Ký sự pháp đình: Nước mắt nội rơi...!
'Ở đời chẳng ai đoán trước được chữ ngờ. Cực chẳng đã tôi phải kiện cháu ra tòa', lời ông Phan Văn Phước (86 tuổi, ngụ khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình) như nấc nghẹn, khi ở tuổi xế chiều lại phải đi gõ cửa công đường, để đòi lại tài sản mà trước đó ông đã trót đặt niềm tin...
Nghịch cảnh tuổi xế chiều
Phiên tòa xét xử hôm ấy diễn ra tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bắc Bình lạ hơn so với nhiều phiên tòa khác. Lạ là bởi người đi kiện đòi tài sản là cụ ông ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, với dáng người khắc khổ, mệt mỏi đi lại khó khăn, phải có con cháu dìu đến tòa. Bên bị đơn đứng đối diện, lại là người không xa lạ gì, khi là cháu gái của ông – người mà tuổi thơ được ông “tay ẳm tay bồng, nâng niu, chiều chuộng”.
Sự việc bắt đầu từ ngày 20/1/2021, khi ông Phước quyết định bán 4 thửa đất để dưỡng già và T.T (cháu nội ở sát nhà) là người giới thiệu cho người mua với số tiền 784 triệu đồng. Sau khi bán, ông Phước quyết định gửi ngân hàng, nhưng do đi đứng khó khăn, nên ngày 21/1/2021, ông nhờ T chở đến Ngân hàng Argibank Chi nhánh Lương Sơn để gửi tiết kiệm số tiền 500 triệu đồng, với kỳ hạn 1 năm. Đến ngân hàng gặp giao dịch viên, lúc này T nói với ông Phước là: “Thôi nội để con đứng tên giùm, sau này tới kỳ hạn con sẽ đi rút thay giùm cho ông nội”. Ông Phước nghĩ T là cháu nội gần nhà, sinh viên mới ra trường nên đồng ý cho T đứng tên. Sau khi nhân viên ngân hàng làm sổ tiết kiệm xong, thì T đưa sổ cho ông Phước đem về nhà cất giữ.
Ông Phước (bên phải) cùng luật sư Đỗ Minh Trúc - người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông tại phiên tòa.
7 tháng êm đềm trôi qua, đến một ngày đầu tháng 7/2021, vợ ông Phước vì tuổi cao sức yếu đã qua đời. Trong ngày ra khu đất để hướng dẫn thợ xây mộ, ông Phước có gửi chìa khóa tủ cho T giữ giùm. Qua ngày hôm sau khi chôn cất vợ xong, ông Phước mở tủ lấy tiền trả công thợ và tiền mai táng thì phát hiện mất 100 triệu đồng để trong tủ. Sau đó ông Phước có mời T và mẹ T đến để nói chuyện: “Nếu lỡ có lấy thì con đưa lại để nội trả tiền công xây mộ cho người ta”. Từ chuyện cho rằng ông nội vu oan T lấy 100 triệu đồng trong tủ, nhưng không có chứng cứ nên giữa ông cháu xảy ra mâu thuẫn. Ông Phước sau đó có nhờ con trai thứ là Phan Văn Hiệp đến mời gia đình T lên nhà để nói về việc rút số tiền 500 triệu đồng mà ông nhờ T đứng tên gửi tiết kiệm ngân hàng, để trang trải công chuyện và trả tiền mai táng, nhưng gia đình T và T cương quyết không chịu và… lật ngược.
Ông Phước nén ánh mắt nhìn lại phía bị đơn cũng là cháu ông sau phiên tòa.
Quệt dòng nước mắt, ông Phước chia sẻ, ông có 6 người con và cũng đông cháu nội, ngoại. Dựng vợ, gả chồng xong thì chúng ra riêng hết. Riêng T là cháu ruột, lại ở sát nhà nên được ông tin tưởng nhờ vã. Sự việc “lật ngược” xảy ra được những người trong gia đình vận động và ông Phước cũng “năn nỉ” cháu gửi lại số tiền để ông dưỡng già và trang trải nợ nần, nhưng không được T thực hiện. Buộc lòng, ông Phước phải “nuốt nước mắt vào trong”, khởi kiện cô cháu gái đến TAND huyện Bắc Bình.
Không chứng minh được nguồn gốc tiền
Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, TAND huyện Bắc Bình đã mời các bên lên làm việc và hòa giải, nhưng không thành nên ngày 15/12/2022 vừa qua, tòa đã đưa vụ án ra xét xử.
Tại phiên tòa và theo biên bản lời khai, T cho rằng mình không giới thiệu những người đến mua đất và ông Phước bán đất cho ai, bao nhiêu tiền T đều không biết. 500 triệu đồng là số tiền do mình làm ăn giao dịch mà có và tiền của cha mẹ đưa cho T để gửi ngân hàng. Vì vậy T không đồng ý trả số tiền 500 triệu đồng cho ông Phước. Trong ngày 21/1/2021, T và ông Phước cùng đến ngân hàng theo xác nhận của nhân viên giao dịch là không đúng, đó chỉ là sự trùng hợp. T cho rằng mình không nhận cuộc gọi từ ông Nguyễn Việt Thảo (công chức tư pháp), khi ông Phước cùng nhiều người thân tìm đến UBND thị trấn Lương Sơn nhờ hướng dẫn làm thủ tục khởi kiện, trong đó có việc ông Thảo điện thoại cho T, mở loa ngoài và T thừa nhận số tiền 500 triệu đồng là của ông Phước và T chỉ đứng tên giùm. T đang là kế toán cho 1 trường tiểu học, thu nhập của T bao nhiêu hàng tháng, thì T cũng không trả lời cho tòa án. Ông Phước có 6 người con và rất nhiều cháu nên không thể đến lượt T là người được ông tin tưởng cho đứng tên sổ tiết kiệm như ông Phước khai… Về sổ tiết kiệm, sau khi ông Phước đem sổ đến ngân hàng yêu cầu giải quyết, thì T đã báo mất sổ đứng tên mình (nhưng thực tế ông Phước đang cất giữ) và được ngân hàng cấp lại sổ tiết kiệm mới.
Nhận định của tòa
Căn cứ vào trình bày của các đương sự và của luật sư hỗ trợ pháp lý cho ông Phước; các nhân chứng, cũng như quan điểm của đại diện viện kiểm sát, các tài liệu chứng cứ mà tòa thu thập được trong quá trình thụ lý vụ án, Hội đồng xét xử nhận thấy, ông Phước có bán đất và số tiền 500 triệu đồng ông gửi tiết kiệm ngân hàng là có nguồn gốc rõ ràng. Về nguồn gốc tiền mà T gửi ngân hàng, trong quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần đề nghị chứng minh, nhưng T không đưa ra được chứng cứ. Mẹ ruột của T cũng không chứng minh được nguồn tiền cho con gửi tiết kiệm và phần của bà trong số 500 triệu đồng T gửi ngân hàng là bao nhiêu, như lời T khai.
Việc ông Phước có đến ngân hàng vào ngày 21/1/2021 cùng với T cũng được nhân viên giao dịch ngân hàng là chị NĐAT xác định. Chính chị AT là người đã làm sổ và hôm ấy chỉ phát hành 1 sổ tiết kiệm 500 triệu đồng đứng tên của T. Do vậy không có việc T chỉ đến một mình và trùng hợp vào ngày ông Phước cũng đến ngân hàng, nên việc 2 ông cháu cùng đến mở sổ tiết kiệm là có căn cứ. Về mệnh giá tiền gửi, ông Phước cũng nhớ và xác định chính xác, còn riêng T thì không xác định với lý do… vì lâu quá nên quên. Về chứng cứ từ ông Nguyễn Việt Thảo, công chức tư pháp cũng được tòa ghi nhận, bởi có nhiều người làm chứng cùng nghe rõ T nói: "Tiền này là của ông nội, nhờ T đứng tên…”. Việc T trả lời anh Thảo là khách quan, không bị ép buộc. Lời khai của anh Thảo phù hợp với lời khai của ông Phước về việc ông có nhờ T đứng tên giùm...
Với những chứng cứ nêu trên và nhiều chứng cứ quan trọng khác, trong đó có đoạn ghi âm giữa anh Hiệp và mẹ của T, Hội đồng xét xử quyết định tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn là T phải trả lại cho ông Phước số tiền 500 triệu đồng và lãi suất theo sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Argibank Chi nhánh Lương Sơn.
Phiên tòa kết thúc trong lặng lẽ, ông Phước ngồi thẩn thờ trong phòng xử án, phần vì mệt mỏi, phần vì bi kịch của gia đình. Ông Phước và những người thân đi cùng đến tòa không một ai nở nụ cười, dù được tuyên thắng án. Bởi sâu trong mắt ông và họ, T dù gì cũng là cháu nội, là máu mủ ruột rà. Ở tuổi gần đất xa trời như ông Phước có lẽ không mong gì hơn là nhìn thấy con, cháu hòa thuận, vui vẻ và thương yêu nhau, để ông sống những ngày tháng còn lại trong niềm vui, hạnh phúc của tuổi già.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ky-su-phap-dinh-nuoc-mat-noi-roi-105066.html