Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không có gì thay đổi
Đó là một nội dung được đưa ra tại phiên họp toàn thể Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực diễn ra chiều qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại phiên họp, Hội đồng đã nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và những năm tiếp theo.
Tất các thành viên Hội đồng đều khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức kỳ tốt nghiệp THPT, không chỉ theo đúng quy định của Luật Giáo dục, mà còn tạo động lực để thúc đẩy công tác dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước làm cơ sở xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) khẳng định nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng sẽ không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học. “Kết quả của mỗi kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình. Vì vậy, kỳ thi là rất cần thiết”, cô Nhiếp nói.
Còn GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, tạo động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của các thầy cô giáo lẫn học sinh.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: Không tổ chức kỳ thi, chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục.
GS Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cũng khẳng định chỉ có qua kỳ thi mới đánh giá được môn học, lĩnh vực nào mà địa phương nào còn yếu.
Từ đó, các ý kiến đề nghị tiếp tục giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020, đồng thời tăng cường chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) giữ ổn định và hiện đại hóa, chuẩn hóa phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là hướng đúng, khả thi. Kỳ thi đáp ứng được 3 nguyên lý giáo dục cơ bản: Học và thi; phi tập trung hóa, phân cấp, bảo đảm độc lập giữa người tổ chức thi và người sử dụng kết quả thi; tính liên ngành và ứng dụng công nghệ.
Lãnh đạo một số trường đại học cho rằng 2 đổi mới lớn nhất đối với kỳ thi THPT là thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi biết kết quả; thí sinh không phải về các thành phố lớn mà được thi tại địa phương.
GS Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới, kỳ thi THPT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
“Nếu kỳ thi được tổ chức như năm nay thì đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu của các trường đại học”, ông Sơn nói.
Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nêu quan điểm: “Nhiều ý kiến cho rằng đỗ trên 90% không cần tổ chức kỳ thi nhưng không thi không được. Bởi nếu không thi, các em sẽ không học, không chuẩn bị được đầy đủ kiến thức để học ở bậc cao hơn”.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỳ thi THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước.
Nhìn lại kỳ thi THPT năm nay, dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng ở từng môn học cụ thể như Lịch sử hay Tiếng Anh cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý.
“Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng; không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội; đánh giá được chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông. Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội”, ông Thắng nói.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành. Do đó, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định.
“Vì vậy, phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 không có gì thay đổi cả về số môn thi, phạm vi kiến thức, cách thức tổ chức… giống như kỳ thi năm 2020”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ GD-ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu: ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Phát biểu kết luận cuộc họp về nội dung liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới thi là quá trình đã được bàn được bàn từ khi xây dựng Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp đến là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW. Bộ GDĐT chọn thi cử là khâu đột phá vì thi được người dân quan tâm, nhiều bức xúc nhất ở thời điểm đó.
“Đổi mới cần có lộ trình, qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi đến nay cơ bản đã hoàn thành. Năm nay dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GDĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được tổ chức tốt, diễn ra nhẹ nhàng, công bằng, khách quan thì không cần thiết phải có sự thay đổi lớn.
“Những khía cạnh nhỏ ở mặt kỹ thuật cần thì sẽ điều chỉnh, song nếu có chỉ là những tiểu tiết”, ông Trinh nói.
Ông Trinh cũng cho biết, có 2 việc cần phải làm là xây dựng, làm “giàu” hệ thống ngân hàng câu hỏi thêm và tăng cường ứng dụng công nghệ vào trong quá trình tổ chức.
“Trong đó có việc chuẩn bị, thí điểm và có thể đến thời điểm hợp lý sẽ tổ chức thi ở trên máy, rồi mở rộng dần khi đảm bảo các điều kiện. Tuy nhiên, việc này phải có lộ trình”.