Kỹ sư mỏ đam mê làm nông nghiệp
Tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất, gần 10 năm làm việc tại Chi nhánh Khai thác 1 (Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam), đạt nhiều thành tích trong công việc chuyên môn anh Trần Phong Hải, Bí thư Chi đoàn Chi nhánh Khai thác 1 vẫn dành tình yêu đặc biệt cho nông nghiệp.
Lần đầu tôi gặp anh Trần Phong Hải là chuyến thiện nguyện về vùng cao Mường Khương. Anh cùng đoàn viên, thanh niên Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam tham gia các hoạt động tại chương trình. Sau chuyến thiện nguyện, anh không quên đem theo một cành hoa đào với những mắt cây khỏe mạnh lên xe. Tôi tò mò hỏi và được anh chia sẻ rằng mang về để ghép với cây đào đang trồng trong vườn nhà. Một người bạn của Hải tiết lộ: Bạn ấy không chỉ là kỹ sư mỏ địa chất với nhiều sáng kiến trong chuyên môn, mà còn đam mê sản xuất nông nghiệp. Những chia sẻ từ đồng nghiệp của Hải khiến tôi tò mò về khu vườn anh đang sở hữu tại tổ 11, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát).
Tại Chi nhánh Khai thác 1, công việc chuyên môn của Trần Phong Hải là kỹ sư điều hành công nhân triển khai các biện pháp kỹ thuật tuyến tầng, xúc bốc, vận tải, lập hồ sơ nổ mìn thi công khai thác. Với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong điều hành khai thác, năm 2022, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên. Ngoài công tác chuyên môn, tại địa phương, anh Trần Phong Hải tích cực phối hợp với đoàn viên, thanh niên tổ 11 tham gia các chương trình tình nguyện hướng về cơ sở, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xung kích phòng, chống thiên tai, tham gia tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi…
Điều khiến tôi thắc mắc nhất là với quỹ thời gian bận rộn dành cho công việc của một kỹ sư tại công ty thì không biết Hải chăm sóc vườn vào thời gian nào? “Buổi sáng tôi dậy từ 5 giờ, dành một tiếng ra thăm vườn, bắt sâu, tỉa lá, coi như tập thể dục, còn buổi chiều sau khi tan làm ở công ty, tôi về nhà làm vườn đến 18 giờ”, anh Hải giải thích.
Khu vườn trồng cây ăn quả của anh Hải rộng 8.000 m2 gồm các loại bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi đường, bưởi Phúc Kiến và ổi ruby, roi đỏ An Phước, thanh long ruột đỏ. Anh tỉ mỉ giới thiệu cho tôi cách trồng, chăm sóc từng loại cây ăn quả. Trong vườn hiện có 230 cây bưởi đang mùa ra quả thứ hai, trong đó anh tâm đắc nhất là 10 cây bưởi Tam Hồng (bưởi Phúc Kiến) dù khó trồng ở Việt Nam nhưng vẫn đang cho lứa quả to đẹp, chất lượng không khác gì bưởi Phúc Kiến gốc.
Xen lẫn những gốc bưởi trĩu quả là 80 gốc ổi ruby ruột đỏ đang ra quả. Mỗi quả ổi được anh Trần Phong Hải bọc cẩn thận. Anh cho biết ổi này được đặt giống tận miền Nam gửi ra, anh phải tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc ở nhiều nguồn sách, báo, mạng internet và bí quyết quan trọng nhất là bọc quả. Ổi ruby ruột đỏ, tỷ lệ hạt ít, ăn giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy.
Anh còn say mê kể về vụ roi An Phước vừa thu hoạch thành công ngoài sức tưởng tượng. Ban đầu, anh chỉ mua giống về trồng thử và nghĩ rằng khó thành công do khí hậu, thổ nhưỡng ở miền Bắc khác biệt với vùng roi An Phước nổi tiếng. Nhưng sau 3 năm trồng, cây cho thu hoạch quả to, năng suất, ngọt, nhiều nước không khác biệt nhiều so với chất lượng roi vùng đặc sản. Anh dự định mở rộng diện tích cây trồng này.
Nhưng anh Hải tâm huyết nhất là vườn thanh long ruột đỏ rộng 600 m2 đang vào vụ thu hoạch. Không dựng trụ bê tông, anh sáng tạo ở chỗ cho thanh long leo giàn để tiết kiệm chi phí và thắp đèn giúp thanh long ra quả quanh năm, điều chỉnh độ ngọt bằng cách bón phân, làm đất... Đây là vụ thứ 3 thanh long cho thu hoạch, sản lượng đạt 8 - 9 tạ/năm.
Trước đó, diện tích cây ăn quả của gia đình anh Trần Phong Hải được trồng quế, mỡ và một số loại cây lấy gỗ khác. Năm 2015, sau khi bán toàn bộ số gỗ trong vườn, anh quyết định cải tạo đất chuyển hướng trồng cây ăn quả. Năm 2018, anh bắt đầu tìm những loại quả ngon, được thị trường ưa chuộng rồi chọn địa chỉ cung cấp giống uy tín mua về trồng. Ban đầu chỉ thử nghiệm vài cây, khi cho ra quả, chất lượng tốt, anh mới mở rộng diện tích.
Anh Trần Phong Hải tâm sự: Tôi tích lũy được nhiều kiến thức nông nghiệp bởi gia đình có truyền thống làm nông. Ngày bé, tôi giúp bố mẹ cấy lúa, trồng ngô, bón phân, bón đạm, chính công việc ấy sau này cho tôi kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây ăn quả.
Làm nông nghiệp một nắng, hai sương cực nhọc nhưng với anh Hải, công việc này đem lại nhiều niềm vui, giúp anh rèn luyện sức khỏe, giải tỏa stress sau thời gian làm việc căng thẳng ở công ty. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông nội là liệt sỹ, bố nhiễm chất độc hóa học mất sớm, anh là trụ cột kinh tế trong gia đình nên luôn chăm chỉ, nỗ lực cả trong công việc chuyên môn lẫn xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Anh Trần Phong Hải chia sẻ thêm: Vì mới trồng nên thu nhập từ vườn cây chỉ ở mức thấp, khoảng 50 triệu đồng/năm nhưng từ năm thứ 5 cho thu hoạch trở đi, vườn cây có thể đạt 200 triệu đồng/năm. Anh Hải đang cố gắng từng ngày để đạt mức thu đó.
Anh Trần Phong Hải trở thành tấm gương lan tỏa tinh thần chăm chỉ lao động trong công ty và tại địa phương. Với mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp thực hiện được, anh Trần Phong Hải sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những thanh niên có nhu cầu.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ky-su-mo-dam-me-lam-nong-nghiep-post372659.html