Kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Ngày 24/2, tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.
Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị tướng lĩnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhân sỹ trí thức, tôn giáo, dân tộc thiểu số, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn.
Cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sống chiến đấu, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương sáng, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn tận tụy, tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được giao nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976), ông đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặt biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự chỉ huy tài tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đường mòn Trường Sơn từ một con đường nhỏ đã trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm". Hệ thống đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và lực lượng quân Mỹ, đồng minh.
Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Chính trên những cung đường huyền thoại Trường Sơn, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành: Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo; Mỹ thả xuống Trường Sơn hàng chục vạn lít chất độc hóa học da cam - dioxin. Song Bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài hơn 17.000 km cho xe cơ giới; vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường.
Từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông...Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc.
Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước. Từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất mẹ.
Tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình. Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết, đồng chí hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc...
Dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh. Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, vị tướng tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước đánh giá là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của Đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.