pò Hèn ngày nay là nơi tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân cán bộ, chiến sỹ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn); nhân viên Thương nghiệp Pò Hèn; những cán bộ, chiến sỹ Trung đội tự vệ Lâm trường Hải Sơn.
Trong cuộc chiến đó, 73 chiến sỹ và nhân viên tự vệ lâm nghiệp, thương nghiệp Pò Hèn đã anh dũng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có 45 cán bộ, chiến sỹ Đồn 209.
Ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn làm lễ giỗ chung cho các liệt sỹ ngã xuống trong trận chiến ngày 17/2/1979. Đó là dịp các cựu chiến binh từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đến thắp hương, tưởng nhớ các đồng đội.
Trong dòng người hòa mình vào không khí trang nghiêm diễn ra nơi đây, chúng tôi chú ý tới một phụ nữ trung tuổi mặc áo dài đỏ, mắt nhòe nước đang cùng mấy cựu chiến binh cẩn thận lau sạch bụi trên các bia tưởng niệm.
Ông Đoàn Hải Yên, nguyên Chính trị phó Đồn Công an nhân dân Vũ trang 209, hiện là Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng TP Hạ Long (Quảng Ninh) giới thiệu: “Đây là chị Đinh Thị Minh Hùy, là con nuôi của Anh hùng liệt sỹ Bùi Hữu Liễn, Trạm trưởng Trạm Bắc Phong Sinh ngày ấy… Hai chú cháu chúng tôi thất lạc nhau từ khi rời biên giới năm 1978. Đến tận năm 2017 thì tình cờ tìm thấy nhau. Minh Hùy còn là người yêu của Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Phương đấy!”.
Nhớ về thời thanh xuân gắn bó nơi đỉnh núi Pò Hèn, bà Hùy xúc động kể: Năm 1977, khi mới 15 tuổi, bà đã tham gia Thanh niên xung phong ở Pò Hèn.
Tại đây, bà đã được Chuẩn úy Bùi Hữu Liễn, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Bắc Phong Sinh nhận làm con.
“Ngày đó, tôi nhỏ nhất đoàn, nên bố Liễn đi đâu tôi cũng lẽo đẽo theo sau. Nhớ nhất là mỗi buổi trưa, bố thường gọi sang trạm ăn cơm. Năm đó có mưa, bão lớn, nên nhà trường không mang kịp chế độ ra cho đoàn, vì thế, chúng tôi toàn ăn chực ở đơn vị của bố! Năm 1978, mẹ nuôi ở nhà sinh em trai, hai bố con trên biên giới còn cùng nhau đặt tên. Sau khi bố chuyển lên cửa khẩu công tác, tôi ôn thi và chiến tranh xảy ra. Bố hy sinh, địa chỉ của gia đình bố ở quê nhà bị thất lạc”, bà Hùy kể.
Không chỉ có bố nuôi, mối tình đầu của bà Hùy cũng là người lính biên phòng đã ngã xuống trên đỉnh Pò Hèn. Đó là Anh hùng liệt sỹ Lê Đình Phương, hơn bà 3 tuổi.
“Anh Phương hơn tôi 3 tuổi, nhưng lúc đó tôi gọi bằng chú. Tôi giỏi tiếng Nga, chú ấy giỏi tiếng Anh, nên rỗi lúc nào là chú ấy dạy tiếng Anh cho tôi”, bà Hùy cho hay.
Những ngày cùng nhau học tập, làm nhiệm vụ trên đỉnh Pò Hèn, họ chưa từng dám nắm tay nhau.
Bà Hùy vẫn nhớ, trong một đêm biểu diễn văn nghệ giao lưu, “chú” Phương lặng lẽ gài bông sim tím lên tóc bà. Đến khi về trường, bà mới hiểu được hết tình cảm của người chiến sỹ ấy và họ bắt đầu yêu xa.
“Sinh nhật tôi năm 1979, ba Liễn, anh Phương gửi thư chúc mừng. Nhưng vì tôi bận ôn thi nên chưa kịp trả lời, bốn ngày sau chiến tranh xảy ra và rồi tôi vĩnh viễn không còn được gặp cả bố Liễn, anh Phương…”, bà Hùy nghẹn lời.
Tìm về quê hương thứ hai
Cuộc sống nhiều biến cố, mãi đến năm 2017, bà Hùy mới tìm được địa chỉ ở quê của bố Liễn và liệt sỹ Lê Đình Phương để tìm về quê hương của họ. Ngày 17/2/2018, sau khi liên hệ được với gia đình bố Liễn, bà Hùy vội gọi xe về Thái Bình.
Cô thanh niên xung phong năm nào trên đỉnh Pò Hèn bất ngờ, xúc động khi được vợ con liệt sỹ Liễn, họ hàng chào đón, tuyên bố nhận con cháu. Hôm ấy, đại diện chính quyền cũng có mặt, bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Bùi Hữu Liễn, sự tri ân của người con nuôi thất lạc 39 năm trên đỉnh Pò Hèn...
Từ đó, bà Hùy đã có quê hương thứ hai. Ngày giỗ, Tết, đám hiếu hỷ của gia đình bố nuôi, bà đều có mặt. Trong nhà có việc nhỏ, việc to, bà đều được hỏi ý kiến và tham gia nhiệt tình.
Nửa năm sau, ngày 26/7/2018, bà Hùy đã tìm thấy gia đình liệt sỹ Lê Đình Phương ở xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương nhưng bố, mẹ liệt sỹ Phương đều đã mất.
Những người em của liệt sỹ Phương cùng họ hàng nội, ngoại chào đón bà. Kể từ ấy, mỗi khi giỗ bố, mẹ và liệt sỹ Phương, bà Hùy đều về chăm lo chu đáo, cố gắng có mặt lo toan như người ruột thịt một nhà.
Và mỗi dịp về Pò Hèn, những kỷ niệm về bố Liễn, liệt sỹ Phương vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí bà Hùy.
“Bố và anh ơi, sắp đến ngày giỗ của bố và anh cùng đồng đội rồi! Cũng như bao năm nay, con lại lên Pò Hèn nơi bố, anh và đồng đội nằm xuống để làm mâm cơm cúng, mong bố và anh cùng các đồng đội hãy yên lòng, Pò Hèn giờ thay đổi từng ngày xứng đáng với sự hy sinh của biết bao con người thời ấy!”, bà Hùy thầm thì khi thắp hương tại Khu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn.
Điểm du lịch độc đáo vùng biên viễn
Đỉnh Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Từ trung tâm TP Móng Cái, lên đến trung tâm xã Hải Sơn theo đường vành đai biên giới chừng 30km. Mười năm về trước, việc đi lại là một cản trở khó khăn thật sự bởi địa hình chia cắt, đường mòn cheo leo. Mới đây, trục đường này đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, cắt cua, hạ dốc, khiến việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Pò Hèn những năm gần đây đang trở thành một địa danh du lịch mới của vùng biên viễn. Khu Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn chính là một cột mốc văn hóa, lịch sử quý giá, là một địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ. Pò Hèn cũng được giới trẻ yêu thích bởi vẻ đẹp độc đáo nơi núi cao, với những bức bích họa đầy màu sắc trên những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao.
Ông Mễ Quang Vinh, người từng có gần 10 năm làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hải Sơn chia sẻ: “Nhờ các chính sách hỗ trợ, đầu tư hợp lý, Hải Sơn, trong đó có Pò Hèn đang thay đổi từng ngày, đường sá giao thông được mở mang, nhà ở được chỉnh trang, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, với mục đích thu hút khách du lịch đến tham quan. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện”.
Tháng 9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận xếp hạng Di tích quốc gia cho Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Khu di tích hiện nay được khoanh vùng bảo vệ gồm các khu vực: Đài tưởng niệm, Chốt đồi Quế, Đài quan sát đồi Tây, Chốt trạm kiểm soát cửa khẩu Pò Hèn.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/an-tinh-tren-dinh-po-hen-d582087.html