Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Phổ điểm - phép thử năng lực và bài học cho từng môn
Trong chùm bài về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Bước chuyển mình của giáo dục phổ thông, Chúng tôi đã giới thiệu tới độc giả bài 'Phép thử đầu tiên của Chương trình GDPT 2018'. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu bài viết Phổ điểm - phép thử năng lực và bài học cho từng môn.
Môn Toán: "Thử thách" lớn nhất và cú sốc phổ điểm
Môn Toán năm nay được xem là thử thách lớn nhất đối với thí sinh. Với điểm trung bình chỉ 4,78 điểm, thấp nhất trong 12 môn thi, và chỉ có 513 thí sinh đạt điểm 10, đề Toán đã gây nhiều bất ngờ. Đáng chú ý, có tới 56,4% thí sinh (hơn 635.000 em) đạt điểm dưới 5, và số bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) lên tới 777, gấp 10 lần năm 2024. Thí sinh Vũ Hoàng Bách (Trường THPT Trung Văn, Hà Nội) chia sẻ sau khi thi: "Đề Toán năm nay tương đối khó. Phần trả lời ngắn có nhiều câu xác suất khiến em bị rối. Với đề thi này, em không tự tin rằng mình được 8 điểm".
Thầy Nguyễn Quốc Hoàn - giáo viên Toán Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) phân tích: Cú sốc phổ điểm Toán năm nay không chỉ là một bảng thống kê đáng báo động mà còn là tín hiệu trung thực, phản ánh cuộc "chuyển pha" tất yếu của nền giáo dục. Đây là cú hích cần thiết để tiến về phía trước. Theo thầy Hoàn, có bốn nguyên nhân cốt lõi đằng sau phổ điểm thấp:
Thứ nhất, sự thay đổi dứt khoát trong cấu trúc ra đề. Đề thi đã chuyển từ kiểm tra trí nhớ công thức sang sát hạch năng lực tư duy, giải quyết vấn đề và mô hình hóa toán học, qua đó vô hiệu hóa lối học thuộc lòng, học tủ. Nghịch lý 513 điểm 10 giữa biển điểm thấp chính là minh chứng: người học thực chất sẽ tỏa sáng, còn lối học đối phó sẽ thất bại.
Thứ hai, các định dạng thi mới (Đúng/Sai và Trả lời ngắn) đã ngăn chặn việc khoanh bừa may rủi, buộc thí sinh am hiểu sâu sắc bản chất và tự đi đến kết quả cuối cùng, giúp điểm số phản ánh chính xác năng lực thật.
Thứ ba, sự chưa đồng bộ trong toàn hệ thống. Bao gồm những "lỗ hổng" kiến thức từ cấp THCS (ảnh hưởng từ giai đoạn học trực tuyến), lối dạy truyền thụ một chiều của một bộ phận giáo viên, thói quen "luyện tủ" của học sinh, tài liệu ôn luyện chưa theo kịp, và sự chênh lệch điều kiện dạy học giữa các vùng miền.

Các thí sinh cùng nhau trao đổi, phân tích đề sau khi rời phòng thi tốt nghiệp THPT 2025 tại một điểm thi ở Hà Nội.
Thứ tư, với vị thế là môn thi bắt buộc, phổ điểm Toán luôn phải "gánh" cả những học sinh không có thế mạnh môn Toán, góp phần kéo mặt bằng chung đi xuống.
Thầy Hoàn nhấn mạnh: "Những con số có vẻ đáng lo ngại, nhưng lại chứa một thành công về mặt chiến lược. Đề thi đã hoàn thành sứ mệnh kép: vừa có phần nền đủ rộng cho mục tiêu xét tốt nghiệp (khi kết hợp với học bạ), vừa có phần đỉnh đủ dốc để phân loại rõ năng lực học sinh, phục vụ hiệu quả cho tuyển sinh đại học chất lượng cao. Đây không phải là lời phán xét năng lực một thế hệ, mà là một dữ liệu đắt giá, một cú hích chiến lược buộc toàn hệ thống phải chuyển mình thực chất – từ phương pháp của thầy, cách học của trò, đến việc xây dựng một hệ sinh thái giáo dục đồng bộ. Đây là nỗi đau cần thiết trên hành trình kiến tạo một thế hệ công dân có năng lực tư duy toàn cầu".
Môn Ngữ văn: Thiếu vắng điểm tuyệt đối và sự lúng túng trong tư duy mở
Dù phổ điểm Ngữ văn tương đối ổn định với điểm trung bình là 7.0, nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là không có thí sinh nào đạt điểm 10, trong khi năm 2024 có 2 điểm 10. Môn này cũng có 87 bài thi dưới điểm 1 và 7 bài bị điểm 0.
"Đề Ngữ văn năm nay có những câu hỏi bám sát kiến thức, kĩ năng trong chương trình học của học sinh. Tuy nhiên, cũng có những câu không quen thuộc đối với các em. Với cấu trúc có sự đổi mới, phổ điểm đã được công bố cho thấy học sinh đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi trong việc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp của các thí sinh. Điều đó cho thấy những tồn tại và bất cập trong việc dạy và học cũng như đánh giá bộ môn Ngữ văn trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt, nhiều học sinh quan niệm, không cần học cũng có thể làm tốt đề thi và cũng không ít học sinh cho rằng thật khó để đạt điểm cao với cấu trúc và cách hỏi hiện nay của đề. Điều này phản ánh phần nào quan điểm đánh giá bộ môn chưa có sự nhất quán", cô Phạm Thị Minh Hòa – giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, tỉnh Phú Thọ nhận xét.
Môn Tiếng Anh: Phân hóa rõ nét ở ngưỡng điểm cao
Môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38 và chỉ có 141 điểm 10 trên tổng số 351.848 thí sinh dự thi (giảm mạnh số lượng thí sinh so với khi là môn bắt buộc). Nhiều thí sinh nhận xét đề khó, có nhiều từ vựng chuyên ngành và ngữ pháp phức tạp.
Thầy Vũ Hà Thành Luân - giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đã có những thay đổi đáng kể, tập trung đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh và đảm bảo đúng dạng bài so với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Các chủ đề của bài đọc bám sát Chương trình GDPT 2018 và thực tiễn cuộc sống.

Thí sinh tập trung cao độ, thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc và tâm thế sẵn sàng đối mặt với những "phép thử" quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thầy Luân nhận xét phần ngữ pháp dễ nhận biết, không đánh đố. Tuy nhiên, nhiều từ vựng trong các bài đọc dài ở mức độ nâng cao, gây khó khăn cho thí sinh muốn đạt từ 8.5 điểm trở lên. Để đạt điểm cao, học sinh cần có vốn từ vựng phong phú, kỹ năng đọc hiểu tốt, khả năng diễn giải và suy luận dựa trên ngữ cảnh. "Đây là một đề thi chất lượng và việc xử lý 40 câu trong 50 phút là một thách thức đối với học sinh khá", thầy Luân nhấn mạnh.
Theo thầy Luân, đề thi đã hoàn thành tốt hai mục tiêu đề ra: mục tiêu xét tốt nghiệp THPT được đáp ứng hiệu quả với điểm trung bình 5.38; và mục tiêu xét tuyển đại học đòi hỏi cao về vốn từ vựng, kỹ năng đọc hiểu và kiến thức xã hội. Chỉ khoảng 15% học sinh đạt điểm 7 trở lên, cho thấy mức độ yêu cầu cao trong các phần đọc và yêu cầu học sinh phải điều chỉnh lại phương pháp học để đạt điểm cao thực sự.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đã phần nào phản ánh đúng tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018, khi tập trung vào đánh giá năng lực và có tính phân hóa rõ rệt, đặc biệt ở các môn như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn về phổ điểm giữa các môn, cùng với phản ứng của học sinh và giáo viên, cho thấy vẫn còn những điểm cần được nghiên cứu, điều chỉnh để đề thi thực sự vừa sức, phù hợp với mặt bằng chung và mục tiêu phát triển năng lực toàn diện của học sinh Việt Nam. Những bài học quan trọng từ "phép thử" đầu tiên này sẽ là nền tảng quý giá để ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện cho các kỳ thi tiếp theo.