'Kỹ sư'… làng

Do đồng đất manh mún, nhỏ lẻ, không bằng phẳng nên những chiếc máy nông cụ có sẵn trên thị trường khi đưa vào sử dụng không phát huy hết được công năng. Thấu hiểu những khó khăn đó anh Phùng Duy Thành, Tổ nhân dân Tân An, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) đã sáng tạo cải tiến một số máy nông nghiệp giúp người nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất, giải phóng sức lao động.

Nhanh nhạy với thời cuộc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là thợ rèn của Hợp tác xã Quang Bình (thị trấn Tân Yên, Hàm Yên), ngay từ bé anh Thành đã quen thuộc với bếp lò đỏ lửa, mùi sắt cháy, những muội than và khói than... Năm 1990, sau khi học xong THPT, anh quyết định ở nhà phụ giúp bố làm thợ rèn và buôn bán hàng kim khí. Những tưởng sẽ gắn bó suốt đời với lò rèn và cửa hàng sắt, thép, nhưng đến năm 1997, Hợp tác xã Quang Bình giải thể, bố anh qua đời, kinh tế gia đình sa sút, là con trai lớn trong gia đình anh Thành đã lao vào làm kinh tế. Anh nhận thấy đất gần nhà hợp với thổ nhưỡng của cây cam, nên quyết định xây dựng một trang trại cam sạch. Chút tiền bố để lại cũng đủ để anh làm vốn dắt lưng, mua cây giống trồng cam. Sau đó, anh miệt mài trên khu đồi rộng hơn 1 ha, dồn hết tâm sức cho mô hình kinh tế của mình.

Anh Phùng Duy Thành (ngoài cùng bên phải) cùng nhân viên cải tiến một số chi tiết máy cày.

Anh Phùng Duy Thành (ngoài cùng bên phải) cùng nhân viên cải tiến một số chi tiết máy cày.

May mắn đến khi anh đạt giải Nhất cuộc thi cam sạch do huyện tổ chức, giá cam tăng, cuộc sống gia đình có chút dư giả. Tuy vậy, anh vẫn luôn ấp ủ nguyện vọng của cha trước khi mất: “Sắt, thép, với nghề rèn đã nuôi dòng họ Phùng bao đời nay”. Nhưng do chưa có tay nghề, nên anh quyết định mở thêm một cửa hàng buôn bán đồ kim khí.

Trực tiếp đi giao hàng cam nhiều nơi tận Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, anh nhận thấy bà con nông dân nhiều nơi đã giải phóng được sức lao động rất nhiều. Cày, bừa, cấy, hái đều do máy móc làm hết. Khi đó, thị trường máy nông cụ hiện đại ở Tuyên Quang chưa phát triển, khắp thị trấn Tân Yên chưa ai kinh doanh mặt hàng này. Vì vậy, anh mạnh dạn chuyển sang kinh doanh máy cày, máy bừa, máy gieo sạ, máy tuốt lúa. Nhiều người thấy vậy cho rằng, anh cứ “đứng núi này trông núi nọ”, sao không chú tâm vào một nghề để có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cái máu làm kinh tế đôi khi cần phải “liều” để nắm bắt được cơ hội. Chính sự nhanh nhạy với thời cuộc đã giúp anh có một cơ ngơi đàng hoàng như ngày hôm nay, mặc dù đã có lúc gần như thất bại.

Thành công từ đam mê và sáng tạo

Cửa hàng máy móc nông nghiệp của gia đình anh cũng phải mất khá nhiều thời gian để bà con biết đến. Ban đầu, hầu hết người dân mới chỉ đến xem chứ chưa quyết định mua. Dần dà anh hiểu ra được lý do mà bà con không muốn sử dụng những máy nông cụ hiện đại. Bởi những loại máy này chủ yếu phục vụ cho người nông dân ở đồng bằng với diện tích ruộng lớn, bằng phẳng. Vì vậy, muốn phù hợp với ruộng nhỏ lẻ, hay những chân ruộng thụt ở khu vực miền núi thì một số chi tiết máy cần phải có sự cải tiến cho phù hợp. “Cái khó ló cái khôn”, anh đã trăn trở, ấp ủ và tự mình tìm hiểu, mày mò để cải tiến lại máy nông nghiệp cho phù hợp với đồng đất địa phương. Còn chị Hương vợ anh đã có lúc buông xuôi bảo: “Thôi chồng ạ, mang máy trả lại đại lý, lỗ ít vốn còn hơn để đống gỉ sét. Vợ chồng mình quay về trồng cam và mở cửa hàng bán sắt, thép cho đỡ vất. Coi như là mình tính sai nước”. Vừa động viên vợ, anh vừa tự mình tìm hiểu và kiên trì cải tạo máy.

Sau một thời gian, anh Thành đã cải tiến được hai loại máy nông cụ để phù hợp với những thửa ruộng nhỏ lẻ, ruộng thụt ở vùng miền núi. Khi đã nắm bắt được ưu nhược điểm của từng loại máy móc thì mọi khó khăn đã được giải quyết dễ dàng hơn. Cụ thể, những chi tiết như: Chiếc bánh lồng có chiều dài ban đầu là 40 - 45 phân được anh nối dài lên 50 - 60 phân. Tức là phải hàn cho trục dài ra 10-15 cm; vô lăng cũng phải rộng thêm… Anh Thành lý giải: “Ở vùng mình chủ yếu là ruộng sâu bùn (ruộng thụt) nếu bánh lồng bé sẽ khó cày xới, do đó phải nối dài bánh lồng tăng hiệu suất công việc”. Còn bánh bám được anh cải tiến rộng thêm 30 phân cho nó không bị lật, chắc chắn hơn khi làm. Cộng thêm những công đoạn hàn xì rồi thêm bớt, cắt gọt một số linh kiện máy… Vậy là anh đã cho ra đời một chiếc máy cày mang “thương hiệu” Phùng Duy Thành.

Tuy không học qua lớp học nào về kỹ thuật chế tạo máy, nhưng bằng sự sáng tạo từ thực tế, anh đã cải tiến được máy và còn chia sẻ kinh nghiệm cho những người khác. Anh Thành bộc bạch: “Để vợ con khổ khi chính mình lựa chọn con đường kinh doanh này thì anh có lỗi với gia đình. Nếu anh bỏ cuộc sẽ nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, điều anh trăn trở hơn là nếu bà con nông dân quê mình không được sử dụng những chiếc máy hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp để giải phóng sức lao động thì thua thiệt rất nhiều. Quanh năm suốt tháng oằn lưng ngoài đồng, có thêm máy “gánh vác” công việc sẽ bớt đi phần nào vất vả”. Đó chính là động lực để anh càng quyết tâm tìm tòi và sáng tạo.

Hiện nay, cửa hàng bán máy nông nghiệp của anh Thành có quy mô lớn nhất nhì thị trấn Tân Yên. Cái tên Cửa hàng Thành Hương, chuyên kinh doanh: Máy cày, máy bừa, máy xay xát, máy tuốt lúa... đã trở nên quen thuộc với người nông dân trên địa bàn. Dần dần, lượng khách đến cửa hàng anh ngày càng đông, trong đó nhiều khách hàng từ các huyện Chiêm Hóa, Na Hang đến các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ… Cửa hàng của anh còn tạo việc làm cho 8 lao động địa phương, với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, khi đến mùa vụ có đến 15 người làm.

Anh Vũ Hồng Nguyên, xã Thái Sơn (Hàm Yên) cho biết: “Học xong cấp 3 tôi xin vào học nghề và làm việc ở cửa hàng. Ban đầu học làm quen với việc cải tiến máy nông nghiệp cũng khá khó khăn, nhưng được anh Thành dạy bảo nhiệt tình, đến nay tôi đã thành thạo hơn”.

Sản phẩm của cửa hàng anh Thành đã tạo được uy tín với khách hàng. Ông Trịnh Văn Hóa, xã Nhân Mục cho biết: “Năm ngoái, tôi cùng mấy hộ trong thôn chung nhau mua máy cày cải tiến tại cửa hàng Thành Hương. Máy nhỏ, gọn và dễ sử dụng, góp phần tăng năng suất lao động. Một tiếng máy có thể cày được tới 5- 6 sào ruộng, giúp công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn nhiều”.

Hỏi anh 1 tháng trung bình bán được bao nhiêu máy các loại, anh Thành cười, chúng tôi tính bằng doanh thu/năm, con số này trên 12 tỷ đồng. Anh Thành cho biết, dự định trong năm tới anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng, thành lập thêm xưởng chuyên cải tạo các máy nông cụ như: Máy cày, máy tách hạt ngô, máy ép phân viên nén dúi sâu… Từ đó, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa là cách để anh đồng hành cùng bà con nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

Phóng sự: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/ky-su%E2%80%A6-lang-128855.html