Kỹ sư Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đầu tiên
NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamKỹ sư Trần Đăng Khoa là một chính trị gia nổi tiếng, một trí thức chuyên sâu có những đóng góp to lớn cho ngành thủy lợi Việt Nam. Ông trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I và là Ủy viên Ủy ban Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ năm 1955 đến 1988.
Trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I
Trần Đăng Khoa sinh năm 1906 trong một gia đình nghèo ở làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, ngoại ô thành phố Huế. Mặc dù gia cảnh khó khăn, song bố mẹ vẫn chạy vạy để con trai có điều kiện theo học trường làng. Nhờ chăm học và học giỏi, ông thường đứng nhất, nhì lớp trong suốt thời gian học tiểu học, trung học, được các thầy cô giáo quý mến và bàn với gia đình thống nhất đặt tên mới là Trần Đăng Khoa với hy vọng sau này sẽ thành đạt, làm rạng rỡ cho xóm làng.
Nhân dịp Trường Cao đẳng công chính mở đợt tuyển sinh, Trần Đăng Khoa nộp đơn thi và đỗ đầu khóa thi đó. Học được một thời gian, ông xin thi vượt cấp lên cán bộ kỹ thuật bậc I và lại đỗ đầu.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng công chính (1925 - 1928), ông học tiếp theo hình thức hàm thụ trường kỹ sư Eyrolles Paris và thi đậu tham sự bậc trên vào năm 1928, rồi tiếp tục thi đậu kỹ sư công chính vào năm 1932.
Tốt nghiệp kỹ sư, ông được bổ nhiệm về phụ trách phòng kỹ thuật của cơ quan công chính miền Nam Trung Bộ, trong đó có những con đường chiến lược Tây Nguyên, như đường 14, đường 19 và hệ thống thủy lợi, như hệ thống Phan Rang, hệ thống Tuy Hòa cùng các hồ nước lớn, như Cam Ly (Hồ Xuân Hương - Đà Lạt), Thủy Thiện (Bình Định), các trạm thủy điện Ankoet (Đà Lạt), dự án công trình Danhim, dự án Cảng Cam Ranh, các hệ thống cung cấp nước trong thành phố Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết...
Như ông thường kể trong các buổi sinh hoạt Mặt trận: “Với khối lượng công việc khổng lồ và đa dạng đó đã giúp tôi trưởng thành nhanh chóng về mặt chuyên môn và vì vậy được bạn bè, đồng nghiệp nể phục”. Tuy say sưa với chuyên môn, song kỹ sư Trần Đăng Khoa lại rất nhiệt tình với công tác xã hội. Ông đã cùng bạn bè xây dựng câu lạc bộ thể dục thể thao ở Nha Trang, vận động thanh niên tham gia rèn luyện thân thể, tổ chức các tổ thanh niên, học sinh có trình độ học vấn tham gia truyền bá chữ quốc ngữ và tham gia Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Thông qua các hoạt động xã hội, mà thực chất là do Mặt trận Việt Minh khởi xướng, ông đã đến với cách mạng, như ông từng thừa nhận, một cách rất tự nhiên. Đầu năm 1945, ông gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam - đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam mới được thành lập ngày 30.6.1944 tại Hà Nội do Luật sư Dương Đức Hiền làm Chủ tịch và là một thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh.
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng ở Khánh Hòa được thành lập, Trần Đăng Khoa được cử làm Ủy viên Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa, đồng thời chính quyền miền Trung phân công ông phụ trách giao thông công chính miền Nam Trung Bộ.
Sau 101 ngày đêm chiến đấu dũng cảm kìm chân địch, chính quyền cách mạng Khánh Hòa rút lên chiến khu. Kỹ sư Trần Đăng Khoa được Chủ tịch UBND cách mạng miền Trung Trần Hữu Dực điều ra Huế và bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công chính Trung Bộ. Ngày 31.12.1945, Ủy ban Kiến thiết quốc gia được thành lập, ông được Hồ Chủ tịch cử tham gia là thành viên của Ủy ban.
Ngày 6.1.1946, kỹ sư Trần Đăng Khoa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I. Do yêu cầu công tác, ông và gia đình được Trung ương điều ra Hà Nội, được Hồ Chủ tịch tín nhiệm cử là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính trong Chính phủ liên hiệp thay ông Đào Trọng Kim.
Để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 5 giờ chiều 19.12.1946, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và gia đình cùng các thành viên Chính phủ rời Hà Nội lên chiến khu để tiếp tục kháng chiến.
Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa I ra Nghị quyết tách Bộ Giao thông - Công chính thành Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thủy lợi, ông được Quốc hội cử là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đầu tiên của nước ta.
Thu đông 1947 ngày 7.10, Pháp mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Cụ Nguyễn Văn Tố - Chủ tịch Quốc hội Khóa I bị địch bắt, tra tấn và bị giết tại Bắc Kạn; nhiều cơ quan bị địch đánh phá và thiệt hại nặng nề. Sau vụ việc đó, một số nhân sĩ, trí thức và Nhân dân ở Hà Nội và miền xuôi tản cư lên hoang mang, dao động. Để ổn định tình hình, Chính phủ tổ chức những đặc ủy đoàn xuống các địa phương. Ông được phân công cùng Linh mục Phạm Bá Trực - Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội và Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đi ổn định tình hình ở các tỉnh thuộc Liên khu III, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân về báo cáo với Chính phủ và Quốc hội.
Sau năm 1954, với tư cách là tư lệnh ngành thủy lợi, thực hiện kế hoạch 3 năm phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã đề ra, ông chủ trương triển khai phục hồi hệ thống thủy lợi cũ bị địch đánh phá và xây dựng những công trình thủy lợi, thủy điện mới, điển hình là hệ thống thủy lợi Sông Chu, đập Bái Thượng; đại công trình thủy nông Bắc - Hưng - Hải và thủy điện Tà Sa, Nà Ngần ở Cao Bằng; thủy điện Hồ Ba Bể...
Quan tâm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
Song song với công việc chuyên môn, ông luôn quan tâm đến việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đến công tác Mặt trận.
Quán triệt chủ trương, phương hướng về Mặt trận dân tộc trong giai đoạn mới của cách mạng, ngày 11.1.1955, Hội nghị đại biểu Liên Việt toàn quốc họp tại Hà Nội để tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách của Mặt trận và hoạt động của Liên Việt từ sau khi hòa bình lập lại. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và thành lập Ban Vận động chuẩn bị Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc. Kỹ sư Trần Đăng Khoa được cử vào Ban Vận động có nhiệm vụ xây dựng các văn kiện của Đại hội cũng như đề xuất nhân sự của Ủy ban. Từ ngày 5 - 10.9.1955, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc.
Tại Đại hội, cụ Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, tuyên bố thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhấn mạnh: 10 năm qua, Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và từ nay sẽ hòa mình vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đại hội đã bầu ra Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 84 thành viên thuộc đủ các chính đảng, đoàn thể Nhân dân, các dân tộc và tôn giáo. Đảng Dân chủ có 3 vị là ông Dương Đức Hiền - Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tham gia Đoàn Chủ tịch; ông Đỗ Đức Dục và ông Trần Đăng Khoa được cử làm Ủy viên. Cuối năm 1958, kỹ sư Trần Đăng Khoa được bầu bổ sung vào Ủy viên Đoàn Chủ tịch và tại Đại hội II, diễn ra từ 25 - 29.4.1961 cũng như Đại hội III, diễn ra từ ngày 14 - 16.12.1971, ông tiếp tục được bầu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được Ủy ban cử vào Đoàn Chủ tịch.
Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước diễn ra từ ngày 31.1 đến 4.2.1977, kỹ sư Trần Đăng Khoa được bầu vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban tín nhiệm cử vào Đoàn Chủ tịch. Ông đảm nhiệm cương vị đó cho đến khi qua đời.
Với 34 năm liên tục hoạt động trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có 29 năm trong Đoàn Chủ tịch, kỹ sư Trần Đăng Khoa đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, không ngừng mở rộng hàng ngũ Mặt trận trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.