Kỷ niệm ngày đã qua…

Mờ sáng nào cũng thế, người phụ nữ có dáng vẻ khắc khổ chạy chiếc xe máy cà tàng, trên xe đùm túm những phần rau bỏ gọn trong bịch ni lông, chạy vào hẻm nhỏ rao lanh lảnh: Rau đi, rau đi bà con ơi… Hình ảnh này quen thuộc lắm với cư dân trong hẻm, bởi người phụ nữ này chọn cách bán hàng như vậy từ những ngày đại dịch nóng bỏng nhất cho đến tận bây giờ.

Một điểm bán hàng lưu động bằng xe buýt thời dịch Covid-19 (tháng 9-2021). Ảnh: THIỆN TÂM

Một điểm bán hàng lưu động bằng xe buýt thời dịch Covid-19 (tháng 9-2021). Ảnh: THIỆN TÂM

Nhớ những ngày ấy, chợ búa đóng cửa. Sau này phường có phát phiếu đi chợ, cầm phiếu đi thì đến lượt cũng chả còn gì để mua. Người phụ nữ này xuất hiện như cứu tinh của cả cư dân trong hẻm. Trên chiếc xe cà tàng túm sẵn từng bị rau, mỗi bị nhiêu đó tiền, khỏi chọn lựa. Mọi người mặt che kín khẩu trang lặng lẽ ra lấy phần rau, đưa tiền rồi quay vào cửa… xịt khuẩn um sùm lên tay, lên bịch rau. Để có mớ rau này, người phụ nữ ấy phải luồn lách, né bao nhiêu trạm kiểm soát, các chốt phòng dịch. Biết chị liều mình như vậy là vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhưng lúc đấy cư dân trong hẻm ai cũng mừng rỡ khi nhìn thấy chị....

Dịch giã đã đi qua từ lâu nhưng người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn đi bán dạo theo cách này. Tôi ái ngại hỏi giờ người ta ra chợ chọn rau cho phong phú, mấy ai mua gói sẵn như này, sao chị không kiếm nơi nào ngồi bán cho đỡ cực? Chị cười héo hon: Thành phố giờ không cho bán buôn trên vỉa hè, thuê mặt bằng thì không có tiền, mà bán kiểu này quen rồi, chịu thêm chút tiền xăng còn có việc để làm. Nhiều khách hàng quen từ hồi dịch tới giờ vẫn ủng hộ. Hôm nào bán ế thì đến trưa cho luôn mấy nhà toàn người già mà chị quen…

Nhìn chiếc xe cà tàng khuất bóng, chợt giật mình, những ngày dịch căng thẳng ngỡ như đâu xa lắc, trong tâm tưởng chả mấy khi nghĩ đến, vậy mà mới xảy ra năm ngoái năm kia chứ mấy. Đây này, trong nhà vẫn còn hộp khẩu trang to đùng chưa dùng hết. Mảnh vải bé tí này hồi mới bị dịch khan hiếm vô cùng, khối nhà thuốc bị phạt vì tội tích trữ, nâng giá. Dùng khẩu trang mãi thành quen, giờ chả ai bắt buộc nhưng chạy xe máy ra đường cũng đeo cho đỡ bụi. Góc nhà vẫn luôn có những chai cồn 70 độ, những chai xịt khuẩn… dùng đã thành thói quen.

Trên sân thượng nhà tôi vẫn còn mấy thùng xốp, dấu tích của những ngày bị phong tỏa nghiêm ngặt. Cả ngày loanh quanh trong nhà “ai ở đâu yên đó”, buồn tay kiếm hộp xốp đổ đất vào trồng rau. Cây ớt ngày ấy trồng riêng một hộp giờ đã thành cây lão, cắt gốc đi cho ra chồi mới vẫn đều đặn ra hoa kết trái dù ít hơn, như muốn nhắc ông chủ ơi, tôi vẫn còn đây, ông có nhớ những ngày dịch giã ấy…

Những ngày căng thẳng dịch giã đã ngủ yên trong ký ức, nhường chỗ cho những lo toan, bươn chải ngày thường. Nhưng chỉ cần gặp lại một điều gì gợi nhớ là ký ức xưa lại ào ạt trở về. Trên chiếc điện thoại vẫn đầy các app, nào là hộ chiếu vắc xin, nào là PC-Covid. Mấy người bạn tính hay quên có chỗ đổ thừa tật đãng trí của mình là do dính Covid, do tiêm vắc xin mũi mấy, mũi mấy… Kỷ niệm vẫn ngủ yên vẹn nguyên trong tâm tưởng.

Quán cà phê nào đang mở ca khúc Hoa sữa của Hồng Đăng: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè xưa, những con đường nhỏ…”. Kỷ niệm về những ngày căng mình chống dịch vẫn còn nguyên đó, những dấu chỉ còn sót lại vẫn như gạch nối, nối chúng ta với những ngày đã xa. Bình thường mới rồi bình thường, những khái niệm ấy giờ sao nghe giản dị mà một thời mong mỏi biết bao nhiêu.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202310/ky-niem-ngay-da-qua-ebf5e7e/