Kỹ sư trẻ 'biến' đất cát khô cằn thành vườn lan bạc triệu

Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, kỹ sư Lê Văn Tổng (SN 1991, tại xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn và thành công khi mang hoa lan đem trồng trên đất cát khô cằn của quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê thuần nông Phú Vang (Thừa Thiên Huế) với phần lớn diện tích là đất cát. Trước đây, những diện tích đất này thường được trồng keo tràm, thậm chí một số nơi bị bỏ hoang. Hiểu được thực tại này, trong đầu anh Lê Văn Tổng đã luôn ấp ủ ý tưởng phải làm sao biến nơi đây thành những khu rừng cây đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn hoa lan được trồng trên cát của anh Lê Văn Tổng.

Vườn hoa lan được trồng trên cát của anh Lê Văn Tổng.

Nhờ gia đình có diện tích đất vườn tương đối rộng nên lúc đầu anh và người thân đã bắt tay vào trồng cây bạch đàn và trồng xen lẫn một số cây hoa màu khác. Tuy nhiên do mới tiếp cận lĩnh vực mới cộng với những khó khăn do đất cát cằn cỗi, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật chưa nhiều nên anh đã nhiều lần gặp thất bại.

“Ngay từ lúc mới bắt đầu lập nghiệp, tôi đã đầu tư trồng cây bạch đàn, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đã thất bại. Tiếp đó tôi tiếp tục vay vốn, đầu tư trồng rừng, phải chờ đợi 4 đến 5 năm mới được thu hoạch nhưng thu nhập mang lại cũng không cao”, anh Tổng tâm sự.

Với quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương anh Tổng đã tự học hỏi những kỹ thuật trồng cây tại các mô hình sản xuất kinh doanh tiên tiến trên những vùng đất cát. Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng, năm 2017, chàng kỹ sư trẻ đã quyết định trồng cây hoa lan trên đất cát.

Sau hơn 2 năm gây dựng, đến nay, anh đã có hơn 500 m2 với 4.000 gốc lan Moraka được nhập từ Thái Lan và đang cho thu hoạch.

Vườn lan của anh Tổng đang có hơn 4000 gốc cho thu hoạch

Vườn lan của anh Tổng đang có hơn 4000 gốc cho thu hoạch

“Sau khoảng 8 tháng trồng, chăm sóc lan đã ra hoa và có thể thu hoạch. Mỗi lần trồng lan có thể cho thu hoạch trong vòng 6 – 8 năm. Mỗi gốc lan cứ chu kỳ 1,5 tháng là có thể cho thu hoạch 01 cành, ước tính mỗi năm có thể thu hoạch được 6 cành/1 gốc và với giá thành giao động từ 6.000 – 8.000 đồng/cành tùy thời điểm dự tính khoảng 4 năm có thể thu hồi lại số vốn 400 triệu đồng đã đầu tư”, anh Tổng chia sẻ về tương lai đầy hi vọng với mô hình trồng lan trên cát của mình.

Cũng theo chia sẻ của anh Tổng, dù anh không phải là người đầu tiên thực hiện việc trồng lan trên cát tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy nhiên, đến nay chàng thanh niên tự tin rằng mình là người đang vận hành tốt mô hình này.

“Khi mình cắt cành, gốc lan sẽ lên cao nhưng mình có thể hạ gốc xuống. Hiện tại, trang trại lan của tôi cũng không tốn công nhiều, chỉ cần mẹ và tôi tranh thủ thời gian là có thể vận hành được vì cơ bản việc chăm sóc đã được tự động hóa. Ví dụ như tưới nước thì đã có hệ thống vòi phun bắt sẵn, sâu bệnh đã có thuốc đặc trị”, anh Tổng chia sẻ thêm.

Nhiều cá nhân, tổ chức, đang về tìm hiểu mô hình trồng lan trên cát của chàng chàng kỹ sư Lê Văn Tổng để làm theo

Nhiều cá nhân, tổ chức, đang về tìm hiểu mô hình trồng lan trên cát của chàng chàng kỹ sư Lê Văn Tổng để làm theo

Không chỉ vươn lên và đi đầu trong việc áp dụng mô hình kinh tế mới, anh Tổng còn phổ biến kiến thức, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhiều người xung quanh hướng dẫn các hộ dân trồng cây lan đúng kỹ thuật bảo đảm mật độ và các quy định về trồng cây lan trên cát.

Hiện tại, có nhiều tổ chức, cá nhân đang về tìm hiểu mô hình trồng lan trên cát của chàng thanh niên này để làm theo. Anh Tổng lưu ý rằng, trồng lan cần chú ý đến bệnh bọ trĩ, rệp sáp, ốc sên… và một số loại bệnh do nấm, vi khuẩn như thôi đen ngọn, thán thư… Tuy nhiên, các loại bệnh này đều có thuốc đặc trị.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mô hình trồng hoa lan trên cát của anh Tổng và gia đình là một hình mẫu làm kinh tế mới rất đáng được khích lệ.

"Về ý tưởng trồng lan trên cát chúng tôi rất ủng hộ vì đây là một ý tưởng hay sẽ đem lại nhiều lợi ích cho lớp trẻ sau này, làm giàu cho đất nước. Anh Tổng và gia đình cần quảng bá hơn nữa để mô hình được biết đến nhiều hơn, nhân rộng nhiều hơn”, ông Tư nhấn mạnh.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/ky-su-tre-bien-dat-cat-kho-can-thanh-vuon-lan-bac-trieu-d161653.html