Kỳ thi tốt nghiệp 2025: Cú hích đổi mới, 'bộ lọc' chất lượng cho tuyển sinh đại học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được đánh giá là 'bộ lọc' chất lượng cho tuyển sinh ĐH, đồng thời tạo cú hích thúc đẩy đổi mới dạy, học theo hướng thực chất.
Lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, một cột mốc quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục đã chính thức hoàn thành trên phạm vi toàn quốc.
Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Trước tiên, đây là lứa học sinh “giao thời”. Các em là thế hệ đầu tiên hoàn thành 3 năm cấp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng các cấp tiểu học và trung học cơ sở trước đó lại học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Sự chuyển tiếp này chắc chắn tạo ra những thách thức nhất định trong quá trình dạy và học.
Bên cạnh đó, so với trước đây, cấu trúc kỳ thi tốt nghiệp đã thay đổi căn bản. Cụ thể, thay vì thi nhiều môn như trước, kỳ thi được thiết kế gọn nhẹ hơn với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh được học ở lớp 12. Điều này giúp thí sinh có thể phát huy hết sở trường, lựa chọn môn thi theo nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Cấu trúc các bài thi cũng được đổi mới sâu sắc. Môn Ngữ văn thi tự luận với việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhằm đánh giá tư duy độc lập, tránh học tủ, học vẹt. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, với cấu trúc và dạng thức câu hỏi mới, tập trung đánh giá năng lực toàn diện thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ.
Với kết quả kỳ thi năm nay, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm Nguyễn Chí Thành cho rằng, kỳ thi đã đạt được 3 mục tiêu cốt lõi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018; Lấy kết quả để xét tốt nghiệp và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học ở các địa phương; Và cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy và trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Đề thi phân hóa cao là “bộ lọc” giúp đại học tuyển sinh hiệu quả

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: UEd
Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng, độ phân hóa cao của đề thi chính là "bộ lọc" chất lượng, giúp các cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vững chắc để lựa chọn được những thí sinh phù hợp nhất với yêu cầu của mình, qua đó giảm bớt sự cần thiết phải tổ chức các kỳ thi riêng gây tốn kém cho xã hội.
Chia sẻ thêm, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành đánh giá, kỳ thi đã diễn ra thành công, an toàn và nghiêm túc, đó là một nỗ lực lớn của toàn ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị.
Việc này càng đáng ghi nhận hơn khi kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đây là năm đầu tiên triển khai kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các địa phương đang trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Tuy nhiên, việc có ý kiến băn khoăn rằng đề thi không được kiểm định thực nghiệm, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng đây là một sự hiểu chưa đầy đủ về quy trình xây dựng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo thầy Thành, thực tế để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các đề thi thử nghiệm và tổ chức cho khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc tham gia, bao gồm cả những địa phương ở vùng khó khăn nhất.
Dữ liệu từ đợt thi thử này đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại, và đây là một trong những căn cứ quan trọng để Hội đồng ra đề thi xác định mức độ khó, đảm bảo độ phân hóa phù hợp cho đề thi chính thức.
Như vậy đề thi đã được xây dựng trên cơ sở khoa học và dữ liệu thực tiễn đầy đủ.
Cũng theo chuyên gia, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, kết quả thi cũng phản ánh một phần thực trạng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương.
“Trong thực tiễn, đội ngũ giáo viên đã gặp không ít khó khăn khi thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá để đáp ứng yêu cầu mới của chương trình. Sự bỡ ngỡ với định dạng đề thi mới không chỉ đến từ phía học sinh mà còn từ chính các thầy cô.
Do đó, kết quả ở những môn học có nhiều sự thay đổi về nội dung và cách tiếp cận như môn Tiếng Anh là điều có thể lý giải được, và nó cho chúng ta thấy những điểm cần tiếp tục cải thiện trong công tác dạy và học”, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành đánh giá.
Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 là “cú hích” thúc đẩy đổi mới dạy và học

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VGP
Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, đây là một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đáp ứng được hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học.
“Công tác tổ chức kỳ thi được duy trì ổn định. Việc ra đề, vận chuyển, bảo mật đề thi đều được triển khai chặt chẽ”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.
Đặc biệt, theo cô An, đề thi năm nay có chất lượng tốt, thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức. Nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn, gợi mở tư duy, yêu cầu học sinh liên hệ cuộc sống thay vì học thuộc lòng máy móc, vốn là căn bệnh kéo dài nhiều năm trong giáo dục.
“Lúc đầu, dư luận còn lo ngại đề thi khó, nhưng kết quả cho thấy có rất nhiều điểm 10, phổ điểm đẹp cho thấy đề thi vừa sức, phù hợp với năng lực học sinh hiện nay. Thực tế này cũng cho thấy các em học sinh đã thích ứng tốt”, Phó Giáo sư Bùi Thị An phân tích.
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, bên cạnh việc tiếp tục siết chặt khâu tổ chức thi, cần đẩy mạnh truyền thông về định hướng đổi mới của kỳ thi, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ mục tiêu đánh giá năng lực, từ đó thay đổi cách học, cách dạy theo hướng thực chất hơn.
Từ thực tiễn kỳ thi năm nay, nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức thi từ phần mềm giám sát, xây dựng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chống gian lận và tiến tới thi trên máy tính.
Đồng thời, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh cần tiếp tục điều chỉnh đề thi theo hướng đánh giá tư duy, năng lực vận dụng kiến thức gắn với thực tiễn, tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới dạy học trong nhà trường phổ thông.
Cần rà soát đề thi để tránh “đánh đố” học sinh, vẫn bảo đảm tính phân hóa
Chia sẻ từ thực tế nhà trường phổ thông, thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết, ngay khi kết thúc bài thi môn Toán và Tiếng Anh, nhiều học sinh cảm thấy lo ngại. Tuy nhiên sau khi điểm thi được công bố, kết quả tốt hơn so với lo lắng ban đầu.
Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thầy Sơn đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đó có Hà Nội trong việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát chất lượng theo cấu trúc đề thi của chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp học sinh làm quen và có định hướng ôn tập.
Ngoài ra, học sinh lớp 12 còn được học trực tuyến qua Đài Phát thanh - truyền hình Hà Nội, nền tảng số Hà Nội ON và được cung cấp miễn phí nhiều tài khoản học tập, học liệu điện tử. Đặc biệt, việc xây dựng bản đồ số các điểm thi giúp thí sinh định vị và di chuyển thuận lợi trong kỳ thi năm nay.
Từ kinh nghiệm kỳ thi năm nay, thầy Sơn cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy và học để phù hợp với yêu cầu của kỳ thi và chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hướng tới xây dựng và chuẩn hóa ngân hàng đề thi quốc gia

Thí sinh Vĩnh Phúc tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm Nguyễn Chí Thành cho rằng, về lâu dài cần hướng tới việc xây dựng và chuẩn hóa ngân hàng đề thi quốc gia.
“Đây là giải pháp căn cơ để đảm bảo sự ổn định, công bằng và khách quan cho kỳ thi qua các năm. Ngân hàng đề thi cần được thiết kế và thẩm định bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khảo thí giáo dục”, thầy Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm rõ sự phân hóa trong cấu trúc đề thi. Bởi kỳ thi phải thực hiện đồng thời hai mục đích trong một, mà về bản chất khoa học đo lường, hai mục đích này cần hai loại hình đánh giá khác nhau.
Mục đích xét tốt nghiệp trung học phổ thông về nguyên tắc tương ứng với Đánh giá theo tiêu chí (Criterion-referenced Assessment). Tức là, chúng ta cần một thước đo để xác định xem học sinh có đạt được những yêu cầu kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định hay không. Đây là việc so sánh năng lực của học sinh với một tiêu chí cố định.
Mục đích tuyển sinh đại học lại tương ứng với Đánh giá theo chuẩn (Norm-referenced Assessment). Mục tiêu ở đây là xếp hạng các thí sinh với nhau để chọn ra những người phù hợp nhất cho các chương trình đào tạo có tính cạnh tranh và số lượng chỉ tiêu giới hạn. Đây là việc so sánh năng lực của học sinh này với những học sinh khác.

Bảng so sánh tổng hợp nêu rõ sự khác biết của 2 loại hình đánh. Bảng: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành
Trên cơ sở đó, để kỳ thi hiệu quả hơn, Phó Giáo sư Nguyễn Chí Thành cho rằng cần làm rõ hơn nữa sự kết hợp của hai loại hình đánh giá này, cả trong cấu trúc đề thi và cách sử dụng kết quả.
Trong đó, phải có một phần cốt lõi để kiểm tra các yêu cầu cần đạt cơ bản phục vụ mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, và một phần nâng cao để phân loại thí sinh, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học.
Ngoài ra, theo thầy Thành, nên bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển đại học hướng tới sự bình đẳng nam nữ trong nhiều ngành như sư phạm hay các ngành STEM. Ví dụ cho tỉ lệ nam và nữ trong chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường sư phạm; trong cách thức tổ chức có thể định hướng tiến tới làm một số bài thi trắc nghiệm trên máy tính tại các cơ sở có đủ điều kiện để từ đó có thêm các dữ liệu tin cậy phục vụ cho việc nâng cao hơn nữa không chỉ chất lượng của kỳ thi mà còn cả chất lượng dạy và học nói chung.