Sáp nhập Trường CĐ Luật miền Trung thành Phân hiệu Trường ĐH Luật TP HCM
Sau khi sáp nhập, Phân hiệu Trường ĐH Luật TP HCM sẽ bắt đầu tuyển sinh từ quý 4-2025.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp đã buổi làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Luật TP HCM và Trường CĐ Luật miền Trung về các nội dung trong Đề án thành lập Phân hiệu miền Trung của Trường ĐH Luật TP HCM trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Luật miền Trung.

Lãnh đạo Bộ GD- ĐT, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Trường ĐH Luật TP HCM về Đề án thành lập Phân hiệu miền Trung của Trường ĐH Luật TP HCM trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Luật miền Trung
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định việc sáp nhập Trường CĐ Luật miền Trung vào thành Phân hiệu của Trường ĐH Luật TP HCM là bước đi phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời góp phần hoàn thiện về mặt tổ chức cho Trường ĐH Luật TP HCM.
TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho biết đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng về chiến lược phát triển của 2 trường, mở rộng cơ hội học tập cho người học khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khi đưa vào đào tạo, phân hiệu này sẽ là đơn vị thuộc Trường ĐH Luật TP HCM.
Mục tiêu của phân hiệu là trở thành một cơ sở đào tạo uy tín tại khu vực với hệ thống ngành đào tạo rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng về giảng dạy và nghiên cứu. Phân hiệu sẽ tập trung đào tạo ngành luật các trình độ và các ngành khác trong phạm vi ngành nghề trường đang đào tạo, đồng thời đẩy mạnh liên kết đào tạo và tổ chức các khóa bồi dưỡng pháp lý cho đội ngũ cán bộ tại địa phương.
Sau khi đề án được phê duyệt, phân hiệu sẽ triển khai tuyển sinh đào tạo các trình độ cử nhân và sau ĐH, bắt đầu từ quý 4-2025.

Năm 2025, Trường ĐH Luật TP HCM tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, tuyển sinh nhiều nhất ở ngành luật với 1.800 chỉ tiêu.
"Nhà trường cam kết chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận, chuyển đổi và phát triển phân hiệu một cách bài bản, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đảm bảo ổn định tâm lý cho cán bộ, giảng viên, người học trong quá trình chuyển tiếp cũng như duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo tại địa phương" – TS Sơn khẳng định.