Kỳ thi vào 10: Đòn 'cân não' với từng thí sinh và phụ huynh
Mỗi năm, khi đề thi tham khảo vào lớp 10 được công bố, phụ huynh và học sinh lại có nỗi lo không hề cũ. Với nhiều gia đình, đây là kỳ thi của nước mắt và nụ cười.
Nếu như kỳ vào lớp 6 chỉ diễn ra cuộc đua ở những trường điểm, trường chuyên hàng đầu của thành phố, các thí sinh vẫn còn nhiều lựa chọn ở các trường đúng tuyến thì ngược lại, cuộc thi vào lớp 10 là cuộc thi khốc liệt và “hại não” nhất đối với phụ huynh và học sinh từ Nam ra Bắc.
Để đỗ được vào một ngôi trường THPT công lập “top đầu” các tỉnh, thành phố, thí sinh phải cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng 1, 2 các trường phù hợp với năng lực, với điểm thi vào 10 của mình.
Trong kỳ thi tuyển sinh năm học 2018 - 2019, ngay tại Hà Nội, đã có 32.000 thí sinh trượt công lập và phải chọn trường dân lập là nơi theo học, còn ở TP.Hồ Chí Minh con số thí sinh trượt công lập cũng lên đến 24.000 em.
Mỗi mùa thi chuyển cấp, giữa cái nắng như đổ lửa của mùa hè, các phụ huynh mong ngóng từng ngày sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn vào 10 của các trường công lập.
Việc nộp hồ sơ giữ chỗ ở các trường dân lập cũng dẫn đến bao rắc rối sau này. Nhiều gia đình đã nuối tiếc khi con em mình chỉ thiếu có 0,5 hay 1 điểm là được vào công lập, bao công sức của 9 năm đèn sách bỗng tan thành mây khói, trường dân lập có tiếng thì cũng không đủ điểm vào, đành chấp nhận xuống học trường “top dưới”. Thất vọng, buồn bực là tâm trạng của nhiều phụ huynh thời điểm đó. Ngược lại, nhiều em đã thi đỗ vào trường mình lựa chọn, đem lại niềm vui cho bố mẹ, những người luôn đồng hành cùng con.
Vì vậy, với nhiều gia đình, kỳ thi vào lớp 10 là kỳ thi của nước mắt và nụ cười. Và áp lực mà các con cũng như các gia đình phải chịu là vô cùng lớn. Đó cũng chính là nguyên nhân mà các trung tâm luyện thi, các lớp học thêm ở khắp các “hang cùng, ngõ hẻm” luôn tấp nập học sinh và sáng đèn tất cả các buổi tối trong tuần, khi những ngày thi chuyển cấp tới gần. Hình ảnh quen thuộc nhất mà ta bắt gặp là rất đông các ông bố, bà mẹ kiên nhẫn ngồi đợi con tan học để đón về sau một ngày dài chỉ có học và học.
Chính áp lực kỳ thi vào 10 như vậy, nên từ tháng 10/2018, thông tin sở GD&ĐT Hà nội cho biết, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định số 5417/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, khác với các kỳ thi trước, chỉ phải làm 2 bài thi Toán - Văn cho kỳ thi này, từ năm 2019, học sinh thi vào lớp 10 THPT không chuyên, sẽ phải thực hiện thi tuyển 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 “tổ hợp”, được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Bài thi thứ 4 này chỉ được công bố vào trước khi thi chính thức khoảng 3 tháng, nghĩa là từ tháng 3/2019.
Có lẽ, những thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội từ năm 2019 mang đến nhiều cung bậc khác nhau cho học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh từ năm học 2019 - 2020. Chắc chắn, những thay đổi trong việc thi thêm nhiều kiến thức, nhiều môn học cho kỳ thi này sẽ khiến dư luận xôn xao và tốn nhiều giấy mực của báo giới trong thời gian tới. Và xem ra, kỳ vọng giảm áp lực cho các kỳ thi chuyển cấp của xã hội là chuyện khá xa vời.
Cứ mỗi năm, khi sở GD&ĐT công bố mẫu đề tham khảo thi vào 10 là phụ huynh và học sinh lại bước vào một mùa thi mới với nỗi lo không hề cũ.
Có thể nói, trong những năm qua, dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng nhìn chung, nền giáo dục Việt Nam vẫn nặng về ứng thí, học để thi. Sau rất nhiều cải cách, thay đổi hệ thống thi cử, các kỳ thi chuyển cấp vẫn luôn tạo áp lực lên toàn xã hội.
Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế, khi phát sinh những bất cập trong mỗi kỳ thi, mỗi giai đoạn nhất định thì ngành giáo dục các cấp, các địa phương lại đưa ra các chính sách, các quy định mới để rút kinh nghiệm, cải tiến nhưng vô hình trung, “nhất cử nhất động” những thay đổi dù nhỏ của ngành giáo dục đều khiến học sinh và phụ huynh lo lắng.
Chính vì vậy, các kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt là kỳ thi vào 10 để có một suất phù hợp vào một trường THPT công lập danh tiếng luôn gây áp lực rất lớn cho học sinh và toàn xã hội.