Ký sự từ 'bức tường lửa' biên thùy
Tôi gặp họ, những người nhập cảnh trái phép qua biên giới bị cán bộ Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng phát hiện, ngăn chặn và đưa về khu cách ly trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong số đó, có cả người phụ nữ bụng chửa kềnh, líu ríu dắt theo con nhỏ mà cháu bé thì ống chân lam nham máu chảy do luồn rừng, lội suối. Họ lả đi sau nhiều quãng đường chạy bộ, cầm lấy mì gói nhai ngấu nghiến vì quá đói. Áo quần thì bê bết bùn đất, chân phồng rộp.
Tháng 8-2020, đều đặn mỗi ngày có gần hai chục người nhập cảnh trái phép vào khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Quang Long quản lý. Cả tỉnh Cao Bằng, trong 6 tháng qua, có khoảng gần 7 nghìn người xuất, nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ và đưa về khu cách ly tập trung.
Địa điểm do Đồn Biên phòng Quang Long quản lý “nóng nhất” về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và hiện có tới 9 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 án ngữ ở các đường mòn, lối mở. Cùng Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Long, Thiếu tá Cao Văn Thành đi dọc tuyến biên giới, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ tiếp tục đẵn tre nứa, buộc dây thép, trùm bạt dã chiến để gia cố thêm các chốt do tình hình xuất, nhập cảnh trái phép gia tăng.
Đêm ấy, chúng tôi theo các chiến sĩ đi tuần tra. Đường biên giới trơn trượt, các đoạn đường vỡ từng mảng bê tông. Ngồi trên xe ô tô, người cứ nảy bật tận nóc. Đến khúc đi bộ, tôi cùng Thiếu tá Đặng Văn Hưng, Tổ trưởng tổ công tác Pác Ty, phụ trách một chốt Biên phòng cách Đồn Biên phòng Quang Long gần chục cây số, cứ thế luồn rừng.
Thiếu tá Hưng kể: “Có nhiều người nhập cảnh trái phép qua biên giới bị tổ chốt chặn phát hiện, tạm giữ. Có chị chửa bụng to vượt mặt, trông rất tội nghiệp”.
Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Hà, một cô gái trẻ người Nghệ An đang mang thai. Hà đi lấy chồng ở vùng Nam Ninh, Trung Quốc qua mai mối. Làm vợ người đàn ông mà hai bên không biết tiếng của nhau, sinh được một đứa con rồi, giờ mang thai đứa thứ hai, không có đăng kí kết hôn và cư trú bất hợp pháp bên kia biên giới.
Vì lấy chồng không “chính danh”, nên Hà phải trốn về Việt Nam qua đường mòn biên giới khi dịch ập đến, cơ quan quản lý phía Trung Quốc tiến hành kiểm tra gắt gao. Các đối tượng đưa dẫn Hà trở về Việt Nam yêu cầu Hà đưa gần 10 triệu đồng. Chúng lấy tiền rồi hứa, đưa đến tận biên giới, có người đón và được về nhà ngay. Nhưng chúng lại thả người ở khu vực rừng núi rất xa.
Hà và một người (đến giờ Hà chưa kịp hỏi tên) cứ thế chạy, mệt lả rồi đi bộ. Cái thai 4-5 tháng lùm lùm khiến Hà kiệt sức. Đến lúc không thở được nữa, thì nghe thấy tiếng hô bằng tiếng Việt của cán bộ Biên phòng, Hà mừng quá, biết là mình đã sống, dẫu là đã “bị bắt”. Hà nghe loáng thoáng có anh Biên phòng nói với đồng đội: “Có phụ nữ mang thai, đồng chí nấu nước nóng và pha mì tôm sẵn cho mẹ con cô ấy nhé”. Hà đã khóc.
“Được ăn, được tắm rửa và chăm sóc tử tế, giờ, em không muốn gì hơn là được cách ly 14 ngày thật tốt rồi về với bố mẹ ở quê” - Hà giãi bày.
Anh Nguyễn Thế Lương, sinh năm 1975, người Tiên Lãng, Hải Phòng, xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới đi làm thuê, trồng cây cảnh và làm đồ nhựa. Nghe người môi giới nói là lương cao, việc nhàn, quê thì đang đói kém, không biết tìm đâu được kế sinh nhai, thế là anh Lương lên đường đi đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cùng cậu con trai 18 tuổi. Cậu con trai vừa bỏ ngang việc học và cũng chưa biết làm gì để sống.
Xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, đất nước rộng lớn, đang điên đảo vì dịch, chẳng ai thuê mướn, bố con anh Lương lại trốn chui trốn nhủi, trong khi kẻ môi giới thì cao chạy xa bay. Hai bố con tính đường về nước, rau cháo nuôi nhau.
Qua dò hỏi, có người bảo với bố con anh, đi về Việt Nam qua biên giới Cao Bằng là gần nhất. Anh Lương bỏ ra 5 triệu đồng, thêm 5 triệu đồng “chạy” cho con trai. Thế là lên đường “hồi hương”, thực chất là nhập cảnh trái phép...
...Chúng tôi lại đi xuyên đêm, xuyên ngày, vượt đèo dốc, lắm lúc đằm trong bùn đất, đẩy xe, cuốc bộ tóe máu chân, để đến với các điểm chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép thuộc Đồn Biên phòng Cô Ba, BĐBP Cao Bằng. Một tấm bạt mỏng manh, cuộc sống sinh hoạt vất vả bên các điểm chốt sau vách núi, giữa hoang vu.
Đã gần 200 ngày trôi qua, cán bộ, chiến sĩ sống trong cảnh không có điện lưới, nước sinh hoạt đi khiêng từ xa về. Nhiều điểm chốt không có sóng điện thoại và internet, không nhà vệ sinh và nhà tắm. Lúc sương mù về thì chăn đệm ướt sũng, lúc nắng nỏ thì lều bạt hầm hập như buồng xông hơi. Bữa đến, các anh lại ra rừng hái hoa chuối, bắt tổ ong bò vẽ, vặt cây riềng rừng về cải thiện. Họ đã nhận về mình bao gian khó, hiểm nguy, để lập nên “bức tường lửa” dọc biên cương, ngăn đại dịch cho đồng bào mình.
“Khi Tổ quốc gọi tên mình, thì chúng tôi không quản ngại” - Thiếu tá Hoa Văn Quyết, chốt Biên phòng 566, Đồn Biên phòng Cô Ba nói với tôi như vậy, trong một đêm mịt mù ở cách cột mốc quốc giới 3m. Tôi đã rưng rưng và chắc sẽ không bao giờ quên được xúc cảm của mình lúc đó...
Đó là một nhiệm vụ thiêng liêng và những gì mà những người lính Biên phòng đã và đang làm thật đáng để cảm phục.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-su-tu-buc-tuong-lua-bien-thuy-post432432.html