Kỷ niệm Tết Việt ở Hà Lan: Đi xa để trở về

Thế là đã tròn một năm trôi qua kể từ ngày tôi trở lại quê hương. Kỷ niệm 3 năm công tác tại Hà Lan với những cái Tết xa quê vẫn vẹn nguyên trong tim. Nhớ lại khoảng thời gian đó, mỗi khi Xuân về, những kỷ niệm về quê hương và Tết ấm áp lại ùa về trong tâm trí tôi như những đám mây êm đềm trôi trên dòng sông ký ức.

Năm 2019, khi cùng chồng nhận nhiệm vụ công tác tại xứ sở hoa Tulip, tôi được Đại sứ tin tưởng giao nhiệm vụ dạy tiếng Việt, nhằm giữ gìn và duy trì tiếng Việt cho những thế hệ con em người Việt. Tôi có dịp tham gia tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa như Tết Nguyên đán, Quốc khánh, Tết Trung thu... Trải nghiệm ăn Tết trên đất khách và lắng nghe chia sẻ của anh chị em người Việt xa quê khiến tôi có cơ hội suy ngẫm sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt. Điều đó càng khắc sâu thêm niềm tự hào cũng như khát khao được lưu giữ, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của quê hương.

Lớp học vui Tết Trung thu

Lớp học vui Tết Trung thu

Tôi yêu tiếng nước tôi...

Ở Việt Nam, nói tiếng Việt là điều tự nhiên như một phần của cuộc sống hàng ngày. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tiếng Việt có thể trở thành nguồn cảm hứng hoặc là một điều đặc biệt. Chỉ đến khi gặp đồng bào ở Hà Lan, tôi mới hiểu người Việt yêu tiếng Việt ra sao. Bà con mong được nghe con cháu nói tiếng Việt sau mỗi buổi đi làm về, và cũng mong con cháu nói tiếng Việt với người thân trong những cuộc gọi về quê hương...

Những người cha, người mẹ không ngại những ngày đông, đường trơn, gió lốc mang cái rét lạnh của biển Bắc phủ khắp thành phố La Hay. Họ bỏ cả nửa ngày nghỉ cuối tuần quý giá để theo con đến lớp, ngồi sau nghe con học. Bà con sẵn sàng đến tận nhà đón cô giáo những ngày thời tiết xấu. Tôi có thể cảm nhận niềm vui ánh lên trong mắt của các bố mẹ khi con bắt đầu hát lơ lớ những bài hát Việt Nam, phát biểu một vài câu ngắn gọn. Niềm vui ấy không khác gì bố mẹ được nghe đứa con thơ bi bô học nói.

Gia đình nhỏ của cô giáo Đỗ Thu Thủy tại Hà Lan

Gia đình nhỏ của cô giáo Đỗ Thu Thủy tại Hà Lan

Khi dịch Covid-19 bùng lên, các lớp học phải đóng cửa, cô và trò buồn lắm. Nhưng chẳng bao lâu, Đại sứ quán quyết mở lại các lớp học trực tuyến, tiếng Việt lại vang vang qua các ô cửa sổ của cô trò... Tới ngày chia tay lớp học về lại Việt Nam, từng học viên trong lớp xếp hàng lên ôm cô giáo, tận tay trao tặng những món quà lưu niệm của Hà Lan. Nhìn những nét chữ nắn nót bằng tiếng Việt của các học viên trong tấm thiệp mừng, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc…

Nón lá, áo dài, nem và Tết

Ở nước ngoài mới thấy, kiều bào thì nhớ và thèm văn hóa Việt; bạn bè quốc tế thì tò mò và thích thú với văn hóa Việt. Nón lá và áo dài Việt luôn khiến các bạn trầm trồ khen ngợi. Còn về ẩm thực, tôi không thể ngờ rằng người Hà Lan ưa chuộng món nem rán Việt Nam tới nỗi đâu đâu những quầy ăn nhanh cũng thường có món Vietnam Loempia, thậm chí do người Trung Quốc, người Indonesia bán với đủ kiểu biến tấu, vỏ nem dày cui mà người Hà Lan vẫn luôn xếp hàng dài để mua. Những thứ tưởng như đơn giản hàng ngày đã ghi dấu với bạn bè quốc tế như những tín hiệu văn hóa để nhận ra người Việt... Tôi nhớ mãi kỷ niệm vui khi làm phụ đề tiếng Hà Lan cho phim hoạt hình Chú Cuội vào dịp Tết Trung thu ở Đại sứ quán. Mấy hôm sau nghe rằng có ông bố Hà Lan đi dự tiệc về đã đi kể khắp hàng xóm láng giềng câu chuyện Chú Cuội của Việt Nam...

Khai giảng lớp tiếng Việt dành cho con em kiều bào tại Hà Lan ngày 09/09/2022

Khai giảng lớp tiếng Việt dành cho con em kiều bào tại Hà Lan ngày 09/09/2022

Với những người Việt Nam ở Hà Lan như chúng tôi, để tổ chức một cái Tết truyền thống trọn vẹn không dễ dàng gì. Ngày Tết Âm lịch không được coi là ngày nghỉ theo luật Hà Lan, nên những người làm công ăn lương phải lên kế hoạch cả tháng trước để xin nghỉ phép. Trong khi đó, đồ trang trí ngày Tết cũng phải lựa khéo lắm mới tìm được những thứ phù hợp với phong tục Việt Nam. Bánh chưng có thể gói bằng lá dong, nhưng nếu thiếu thì gói lá chuối hoặc giấy bạc. Tôi nhớ có cái Tết, các em sinh viên Việt Nam phải đến làm trang trí đến tận khuya, còn các anh chị Việt kiều cùng các cháu đến gói bánh luộc bánh ngoài sân, dù rất lạnh nhưng không khí vô cùng đầm ấm, tiếng nói cười xôn xao náo nức.

Muốn có được dáng hình, không khí Tết Việt Nam, chúng tôi phải ra sức mà sáng tạo: Giấy đỏ cắt ra viết thư pháp; khóm trúc nhỏ treo những phong bao lì xì; những chiếc bánh chưng trang trí bằng giấy; nón quai thao, thúng, chõng tre, mặt nạ cũng tận dụng trưng bày để có một không gian đậm chất Việt... Khó nhất là tìm được cành đào hồng cho đúng màu của Tết. Đã nhiều lần chúng tôi mua nhầm những cành hoa nụ phớt hồng tưởng như hoa anh đào mà đến khi nở ra mới biết là hoa mận trắng, đành tự nhủ thôi thì coi như cành bạch mai chơi Tết....

Một bức tranh học sinh lớp tiếng Việt vẽ tặng cô giáo Đỗ Thu Thủy

Một bức tranh học sinh lớp tiếng Việt vẽ tặng cô giáo Đỗ Thu Thủy

Nhìn chung, cảm xúc của người Việt Nam xa quê khi trở về đón Tết truyền thống là như được hòa mình vào không khí ấm áp thân thương của quê nhà. Đó là sự kết nối, là sự trở về nguồn cội, là cơ hội để hiểu hơn bản sắc của chính mình và trân quý hơn văn hóa đất nước mình. Tết không chỉ là dịp để đón chào năm mới, mà còn là khoảnh khắc để tìm thấy chính mình trong trái tim quê hương và trong tình cảm ấm áp của những người thân yêu.

Đỗ Thu Thủy

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ky-niem-tet-viet-o-ha-lan-di-xa-de-tro-ve-417057.html