Kỳ thị, xúc phạm người thực hiện cách ly vì Covid-19: Có thể bị phạt và bồi thường thiệt hại
Nếu ai đó kỳ thị, xúc phạm người thực hiện cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại cho người bị kỳ thị, xúc phạm. Đây là chia sẻ của Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh.
PV: Nếu ai đó có hành vi kỳ thị, xúc phạm, nói lời thô bạo với những người cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 thì có gánh lấy chế tài gì hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Nếu người nào kỳ thị, nói lời thô bạo hoặc có hành vi khác mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Lưu ý, nếu xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Hình phạt đối với trường hợp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 được pháp luật quy định như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trường hợp phạm tội 02 lần trở lên; phạm tội đối với 02 người trở lên; người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội đối với người đang thi hành công vụ; phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
PV: Ở trên là chế tài của Nhà nước đối với người vi phạm; vậy những người vi phạm này có phải bồi thường thiệt hại gì cho những người cách ly y tế, người nhiễm Covid-19 hay không, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015, người vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút...).
Đồng thời, phải trả thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người cách ly y tế, người bị nhiễm Covid-19 gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở (hiện nay, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ mười lần mức lương cơ sở là 14,9 triệu đồng).