Kỷ niệm xem cô Bẩy Phùng Há hát tuồng

Cô Bảy hôm ấy diễn tuồng võ, diễn được hai ba màn, thấm mệt, nên khi vô buồng, cô tạm ngồi trên chiếc ghế mây mà sơ ý nhè ngồi đại nên không coi trước.

1927. Năm 1927, tôi cưới vợ. Người cậu của vợ (nay hai tôi đã ly-dị), ông Dương-Văn-Giáo từng trách yêu tôi: “Thà làm kép cho hay như Nguyễn-Thành-Châu, hơn là làm việc cho Tây!” Câu nói ấy thốt ra đêm Cô Bảy Phùng- Há hát tại Nhà Hát Tây, cô thủ vai Mộc-Quế-Anh dâng cây và người đóng cặp vai tướng nhỏ đẹp trai Dương- Tôn-Bảo, không ai khác hơn là anh Năm Châu.

Kép tức thầm, ghen trong bụng, vì lúc ấy cô đào duyên dáng sắp lọt vào tay Bạch-công-tử Phước Georges. Ra diễn trên sân khấu, kép đánh giặc thiệt và đánh thật mạnh. Cô đào ban đầu chưa biết, còn hý hởn ghẹo: “Ai đâm thì mình đỡ! Ai để hở mà đâm!” (Câu bên hát bội đã có). Nhưng kép hầm hầm, đập giáo nào ê tay giáo nấy, cô đào thấm mật, nước mắt dầm dề: “Công-tử ôi! xin nương tay cho thiếp nhờ!” Việc năm xửa năm xưa đã trên bốn chục năm, không biết người đương sự còn nhớ chăng??

 Ảnh minh họa. Nguồn: PLO.

Ảnh minh họa. Nguồn: PLO.

1928-1929. Núp cánh gà xem đít mọc râu. Tôi đổi đi Sa- Đéc làm thơ-ký phát ngân tại Tòa-bố. Cô Bảy Phùng Há xuống diễn. Cậu Tư Phước Georges, chủ gánh Huỳnh-kỳ có nhã ý mời hai tôi đến xem hát. Đây là vì cảm tình riêng chớ thuở ấy có đủ cách hối lộ, một thông lệ vẫn còn tồn tại nhiều nơi là mỗi gánh đến hát tại tỉnh phải có thứ giấy mời đặc biệt ông thông ngôn đứng bàn ông chánh, thay mặt cho sở kiểm duyệt, đề phòng trong khi hát có nói lời xúc phạm chánh-phủ chăng.

Mà hễ mời thầy thông ngôn thì phải mời đủ cặp, có khi ông bà mắc đậu chến thì con vú bác tài đưa nhau đi xem thế, không cho vào cửa có môn dọn đi. Mời rồi bên Tòa-bố lại phải mời thầy ký làm việc Sở Cẩm, đề phòng lính tráng đâm chém làm khó không cho hát.

Nhưng đêm ấy tôi không đi giấy mời mà mua vé đàng hoàng, lại vô buồng đứng sau cánh gà để phỉ tình đàm đạo và góp ý kiến với Cậu Tư. Nhờ vậy mà tôi mục kích một lớp hài-hước không có trong chương trình. Cô Bảy hôm ấy diễn tuồng võ, diễn được hai ba màn, thấm mệt, nên khi vô buồng, cô tạm ngồi trên chiếc ghế mây mà sơ ý nhè ngồi đại nên không coi trước.

Một anh kép võ hết phiên trước cô vào buồng nằm xả hơi trên chiếc rương lớn, lúc ấy còn xài râu dán bằng keo, nên anh cẩn thận trước khi nằm đã gỡ râu ra cho khỏi vướng. Đến lượt anh xuất hiện, anh ngồi dậy kiếm hoài không thấy bộ râu mình mới để đâu đây, anh chạy giáp buồng hát, miệng lầm bầm “... thằng nào lấy râu tao!!” Kiếm mãi không có râu và túng quá vì đã đến phiên mình ra tuồng, anh bèn bước đại ra sân khấu, vừa ca hát vừa lấy tay áo rộng che miệng và cằm.

Thoạt tới phiên cô Bảy xuất hiện, bộ râu nhủn nhẳn sau mông cô mà cô không hay, cô vừa xây lưng, anh kép vụt thấy bộ râu mình làm mất, mừng quýnh quýu nhảy một nhảy chụp vào phía hậu cô Bảy mà ráp lẹ vào cằm mình, việc xảy ra mau như chớp nhưng cũng đủ cho một mớ khán giả mấy hàng đầu lanh mắt thấy đủ hết từ đầu chí cuối, không nhịn cười được nên đồng rộ cười lên gần bể rạp.

Khỏi nói đào kép trên sân khấu rán diễn như thường cho lấp chuyện, nhưng trong màn thấy cớ sự “bại hoại ốc trâu cả đám” nên lật đật cho bỏ màn xuống. Pha nầy đã có người nghe lóm và viết nhại tôi, hoặc giả y cũng đồng thấy như tôi, tôi không cần biết, duy chuyện có sao nói vậy, còn tin cùng không là phần của độc giả. Lúc nầy là lúc quần áo kiểu Cát-Tường (Le Mur) thịnh hành và cũng lúc nầy

Cô Bảy đương trong thời kỳ đào tiên hơ hớ, cô diễn tuồng xã-hội, mỗi lần cất giọng ca Quảng, chót đuôi câu y-ỷ-y nghe gần bể rạp! Ngày nay lớp sau ca tấn phát nhiều. Nghe kỹ lại hơi xưa và so sánh với làn hơi kim thời, thấy nhiều chỗ khác. Về giọng ngâm thơ theo điệu Bắc, nay nhờ Radio đã quen tai, chớ chầu xưa duy có Tư Út rỉ rả câu “con cá vàng và anh Tây đen” là còn nghe giông giống.

Năm nào tại nhà tôi ở Sốc-Trăng Tư Út đến chơi, lấy dĩa “Huyền-Châu-Nữ” quây nghe lại, rồi Út ca lại bản đó, nhưng đã bớt hơi không bằng khi vào dĩa, Út ngó tôi châu mày và chôn luôn cơn buồn vào ly Bisquit-Soda vàng lườm.

Vương Hồng Sển/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-niem-xem-co-bay-phung-ha-hat-tuong-post1496535.html