Kỳ thú non nước Lâm Bình

Chặng đường 300 km từ Hà Nội đi Lâm Bình (Tuyên Quang) không hẳn đã xa nếu so với các địa danh nổi tiếng khác của miền Tây Bắc như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai)…

Khách du lịch thích thú chèo thuyền kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang

Khách du lịch thích thú chèo thuyền kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang

Nơi đây, non nước giao hòa trong nét bình dị, thanh khiết ẩn chứa những kỳ bí của truyền thuyết, lịch sử, văn hóa lễ hội truyền thống và say nồng hương vị ẩm thực tự nhiên…

Ấn tượng khó phai

Sau những cung đường thênh thang, những phố phường đông đúc… Lâm Bình dần hiện ra sau quãng đường nhỏ uốn lượn chạy dọc theo dòng nước xanh biếc, trong veo, uốn mềm như tấm thảm lụa ôm ấp những mỏm núi kiêu kỳ, hờ hững quấn khăn sương trắng muốt…

Bao quanh tấm thảm lụa ấy là “lũy thành núi” nhấp nhô, điệp trùng như thách thức, như mời gọi khám phá những điều ẩn giấu dưới khăn sương, dưới cả màn xanh của những tán rừng nguyên sinh kỳ bí…

Cánh đồng xã Thượng Lâm trù phú hiện ra như một kỳ tích. Cánh cung núi kỳ vĩ ôm trọn cánh đồng vào lòng, những con đường bê tông sạch sẽ ngăn bờ thửa đang độ đủ sắc màu.

Thiên nhiên giao hòa

Những cô gái dân tộc Tày bên khung dệt sẽ hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề thủ công của nơi đây

Những cô gái dân tộc Tày bên khung dệt sẽ hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề thủ công của nơi đây

Thật thích mắt khi chạm chân đến Bến Thủy. Nơi đây được ví như “Biển hồ giữa núi ngàn” hay “vịnh Hạ Long trên cạn”, hồ thủy điện Tuyên Quang (một phần thuộc huyện Lâm Bình) là hồ nước ngọt lớn, trong xanh và còn nguyên sơ, huyền ảo với nhiều tích kể về 99 ngọn núi có những hình thù kỳ lạ.

Những con thác, hang động chứa đựng trong mình những giá trị to lớn của lịch sử như Cọc Vài - một ngọn núi có hình trụ nhỏ, cao và thẳng tắp "ăn" thẳng xuống đáy hồ hàng trăm mét. Tương truyền đây là cây cọc buộc trâu của người dân quanh vùng khi xuống chợ. Bao quanh Cọc Vài là những mỏm núi nhấp nhô, “xòe” ra như một phần vây đuôi của nàng tiên cá đang bơi lội giữa hồ…

Đến thác Nặm Me, du khách được hưởng sự chăm sóc từ loài cá nhỏ biết “kỳ cọ” cho người. Đừng quên tham quan động Song Long, hang Phia Vại với phần nhũ đá long lanh như những cột băng thanh. Đặc biệt, hang Phia Vại là nơi tìm được di hài cùng hàng ngàn di vật của người Việt cổ…

Lênh đênh trên mặt nước mênh mông, thưởng vị say nồng rượu men lá (rượu được nấu thủ công từ ngô hoặc gạo, men được làm từ hơn 30 loại lá thuốc). Ở đây, ẩm thực cũng vô cùng phong phú, đa dạng như cá bỗng (một loài cá có màu sắc sặc sỡ, thoạt nhìn như loài cá cảnh), cá lăng, cá hảo, lợn đen, lợn rừng, vịt chăn thả, gà đi bộ, dê núi… nuôi tự nhiên bán sơn thủy hoặc có loài được người dân đánh bắt tự nhiên. Những chòi canh vững chãi dọc theo chân núi, phía trong lòng hồ, hứa hẹn là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.

Giao lưu âm nhạc truyền thống giữa đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình

Giao lưu âm nhạc truyền thống giữa đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình

Rời nơi “sơn thủy hữu tình”, du khách còn có thể lựa chọn cho mình những địa điểm khám phá vô cùng thú vị, mang đậm văn hóa tín ngưỡng với các chứng tích có từ hàng trăm năm tại chùa Phúc Lâm, đền Pú Bảo, xưởng quân khí H5…

Du khách cũng không khỏi ngỡ ngàng, say mê khi tìm hiểu bản sắc các dân tộc ít người không dễ tìm gặp ở bất kỳ nơi nào khác như dân tộc Pà Thẻn, Thủy, Cao Lan… cùng các lễ hội vô cùng đa dạng, hấp dẫn như lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Lồng Tông...

Được biết, huyện Lâm Bình có chủ trương chú trọng giữ gìn và phát huy các làn điệu hát Then, hát Cọi của người Tày, hát Páo Dung của người Dao, trồng bông dệt thổ cẩm, các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh pam... để Lâm Bình không chỉ là nơi du lịch thiên nhiên mà còn chứa đựng những không gian văn hóa lịch sử hấp dẫn và cuốn hút.

THANH LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/du-lich/ky-thu-non-nuoc-lam-binh-129979