Kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP. HCM có gì mới?

Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM năm nay có số dự thi năm nay tăng khoảng 21.000. Kỳ thi tổ chức thêm tại hai địa phương mới là TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có 2.500 thí sinh và Bạc Liêu, khoảng 1.000 thí sinh. Đến nay, đã có 68.540 thí sinh hoàn tất việc đóng lệ phí, xác nhận dự thi.

Tăng 21.000 thí sinh

Ngày 22/3, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TP. HCM) cho biết, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM năm nay có 74.000 thí sinh đăng ký tham dự. Trong đó, tính đến ngày 9/3, đã có 68.540 thí sinh hoàn tất việc đóng lệ phí, xác nhận dự thi. Số thí sinh khác đang tiếp tục hoàn tất.

So với con số 53.000 thí sinh dự thi đợt 1 năm trước, số dự thi năm nay tăng khoảng 21.000. Năm nay, kỳ thi tổ chức thêm tại hai địa phương mới là TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có 2.500 thí sinh và Bạc Liêu, khoảng 1.000 thí sinh. Trong số thí sinh đăng ký thi đợt 1 năm nay, TP. HCM chiếm đông nhất, với 52.000 bạn. Kế đó, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có 5.300 thí sinh; Đà Nẵng 4.300 thí sinh; Bến Tre khoảng 4.000 thí sinh và An Giang 2.600 thí sinh. Cũng theo ông Chính, lượng thí sinh phía Bắc đăng ký thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM hằng năm hầu như rất ít. Đối tượng đăng ký chủ yếu từ miền Trung trở vào.

Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM năm nay có số dự thi năm nay tăng khoảng 21.000.

Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM năm nay có số dự thi năm nay tăng khoảng 21.000.

Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM năm 2021 sẽ diễn ra 2 đợt vào cuối tháng Ba và đầu tháng Bảy. Đợt 1 kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật (28/3), tại đồng thời 7 địa phương gồm: TP. HCM, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Nha Trang, Đà Nẵng và Buôn Ma Thuột. Dự kiến, ngày 5/4 sẽ công bố kết quả của đợt thi này. Bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP. HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Không nên học nhồi nhét

TS Nguyễn Quốc Chính lưu ý, từ nay đến thời điểm thi là khoảng thời gian rất ngắn, thí sinh không nên học “nhồi nhét” kiến thức, thay vào đó, hãy hệ thống lại kiến thức trọng tâm để có thể thực hiện bài thi tổng quát, hoàn chỉnh. Các bạn có thể tải những đề thi mẫu mà ĐHQG TP. HCM đã từng công bố để giải thử, làm quen, rèn kỹ năng, thao tác làm bài. Bên cạnh đó, các bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, đặc biệt nên tìm hiểu kỹ địa điểm thi, phòng thi của mình trước. Vì kỳ thi này không có buổi làm thủ tục dự thi, nếu không tìm hiểu trước, khó tránh khỏi lúng túng.

Ở đợt 2, thí sinh sẽ có 1 tháng tham gia đăng ký dự thi, bắt đầu từ ngày 4/5 đến 4/6. Dự kiến, đợt 2 kỳ thi diễn ra ngày 4/7 (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT) tại 4 địa phương là: TP. HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12/7.

Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng chung cho cả 2 đợt thi từ ngày 4/5 đến 4/6, tức sau thi đợt 1 và trước khi thi đợt 2. Có khoảng 70 trường đại học, cao đẳng dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển năm 2021.

Sau một năm tạm dừng kỳ thi kiểm tra năng lực vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm 2021, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) sẽ chính thức tổ chức trở lại kỳ thi này vào ngày 29 và 30/5. Kỳ thi dành cho tất cả thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc dự kiến tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của Bộ GD - ĐT. Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ ngày 1/4.

Kỳ thi kiểm tra năng lực được trường ĐH Quốc tế tổ chức từ năm 2017, nhằm đánh giá dựa trên thế mạnh của thí sinh. Thí sinh được lựa chọn môn thi sở trường của mình, được đánh giá đúng năng lực thực tế. Năm nay, trường dành 20% - 50% chỉ tiêu tuyển phương thức này.

Quế Sơn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/ky-thi-danh-gia-nang-luc-dhqg-tp-hcm-co-gi-moi-1810452.tpo