Kỳ thú…Cát Bà

Cũng từng có dự định đi Cát Bà(huyện đảo Cát Hải-Hải Phòng) từ nhiều năm trước. Nhưng vì ngại, vì những bức ảnh chụp cảnh từng đoàn người rồng rắn chờ qua phà trên 'phây-búc'(thời trước khi có con đường mới). Mỗi ngày chỉ có 2 chuyến phà ra đảo Cát Bà và việc di chuyển bằng phà cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Từ khi có cây cầu Lạch Huyện, các phương tiện ra đảo Cát Bà rút ngắn thời gian xuống còn 30 phút. Cây cầu đã 'kéo' Cát Bà gần hơn với thành phố cảng, với du khách gần xa…Những ngày ngắn ngủi ở Cát Bà đã tạo nên trong lòng những dư vị thật tuyệt vời. Cát Bà…kỳ thú, chắc chắn sẽ còn cần phải trở lại…

 Một góc thị trấn Cát Bà vào đêm

Một góc thị trấn Cát Bà vào đêm

Miền đất của huyền thoại

Đêm đầu ở Cát Bà không thể ngồi trong phòng vì gió từ vịnh thổi hào phóng thênh thang trên từng con ngõ thị trấn và trăng biển thì rõ sáng và đẹp lung linh. Gặp anh Nguyễn Tiến, lái xe điện ở nơi đây. Là người cởi mở, mặn chuyện, mới mấy câu dạo đầu mà du khách đã thấy thân thiện dễ chia sẻ. Người ở vùng đất du lịch có khác, dễ làm lòng du khách thích thú miền đất này. Anh kể rằng: Đảo Cát Bà xưa kia được gọi là đảo "Các Bà". Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Cát Bà, một trong các điểm ở vùng biển Đông Bắc làm nơi tập kết, luyện quân và tích trữ lương thảo, được coi như vùng hậu phương thời đó. Còn hang Đầu Gỗ(trên vịnh Hạ Long) nơi cất giấu cọc gỗ bịt sắt chuẩn bị cho trận chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Vịnh Hạ Long và Cát Bà gần nhau. Vùng biển Cát Bà được giao cho những người phụ nữ chăm lo. Vì thế dân gian đọc chệch đi thành đảo "Các Bà". Một vùng đất khác thuộc Quảng Ninh được gọi là vùng đất "Của Ông". Sau này được đọc chệch thành Cát Bà và Cửa Ông...Lại còn có một truyền thuyết khác làm du khách tâm đắc: Thời xa ấy, khi nước ta bị giặc Ân xâm lược, vì đất liền bị chiếm nên cha ông ta ra vùng biển này để làm nơi ẩn náu, lo việc lớn. Đảo lớn được chọn làm hậu phương để các bà, các chị trồng lúa, đánh cá, tích trữ lương thực, nuôi quân. Đảo nhỏ hơn không xa đảo lớn là nơi để đàn ông luyện binh chuẩn bị đánh giặc. Đảo lớn được dân gian gọi là đảo Các Bà, đảo nhỏ gọi là đảo Các Ông. Sau này, đọc chệch đi thành đảo Cát Bà, Cát Ông…Đi trên một vùng đất giàu huyền thoại, cùng ánh mắt nụ cười của người dân bản địa nơi đây, càng thấy vì sao Cát Bà "viên ngọc” vùng biển Đông Bắc lại lấp lánh và quyến rũ đến vậy. Bởi vì Cát Bà còn hội tụ bao điều tuyệt vời…

Biển và Rừng giữa vùng biển bạc…

Thong dong"lạc" vào Vườn quốc gia ở Cát Bà, được ngồi trong rừng và ngắm hồ nước và màu xanh ngút ngàn nguyên sơ mới thấy Cát Bà đang có một tài sản vô giá. Một đồng nghiệp ở Báo Hải Dương thốt lên "Rừng còn nguyên sơ quá, chưa có sự can thiệp vô lối của con người". Xanh và xanh điệp trùng ngút ngàn. Đây là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn có 58 loài thú, 205 loài chim, 55 loài bò sát, 24 loài ếch nhái. Đặc biệt Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ còn 1 quần thể với 70 cá thể phân bố duy nhất trên thế giới tại Cát Bà. Xen với rừng là các Homstay và khu du lịch sinh thái…luôn thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhờ vào khu vườn khổng lồ này, cùng với du lịch biển, Cát Bà đang khai thác và phát triển, nâng cấp để thương hiệu "Du lịch xanh Cát Bà" không thua kém nhiều quốc gia khác trên thế giới…

Màu xanh của rừng của núi hòa vào màu xanh điệp trùng của Vịnh Lan Hạ khiến Cát Bà càng thêm đẹp và lung linh trong lòng du khách. Một ngày cùng các đồng nghiệp Bắc-Trung-Nam du hành trên những con tàu trên biển mới thấy nơi đây không hề kém cạnh Vịnh Hạ Long gần kề. Cát Bà có tới 139 bãi tắm cát vàng tựa lưng vào núi non, hang động, rừng nguyên sinh. Nhiều bãi tắm nổi tiếng nằm lòng trong bản đồ du lịch của mỗi du khách như: Cát Cò 1, Cát Cò 3 ngay trung tâm thị trấn Cát Bà còn hơn 100 bãi tắm ở các đảo, ven vịnh…Với 300 hòn đảo, Cát Bà có nhiều hạng mục để du khách lựa chọn: thăm Vịnh, tắm, bơi thuyền, lặn ngắm san hô, lang thang ngắm động thực vật…hay có thể vào các nhà hàng trên bờ, dưới vịnh để thưởng thức các đặc sản ngon, rẻ và độc đáo…Điều nhắc lại, điều thú vị nhất là được gặp những công dân Cát Bà(dù kinh doanh du lịch hay không) luôn chân chất, niềm nở, thân thiện và hiếu khách. Chính bàn tay ấm nóng và nụ cười "biển đảo" của họ khiến du khách thấy mình không hề thấy xa lạ với Cát Bà mà luôn thấy gần gũi, thân thuộc…

Cát Bà…điểm đến hấp dẫn, "địa chỉ đỏ" cho những ai mê biển và thích khám phá biển đảo.Năm 2016, đã có trên1,7 triệu lượt du khách đến nơi đây(trên 385.000 du khách nước ngoài), tăng trên 9% so với năm 2015; tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 900 tỷ đồng(tăng 13,6%). Đến năm 2018, Cát Bà đón 2,7 triệu lượt du khách, năm 2019, du khách đến Cát Bà ước khoảng 2,9 triệu lượt người. Một thị trấn huyện đảo Cát Hải lại có lượng khách lý tưởng như vậy, thật là điều kỳ diệu và lý tưởng cho du lịch huyện đảo này nói riêng và du lịch Hải Phòng nói chung. "Viên ngọc" thô này đúng là đang nhả ngọc…

Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/135136/ky-thucat-ba.htm