Kỳ thi đại học đầy áp lực ở Hàn Quốc đe dọa sức khỏe tâm thần, nặng về học thuộc

Kỳ thi đầu vào đại học ở Hàn Quốc nổi tiếng là đầy áp lực và có ảnh hưởng đến vận mệnh các thí sinh sau này. Nhưng kỳ thi này cũng đang bị chỉ trích là thiếu toàn diện, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh, khuyến khích 'học lò'...

Ngày 18/11 hàng năm là ngày đặc biệt ở Hàn Quốc vì các thí sinh toàn quốc sẽ dự thi đầu vào đại học. Kỳ thi này khét tiếng đầy áp lực và ảnh hưởng nhiều đến tương lai của các em. Ngày nay, kỳ thi này gặp phải nhiều chỉ trích do tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần trong thanh thiếu niên và quá phụ thuộc vào học thuộc lòng.

Mẹ ôm động viên con trước giờ thi ở Hàn Quốc thời Covid-19. Ảnh: Reuters.

Mẹ ôm động viên con trước giờ thi ở Hàn Quốc thời Covid-19. Ảnh: Reuters.

Cầu nguyện công phu trước kỳ thi vào đại học

Vào một chiều tháng 11, Hàn Quốc ngập tràn sắc đỏ mùa thu của cây cỏ. Đây cũng là lúc một đám đông tiến về ngôi đền Jogyesa ở quận Jongno sầm uất nằm tại trung tâm thủ đô Seoul.

Hàng năm, cứ vào dịp này, cha mẹ cũng như ông bà của các em học sinh Hàn Quốc lại viếng thăm ngôi đền lịch sử này để cầu cho con cháu của họ sẽ đỗ đạt trong kỳ thi đầu vào đại học khét tiếng về áp lực lớn. Kỳ thi này được gọi chính thức là Cuộc kiểm tra Học lực vào Đại học (CSAT) và gọi tắt trong tiếng Hàn là Suneung.

Một đám đông theo dõi các nhà sư cầu kinh bên ngoài đền Jogyesa, còn bên trong, một nhóm khác đã hoàn thành ngày cuối cùng trong chế độ cầu nguyện Suneung dài tới 100 ngày. Độ dài của nghi thức này phản ánh tầm vóc của kỳ thi.

Trong kỳ thi kéo dài 8 tiếng đồng hồ, tất cả các học sinh sẽ được chấm điểm bằng thang điểm từ 1 đến 9 (trong đó 9 điểm là mức cao nhất) cho mỗi một môn học chính gồm tiếng Hàn, toán, tiếng Anh, và Lịch sử Hàn Quốc...

Các điểm số trên sẽ ảnh hưởng nhiều đến tương lai các em học sinh, từ trường đại học mà các em sẽ được theo học, đến nghề nghiệp, thu nhập, và cả chuyện tình cảm riêng tư.

Không chỉ các bậc phụ huynh, các em học sinh, mà cả xã hội Hàn Quốc đều cảm nhận được gánh nặng của kỳ thi này.

Vào ngày diễn ra kỳ thi đầu vào đại học đó, xã hội Hàn Quốc sẽ làm nhiều điều để tránh gây xao nhãng cho các sĩ tử: Thị trường chứng khoán mở muộn hơn thường lệ một tiếng đồng hồ, các chuyến bay đến được điều chỉnh lịch bay để tránh hạ cánh vào các giờ thi quan trọng. Chính quyền cũng tăng cường các dịch vụ vận tải công cộng để ngăn ngừa tắc nghẽn giao thông. Nhân viên cảnh sát thậm chí còn tham gia hộ tống những thí sinh đến muộn.

Kỳ thi Suneung được giới thiệu vào năm 1994. Từ đó đến nay, người ta dần dần đặt câu hỏi về hiệu quả của kỳ thi này trong việc chuẩn bị hành trang cho giới trẻ.

Giới phê bình cho rằng kỳ thi này giờ đã thiên về một cuộc sát hạch độ giàu có – một phép đo khả năng cha mẹ của học sinh chu cấp cho các em theo học các lò luyện thi nở rộ khắp nơi. Giới phê bình còn đặt dấu hỏi về đặc điểm của kỳ thi là đề cao học vẹt và ghi nhớ các sự kiện thay vì sự sáng tạo.

Kỳ thi cũng bị chỉ trích vì đã tạo ra một hệ thống dán nhãn người trẻ là “kẻ thắng hoặc người thua” trong giáo dục và cuộc sống nói chung chỉ dựa trên cơ sở thành tích trong một ngày thi. Do vậy, giới phê bình cho rằng không có gì ngạc nhiên khi kỳ thi này thường xuyên gắn liền với các vấn đề sức khỏe tâm thần và thậm chí cả các vụ tự tử trong giới trẻ.

Nhiều người Hàn Quốc hiện nay yêu cầu cải tiến hệ thống khảo thí để khuyến khích cách tiếp cận toàn diện hơn đối với chuyện học hành và giảm áp lực lên thanh thiếu niên.

Đền Jogyesa, nơi cha mẹ và ông bà người Hàn Quốc cầu nguyện cho con cháu thi đỗ đại học. Ảnh: David Lee.

Đền Jogyesa, nơi cha mẹ và ông bà người Hàn Quốc cầu nguyện cho con cháu thi đỗ đại học. Ảnh: David Lee.

Khảo thí độ giàu và trí nhớ, kéo theo tình trạng học lò

Lee Yoon-kyoung – giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia ủng hộ nền Giáo dục thực sự, nói: “Đây không phải là cách đánh giá công bằng. Kết quả kỳ thi Suneung hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ học thêm mà học sinh nhận được... Các em mà chỉ học tại trường phổ thông thì không đủ kiến thức để thi vào đại học. Các em phải đi học tại các lò luyện thi”.

Bà Lee giải thích rằng mặc dù các trường phổ thông tập trung theo sát chương trình giảng dạy do chính quyền đề ra, các đề thi xuất hiện trong kỳ thi Suneung lại thường được xây dựng riêng và không phải lúc nào cũng phản ánh nội dung được giảng dạy trong trường phổ thông.

Do đó, rất phổ biến hiện tượng học sinh chú ý đến tài liệu học thêm chuyên để luyện thi hơn là các nội dung trên các chương trình phát thanh truyền hình giáo dục của Hàn Quốc.

Học sinh lớp 12 – lớp cuối cấp, thường hay tìm cớ để bỏ các lớp học phổ thông nhằm dành thời gian đi lò luyện thi và học riêng. Đã có thông tin về các vụ học sinh nghỉ cả học tại trường phổ thông để tập trung vào ôn thi đại học.

Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục Hàn Quốc, trong số 509.821 học sinh phổ thông đăng ký dự thi đại học năm 2021 này, có tới 14.277 em hoặc bỏ luôn việc học tại trường phổ thông hoặc đi học thất thường.

Bà Lee cho rằng tại các lớp học phổ thông rất phổ biến cảnh tượng các học sinh ngủ gật do tình trạng đi học lò vào buổi đêm hoặc mặc kệ thầy cô giảng bài để tập trung nghiền ngẫm tài liệu ôn thi đại học.

Bà Lee nhận định: “Theo một nghĩa nào đó, kỳ thi đầu vào đại học Suneung đang phá hủy nền giáo dục phổ thông”.

Ngành giáo dục tư nhân của Hàn Quốc trị giá tới 9.300 tỷ won (tương đương 7,9 tỷ USD) vào năm 2020, trong đó khoảng 5,35 triệu em học sinh tiếp nhận hình thức học này hay khác.

Một báo cáo vào năm 2018 của Statistics Korea chỉ ra rằng 93,7% học sinh đi học thêm ở các mức độ khác nhau. Trong số này, 97% đi học lò và 85% dự các lớp luyện thi vào kỳ nghỉ cuối tuần.

Bà Lee tiếp tục: “Sinh hoạt học đường gần như đồng nghĩa với sự giam lỏng. Và các bậc phụ huynh cũng bị ràng buộc, dành hết lương cho chuyện học thêm của con em mình, cũng như thời gian và sức lực để chăm sóc các em”.

Nữ sinh Yoon Cho-eun, 18 tuổi, nhận xét: “Hầu hết học sinh học để nắm được các dạng đề thi vào đại học để có cơ thi đỗ, chứ không phải là học vì yêu thích hay khám phá. Kiến thức mà chúng em nhồi nhét là loại thông tin sẽ trôi tuột khỏi não bọn em ngay khi kỳ thi kết thúc”.

Áp lực thi dẫn tới vấn đề tâm thần và tự tử

Áp lực điểm số từ kỳ thi được coi là một trong các nhân tố dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong giới trẻ Hàn Quốc.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong các năm gần đây, số ca tử vong trong nhóm đối tượng từ 9-24 tuổi ở Hàn Quốc đã tăng đều đặn. Năm 2019, nhóm này có 876 vụ tự tử (tức trung bình 9,9 vụ trong 100.000 thanh thiếu niên). Trong một số vụ, Suneung được xác nhận là nguyên nhân trực tiếp.

Bà Lee nói: “Điều quan trọng là phải làm thế nào đó để các thí sinh nào không làm bài tốt trong ngày thi sẽ không tự coi mình là kẻ thất bại”.

Bà Lee muốn hệ thống tính điểm của kỳ thi này được thay thế bằng hệ thống đơn giản hơn, gồm chỉ có đỗ và trượt, vì bà cho rằng như vậy sẽ giảm áp lực khiến các thí sinh phải ganh đua với người ngồi thi cạnh mình. Theo bà, hệ thống hiện nay khiến con trẻ phải giẫm đạp lên nhau để vươn lên tầm cao hơn.

Nỗ lực cải cách

Cựu giáo viên trung học Song In-soo đã trở thành nhà hoạt động cổ xúy cải cách hệ thống giáo dục Hàn Quốc trong 2 thập kỷ qua. Năm 2008, ông đã lập ra một tổ chức chuyên khắc phục tâm lý ám ảnh về học thêm tại nước này.

Ông Song nhớ lại: “Ngay học sinh lớp 3 đã ôn luyện cho kỳ thi vào trường chuyên, rồi đại học”.

Kể từ năm 2008, tổ chức của Song In-soo nỗ lực hướng các doanh nghiệp công ích và các trường đại học vào việc tuyển dụng hoặc tuyển sinh không dựa trên nền tảng học tập của thí sinh.

Tổ chức này cũng đấu tranh để loại bỏ dần các trường phổ thông đẳng cấp (chuyên dành cho con nhà giàu) vào năm 2025 để nhường chỗ cho các trường phổ thông bình thường đón nhận đông đảo con em các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, ông Song nhận định, mức độ cạnh tranh thái quá trong kỳ thi đầu vào đại học còn là do phương thức tuyển dụng tại các công ty.

Áp lực từ kỳ thi Suneung bắt nguồn từ việc nếu thiếu bảng điểm tốt, học sinh sẽ không thể vào các trường đại học tốp đầu – đây là hòn đá tảng để được nhận vào làm cho các tập đoàn lớn – mục tiêu tối thượng của nhiều người Hàn Quốc.

Liên quan đến điều này, ông Song đang cố gắng bảo đảm với các bậc phụ huynh rằng có những con đường khác dành cho con em họ - có những lĩnh vực và những công ty ít nhấn mạnh đến thành tích học tập khi tuyển dụng.

Cụ thể, nhóm của Song In-soo đang chuẩn bị một chiến dịch nhận diện các công ty tuyển dụng các nhân viên toàn diện và chia sẻ các phương pháp tuyển dụng này với các hãng khác. Ông Song đang hy vọng về một cộng đồng gồm các “công ty tốt” như thế này.

Ông Song nói: “Chúng ta cần chấm dứt chu trình học sinh lãng phí 20 năm cuộc đời để học nhồi nhét nhằm đạt thành tích học thuật cao rồi sau đó trở thành các cá nhân ích kỷ hoặc kẻ thất bại nếu trượt kỳ thi đại học”./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/ky-thi-dai-hoc-day-ap-luc-o-han-quoc-de-doa-suc-khoe-tam-than-nang-ve-hoc-thuoc-906785.vov