Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có một không hai, năm tiếp theo sẽ thi thế nào?

2020, học sinh cả nước có năm học đặc biệt nhất từ trước tới nay khi kỳ thi Tốt nghiệp THPT phải lùi 1 tháng so với thông lệ đầu tháng 7 hằng năm.

Năm 2020, học sinh cả nước có năm học đặc biệt nhất từ trước tới nay khi kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử, phần lớn thời gian của học kỳ 2 đều được tổ chức trực tuyến.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải lùi 1 tháng so với thông lệ đầu tháng 7 hằng năm. Tuy nhiên, 20 ngày trước lịch thi, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 thứ 2. Lần này, không xác định được nguồn lây trong cộng đồng, dịch bệnh diễn tiến nhanh, lan rộng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận.

Kỳ thi tốt nghiệp có một không hai

Người dân, xã hội băn khoăn, lo lắng việc có nên tổ chức kỳ thi hay không khi số lượng thí sinh tham gia ở các tỉnh thành trên cả nước lên đến 860.000.

Sau nhiều cuộc họp cam go, lấy ý kiến tham khảo từ ngành y tế và thực tế đề xuất của các địa phương với việc tổ chức thi, Bộ GD-ĐT quyết định vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhưng chia thành 2 đợt.

Những thí sinh ở các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp như Quảng Nam, Đà Nẵng, và các em thuộc diện F1, F2, buộc phải thi đợt sau để đảm bảo an toàn.

Nhiều ngành có mức điểm cao kỷ lục

Lần đầu tiên, 100% giám thị và giáo viên, thí sinh phải đeo khẩu trang trong phòng thi. Quy chế thi cũng yêu cầu các trường mở cửa sổ, bật quạt thay vì mở điều hòa đóng cửa như những năm trước để đảm bảo phòng dịch.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020), Bộ GD-ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, kỳ thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Trước những thay đổi của kỳ thi, các trường CĐ, ĐH trên cả nước áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau từ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo học bạ cùng nhiều hình thức tuyển sinh kết hợp khác.

Nội dung đề thi năm nay được cho là “dễ thở”, nhẹ nhàng hơn những năm trước, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cũng như mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp.

Đây cũng là năm nhiều ngành có mức điểm chuẩn cao chạm trần tới 30 điểm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 khá thành công trong bối cảnh dịch bệnh, các trường đại học vẫn có thể xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Nói về việc 30 điểm mới đỗ đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, điểm chuẩn đại học các năm biến động theo nguyên tắc “nước lên thì thuyền lên”. Đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được nhận định nhẹ nhàng hơn năm 2019, do đó, điểm thi sẽ cao hơn, dẫn đến điểm chuẩn tăng theo.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, điểm chuẩn đại học năm nay tăng vọt so với những năm trước xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đề thi giảm về độ khó. Bên cạnh đó, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, nên sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau dẫn đến giảm chỉ tiêu dành cho xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn đến điểm chuẩn bị đẩy lên cao hơn so với những năm trước.

Giữ ổn định kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 (Ảnh.vov.vn)

Giữ ổn định kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 (Ảnh.vov.vn)

Giữ kỳ thi năm 2021 ổn định như năm 2020

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến về Giáo dục đại học năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD-ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương ủng hộ việc giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học như năm 2020. Theo đó, các trường đại học tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào công tác xét tuyển kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy cũng kiến nghị trong tương lai, cần có phương án thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá, các trường có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

“Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trường và cả thí sinh. Việc thành lập Trung tâm khảo thí độc lập trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý để các Trung tâm vận hành, có sự chuẩn bị của các trường đại học, học sinh. Có thể từ 3-5 năm tới sẽ đưa các Trung tâm này vào thực tiễn”, bà Thủy nói.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trong những năm tới, ĐH Kinh tế quốc dân ủng hộ việc giữ ổn định phương thức xét tuyển đại học như hiện nay. Song bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần giữ vai trò chủ đạo, giám sát kỳ thi THPT để đảm bảo sự nghiêm túc.

Đại diện ĐH Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị nếu được có thể nâng độ phân loại, phân hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng cường ứng dụng CNTT, tiến tới thi trên máy tính, xây dựng các Trung tâm khảo thí có uy tín, năng lực để các trường có thể sử dụng kết quả này trong xét tuyển, nâng cao tính tự chủ hơn nữa.

Thông tin về phương án tuyển sinh 2021, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết, năm 2021, trường vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm 2020.

“Riêng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không mặn mà với kỳ thi riêng, vì khi đánh giá đa dạng hóa đầu vào rất tốt, nhưng tuyển sinh phải công bằng, nếu tổ chức đánh giá năng lực như một số trường hiện nay, chỉ tổ chức ở 1 số điểm thi, những thí sinh ở vùng sâu vùng xa khó có điều kiện tham gia nên vẫn sẽ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy cơ hội cho các em ở các vùng miền là không đồng đều.

Hơn nữa, nếu sử dụng chỉ tiêu cho các kỳ thi đánh giá năng lực, thì số chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp sẽ ít đi, điểm chuẩn sẽ tăng cao hơn, gây khó khăn cho những thí sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa”, thầy Dũng nói.

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, việc giữ kỳ thi ổn định đến năm 2025 và tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập cũng phù hợp chung với xu thế của các nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, cần triển khai sao cho đồng đều tại các vùng miền trên cả nước.

Xây dựng trung tâm khảo thí độc lập cần ngân hàng đề thi lớn

Ủng hộ phương án tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng lại lo ngại về việc hiện chỉ các thành phố lớn mới có thể đảm bảo đủ về cơ sở vật chất để tổ chức thành lập các trung tâm khảo thí, tại các vùng nông thôn, địa bàn khó khăn, việc học tập bằng máy tính của học sinh còn hạn chế, việc thi sẽ khó khăn hơn dẫn đến thiệt thòi cho các em học sinh.

“Thành lập trung tâm khảo thí là tốt, nhưng bài toán đặt ra là cần tổ chức thế nào. Hiện nước ta chưa có các chuyên gia về khảo thí, đánh giá. Việc ra đề ở một số nơi đôi khi còn có sao chép. Tôi cho rằng, nếu thành lập các trung tâm khảo thí, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD- ĐT vẫn nên đứng ra tổ chức làm đề.

Tôi rất lo ngại về sự không đồng đều giữa các trung tâm, về mức độ công bằng khi thi trên máy tính. Bởi không thể có đủ máy cho hàng triệu thí sinh cùng thi 1 lúc, các em sẽ phải thi theo các ca, đợt khác nhau, như vậy ngân hàng đề phải đủ lớn, có cách chọn đề sao cho đảm bảo công bằng giữa các ca thi. Trong số độ khó giữa các câu hỏi của các đề phải tương đương. Cần tổ chức sao cho minh bạch, chính xác”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng cũng lo ngại rằng việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập lâu dần có thể kéo theo hình thành các lò luyện thi hàng trăm người, ôn tủ, học tủ. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ.

Bộ GD&ĐT vẫn nên đứng ra tổ chức làm đề

Còn theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT việc tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập là định hướng tốt, bởi nếu để các trường tự tổ chức thi riêng sẽ rất tốn kém, lãng phí, thậm chí khó khăn cho thí sinh.

Chuyên gia này cho rằng, hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện để các doanh nghiệp, tư nhân đứng ra thành lập các trung tâm khảo thí như nước ngoài, do đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, nhà nước cần đứng ra tổ chức, đầu tư, coi đây như các dịch vụ công ích, hỗ trợ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh.

Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng để thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, cần có hành lang pháp lý, các văn bản luật hoặc dưới luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm. Như vậy các trung tâm khảo thí sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về chất lượng khảo thí. Trung tâm này có thể không thuộc Bộ GD-ĐT, tuy nhiên vẫn cần có sự giám sát của luật cũng như nhà nước.

Thầy Lê Đức Vĩnh cho rằng, để thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, sẽ cần đội ngũ chuyên gia ra đề đủ lớn, do đó, lộ trình phải 10-15 năm nữa mới có thể thực hiện.

Quan trọng nhất là cần tổ chức thi nghiêm túc. Trước những lo ngại về việc việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập sẽ dẫn đến hình thành các lò luyện thi kèm theo, thầy Vĩnh cho rằng, cần có những quy định cụ thể trong luật như đội ngũ giáo viên, chuyên gia tham gia soạn thảo đề thi tuyệt đối không được tổ chức luyện thi.

“Cần có những quy định để tránh các trung tâm vừa đá bóng vừa thổi còi. Muốn thành lập các trung tâm này, cần có lộ trình thực hiện từng bước, ban đầu có thể khó khăn nhưng dần sẽ đi vào ổn định. Việc hình thành 2-3 trung tâm khảo thí bao giờ cũng tốt hơn độc quyền. Các trường đại học có nhiều lựa chọn hơn, tăng tính cạnh tranh, từ đó sẽ nâng cao chất lượng của các trung tâm”, thầy Lê Đức Vĩnh nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/ VOV.VN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2020-co-mot-khong-hai-nam-tiep-theo-se-thi-the-nao-ar588252.html