Kỹ sư công nghệ bỏ việc, trồng măng tây làm giàu
Kỹ sư công nghệ Phạm Văn Sơn (sinh năm 1991, ở thành phố Bắc Ninh) khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGap.
Phạm Văn Sơn từng là một kỹ sư công nghệ thông tin, làm cho một doanh nghiệp ở thành phố, có thu nhập cao. Năm 2015, Sơn có một quyết định táo bạo là xin nghỉ việc, bỏ phố về quê làm trang trại.
Qua tìm hiểu thị trường, Sơn nhận thấy, người tiêu dùng đang lo ngại về thực phẩm không an toàn, nhất là tồn dư chất bảo quản thực vật. “Bởi vậy, tôi xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra những mặt hàng an toàn, đáp ứng trúng nhu cầu của thị trường”, Sơn chia sẻ.
Ban đầu, Sơn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau thủy canh tại nhà, nhưng không hiệu quả. Sau nhiều lần đi thực tế, Sơn chuyển hướng trồng măng tây.
Sơn chia sẻ, ngoài việc tìm hiểu trên mạng, cậu còn đi khắp các tỉnh thành trên cả nước để học hỏi kỹ thuật trồng măng tây. Sau khi tìm hiểu, Sơn nhận thấy chất đất ở khu vực thôn Đại Bình, Đại Xuân, huyện Quế Võ phù hợp với trồng loại cây này. Cuối năm 2018, Sơn thuê đất, mua 8.000 cây giống về trồng trên diện tích 6.000m2.
“Với chi phí đầu tư ban đầu lớn, tiền cây giống, cải tạo đất, phân bón... lên tới cả trăm triệu đồng nên tôi và gia đình vừa làm vừa lo. Vụ đầu tiên, cây trồng vào mùa hè nóng bức, thời tiết năm đó nắng hạn nên ngày đêm tôi phải thường xuyên túc trực ở ngoài ruộng để bơm nước tưới cây, giữ độ ẩm cho cây không bị chết”, Sơn chia sẻ.
Theo Sơn, măng tây hoàn toàn là rau sạch, bởi quá trình trồng, chăm sóc cây phải theo đúng quy trình kỹ thuật. Nếu dùng quá hàm lượng phân bón hoặc phải phun thuốc, cây sẽ không cho năng suất cao. Bởi vậy, măng tây có giá thành cao hơn các loại rau thông thường. Sơn nhẩm tính, một năm cây măng tây cho 8 tháng thu hoạch, với sản lượng 35 - 40kg măng tây/ngày, giá trung bình 50.000-55.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, Sơn lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hiệu quả từ cây măng tây mang lại, Sơn tiếp tục thuê đất để mở rộng sản xuất. Không dừng lại ở đó, để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Sơn liên hệ với Thành Đoàn Bắc Ninh để tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên, vay được 900 triệu đồng.
Hiện Sơn đang hoàn thiện hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng dưa baby theo hướng công nghệ cao. Dự kiến, cuối năm 2020, hệ thống nhà màng, nhà lưới sẽ đi vào hoạt động.
Anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên có ý chí, khát vọng, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, trong đó có trang trại trồng măng tây của anh Phạm Văn Sơn. “Những mô hình kinh tế này tiếp sức cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên Bắc Ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, anh Sâm nói.