Kỳ thị khẩu trang và sự phức tạp văn hóa
1. 'Khẩu trang' chưa được vào từ điển văn hóa thế giới như một biểu tượng nhưng nó chứa đựng những quan niệm, ứng xử văn hóa và cả những hành vi kỳ thị văn hóa. Những nghiên cứu về khẩu trang đều nhắc đến nguồn gốc các loại hình mạng che, khăn che, màn che, vải trùm (Hijab, tiếng Ả rập…) rất xa xưa của nhân loại.
Từ xa xưa, vốn nó có công dụng rất thực tế là ngăn bụi bặm và khí độc, giữ gìn sức khỏe cho thân thể và dung nhan cho mặt người. Dần dần, nó mang tính biểu tượng rõ hơn. Trong truyền thống tu hành của đạo Kitô, mạng che có nghĩa là ngăn cách mình với thế giới trần tục. Trong truyền thống Hồi giáo, những người ngoại đạo nói với Thánh Mohammad: “Giữa chúng tôi và Người có một tấm ngăn cách”.
Ở phương Đông, các tiếp xúc của người phương Tây với Trung Hoa thế kỷ XIII, ghi lại việc quốc vương có tấm che mặt và triều thần khi tấu việc thường che một tấm khăn. Họ không được ngắm long nhan của nhà vua. Nhưng khi ăn uống tiếp khách, họ cũng dùng khăn che miệng và giải thích là để không phả hơi miệng vào khách quý.
Các vị sư phái Thiền tông, cần thanh tịnh, thường định thiền trong một không gian kín, ngăn cách với tục lụy, trần ai bằng một bức màn kín. Chỗ đó gọi là Trù. Cái phần phía trước được dựng nên rộng rãi, có phần thô sơ cho phật tử đến nghe giảng thì gọi là Triền. Từ “chùa chiền” trong tiếng Việt có nguồn gốc từ hai chữ “Trù Triền” này.
Khẩu trang y tế được coi chính thức ra đời vào thế kỷ XVII. Tại nhà thương Thánh Louis, Paris, nước Pháp từ việc lây nhiễm của một nạn dịch lúc đó mà người ta cho là do chuột đen vào năm 1619. Bác sĩ Charles de Lorme cho là do tử khí bốc hơi nên chế ra một loại khẩu trang kỳ lạ với chiếc mỏ rất dài của loài chim ăn thịt động vật như mỏ cú, cũng có kính lồi đeo như mắt thú vậy. Rõ ràng là cú thì bắt chuột. Ở đây còn lưu một ý niệm mang màu sắc tín ngưỡng xa xôi. Cũng thế kỷ XVII, loại khẩu trang làm bằng một túi vải trổ hai mắt giống như mũ trùm của “xã hội đen” vậy.
Đến thế kỷ XIX, với sự phát triển của nghiên cứu về vi sinh, vi trùng và y học, chiếc khẩu trang trải qua hơn thế kỷ để có hình thức như ngày nay. Song song với nó là sự tiến bộ của tư tưởng xã hội, khẳng định quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tiếp cận thông tin và quyền thể hiện tư cách cá nhân của con người. Những chiếc khẩu trang và hành vi sử dụng nó bắt đầu tạo nên những ứng xử mới, quan niệm mới, có sự tiếp tục giá trị thực tế của nó và cũng có sự kỳ thị nó.
Nó bắt đầu mang những thông điệp tiêu cực: Con bệnh - che giấu - trộm cướp và thậm chí là vi phạm nhân quyền hoặc vi phạm nữ quyền. Có những bệnh viện ra quy định bác sĩ, y tá, nhân viên không được đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện, chỉ trừ khi trực tiếp trong phòng như chẩn bệnh và phẫu thuật. Họ một phần có lý khi những người làm nghề y phải luôn luôn khẳng định mình và cơ sở mình là sạch sẽ, an toàn, khỏe khoắn.
Những quan niệm và hành vi kiểu như vậy, cộng thêm tinh thần “kiêu ngạo văn hóa” luôn luôn coi mình mới là mẫu hình duy nhất ưu Việt (trong lòng xã hội nào cũng có) đã tạo ra sự kỳ thị không những với hành vi sử dụng khẩu trang trong đời thường mà còn kỳ thị cả những cộng đồng thừa nhận lợi ích y tế của khẩu trang, đặc biệt trong dịch bệnh.
2. Việt Nam hình như có một cách ứng xử văn hóa với khẩu trang kiểu khác. Ngoài việc từ xa xưa truyền lại khi tế lễ, những người tham gia thường mặc áo lễ (lụng thụng như áo thầy mo) và khi hành lễ, nếu quay người, đối diện với bệ thờ thánh thần, tổ tiên thì nâng hai tay thành vòng tròn ngang mặt, dùng ống tay áo rộng che mũi miệng. Đặc biệt với người đọc văn cúng, văn tế họ lại càng cẩn trọng hơn, kỹ càng hơn. Hỏi thì các cụ trả lời là người trần mắt thịt thì không dám làm “uế tạp” thần linh.
Khẩu trang y tế ở Việt Nam là tiếp biến với văn hóa phương Tây ở tính tích cực thực tiễn của nó vào đầu thế kỷ XX hoặc trước đó một ít, gắn với các nhà thương từ thiện hoặc bệnh viện công cộng. Hình ảnh áo blouse trắng và khẩu trang được nhìn nhận dưới góc độ văn minh, sạch sẽ, giữ vệ sinh chung.
Các cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng dân tộc, các đợt chủng đậu rộng rãi của chế độ mới cho nhân dân thuộc quốc gia nghèo đã làm hình ảnh người bác sĩ trên trận tuyến, người thầy thuốc trong đời sống được tôn trọng. Cùng với nó là trang phục y tế cũng được nhìn nhận thiện cảm hơn. Những quan niệm kỳ thị hay trịch thượng chưa hình thành trong xã hội.
Việt Nam đã có những thành công nền tảng nhất trong việc khống chế đại dịch và điều trị bệnh nhân. Nhưng chắc chắn con đường phía trước còn dài. Niềm tin vào các kế hoạch quốc gia, ý thức tự giác chấp hành, trách nhiệm cộng đồng và đạo đức từ thiện sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn tao loạn này.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-thi-khau-trang-va-su-phuc-tap-van-hoa-380709.html