Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) Những người thầy 'truyền lửa' nghề y
Để những người thầy thuốc tương lai biết thương bệnh nhân như người thân của mình, có đạo đức tốt, chuyên môn vững thì ngay từ khi sinh viên y khoa còn ngồi trên ghế giảng đường, vai trò của người giáo viên rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, cho biết đội ngũ giảng viên của trường đang không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới cách dạy để truyền tải đến sinh viên những kiến thức bổ ích, phục vụ đắc lực cho công việc của sinh viên sau này.
Những bài giảng truyền cảm hứng
Tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 mới đây, cả 5 giảng viên của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tham dự đều đoạt giải, gồm: 1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Với bài giảng thực hành “Đỡ sinh thường ngôi mặt”, thạc sĩ Trần Thị Mỹ Lệ để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người tham dự.
Cô Lệ chia sẻ, mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Trong quá trình “vượt cạn” của sản phụ, người hộ sinh luôn kề cận, thấu hiểu, sẻ chia, động viên, hỗ trợ sản phụ trong quá trình chuyển dạ. Và thật hạnh phúc biết bao khi ở trong phòng sinh, tiếng khóc oe oe của đứa trẻ mới chào đời vang lên. Những lúc như vậy, không chỉ sản phụ, gia đình sản phụ, mà tất cả các y, bác sĩ, trong đó có hộ sinh, cũng hạnh phúc vô bờ.
“Nghề hộ sinh nói riêng và nghề y nói chung, tuy có vất vả nhưng cũng có không ít niềm vui mà không phải ngành nghề nào cũng có được. Đó là mỗi ngày được chứng kiến những sinh linh bé nhỏ chào đời trong vòng tay yêu thương của gia đình. Mỗi đứa trẻ là một sự khởi đầu mới, một nguồn năng lực mới” - cô Lệ chia sẻ.
Mang đến hội giảng bài giảng thực hành “Thay băng vết thương có ống dẫn lưu”, thạc sĩ Trịnh Thị Chinh, Chủ nhiệm bộ môn Điều dưỡng, giúp mọi người hiểu hơn về công việc của người điều dưỡng. Thông qua từng thao tác, từng lời thăm hỏi, động viên, ánh mắt trìu mến với người bệnh xuyên suốt bài giảng, cô Chinh giúp khán giả cảm nhận được cái tâm của người điều dưỡng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Cô Chinh tâm sự, khi bệnh nhân vào bệnh viện, người họ tiếp xúc nhiều nhất không phải là bác sĩ mà là điều dưỡng. Từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt của người điều dưỡng có tác động mạnh đến người bệnh. Một cử chỉ ân cần, một lời động viên nhẹ nhàng cũng giúp người bệnh vơi bớt nỗi đau về thể xác và ngược lại. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên đều nhấn mạnh để sinh viên hiểu được ý nghĩa công việc mình sẽ làm. Từ đó, nỗ lực rèn luyện y đức, y thuật để chăm sóc bệnh nhân tận tình, giúp họ cảm nhận được tình thương của người thầy thuốc, từ đó an tâm điều trị.
3 nhà giáo Lương Công Nhật, Phạm Thị Lành và Vũ Thị Lương cũng đã được Ban giám khảo Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc đánh giá cao với các bài giảng: Hướng dẫn điều trị đau thắt lưng bằng bài tập kéo giãn; Bào chế dung dịch rửa tay khô; Cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn cơ bản ở người lớn tại cộng đồng.
Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ĐINH CAO MINH cho hay, sinh viên của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai luôn là ưu tiên tuyển dụng hàng đầu của bệnh viện, bởi hầu hết các em khi ra trường đều có thể làm việc được ngay mà không phải đào tạo lại. Nhiều cựu sinh viên của trường đang làm việc tại bệnh viện hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng trong khối điều dưỡng.
Khẳng định chất lượng đào tạo
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang chia sẻ, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc là sự kiện lớn đối với các trường nghề trong cả nước. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, ngoài sự chỉ đạo sâu sát, bài bản của ban giám hiệu phải kể đến năng lực sư phạm thực sự của các giảng viên.
“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Thầy thuốc được xem là người “gác cửa” cho sự sống. Để đào tạo được những người thầy thuốc giỏi, bản thân mỗi người thầy phải luôn nêu cao tinh thần tự học, sáng tạo. Ngành y là ngành học suốt đời nên đòi hỏi giảng viên y khoa phải không ngừng nỗ lực để tạo ra những thế hệ thầy thuốc tốt” - tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang nói.
Qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, từ Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, hơn 45 ngàn sinh viên y khoa đã “tung cánh bay đi” khắp mọi miền đất nước. Nhiều người khác hiện đang làm việc tại nước ngoài.
Chị Lê Thị Thúy Liễu, cựu sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, hiện làm điều dưỡng tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết sự dạy dỗ tận tình, nhiệt huyết của các giảng viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã giúp chị có kiến thức vững vàng khi làm việc tại nước ngoài, nơi có những yêu cầu khắt khe đối với nghề điều dưỡng. Mặc dù đã ra trường nhiều năm nhưng thầy cô luôn dõi theo và cổ vũ, động viên, giúp chị thêm yêu nghề và có thêm động lực để làm việc tốt nơi trời Âu.