Kỳ thú tháp vỏ ốc cao nhất Việt Nam và bí ẩn '18 tầng địa ngục' ở Chùa Ốc
Cách thành phố biển Nha Trang khoảng 60km về phía Nam, chùa Từ Vân (ở đường 3/4, phường Cam Linh, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được xây dựng từ năm 1968, mang đậm phong vị biển cả với vật liệu chủ yếu là vỏ ốc, vỏ sò và san hô. Đây cũng là lý do chùa còn có tên gọi chùa Ốc.
Kỳ thú tháp vỏ ốc cao nhất Việt Nam
Ngay từ khi bước chân vào cổng chùa, du khách đã có thể cảm nhận không gian thanh tịnh chốn thiền tu khi trước mặt là con thuyền Bát Nhã bằng ốc cao 3 tầng dài 10m, chở đầy tam bảo (kinh, luật, luận) của Phật. Bên phải chùa là cảnh Phật Đản sanh, Phật xuất gia, Phật thành đạo, Phật chuyển pháp luân và Phật nhập niết bàn; bên trái là điện Quan âm.
Ấn tượng nhất với du khách là tháp Bảo Tích cao 39m đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam, với kỷ lục là ngôi tháp cao nhất với kiến trúc độc đáo nhất. Tháp có cấu trúc cầu kỳ với 49 tiểu tháp hình chóp ở bên ngoài, trong mỗi tiểu tháp có một tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt; trên đỉnh mỗi tiểu tháp lại có một bảo tháp nhỏ. Cứ thế hàng trăm pho tượng Phật lớn nhỏ được sắp xếp tỉ mỉ trên tòa tháp này.
Tháp Bảo Tích có 8 cửa tượng trưng cho “Bát chánh đạo” (con đường tu hành Phật giáo dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi). Bên trong có 2 tầng, trên thờ Phật, dưới để du khách dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ đậm phong vị biển khơi của tòa tháp.
Không chỉ bên ngoài, các đường nét, hoa văn uyển chuyển ở bên trong tháp cũng được kết bằng vỏ sò, ốc, trai, điệp đầy tinh tế và khéo léo. Mái vòm của tháp hình nón còn được khảm hoa văn bằng vỏ ốc nhiều màu. Với kiến trúc 2 tầng hình chóp nhọn, vươn mình lên nền trời xanh biếc, tháp Bảo Tích như tòa lâu đài lộng lẫy giữa đại dương.
Đồ sộ, uy nghi là vậy nhưng ít ai biết rằng, tháp Bảo Tích được thiết kế và xây dựng từ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các nhà sư trong chùa. Để tạo nên kiệt tác độc nhất vô nhị này, các nhà sư đã phải mất 5 năm thực hiện, kể từ năm 1995. Trải qua thời gian và mưa nắng, những vỏ ốc và san hô ở đây đã nhuốm màu thời gian, tạo cho tháp một dáng vẻ xù xì nhưng cổ kính.
Theo Thượng tọa Thích Hồng Danh, lúc bấy giờ, vùng biển Cam Ranh có nhiều san hô với vỏ sò, vỏ ốc… trôi dạt khắp nơi, các sư thầy nghĩ rằng đó là vật liệu trời cho. Mùa xuân năm 1995, chùa Từ Vân động thổ công trình tháp Bảo Tích, thầy Hồng Danh hiểu biết kỹ thuật xây dựng nên được giao nhiệm vụ “tổng chỉ huy”.
Hàng ngày, có 12 sư thầy và tiểu tu tập ở đây thay phiên vác đá, trộn hồ, dòng dây, xây cất… ròng rã suốt gần 5 năm mới hoàn thành. Và tất cả được thực hiện bằng thủ công chứ không hề có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị chuyên dụng.
“Duyên của tôi, Phật dẫn đường tôi từ núi xuống biển. Nhiều người không tin đôi bàn tay những người tu hành có thể xây dựng thành công ngôi tháp. Nhưng chúng tôi tâm niệm, bảo tháp đại diện cho pháp thân của đức Phật, xây dựng bảo tháp là phương cách rất mạnh mẽ để tịnh hóa tiêu cực, hàng phục chướng ngại và tích lũy công đức”, thầy Hồng Danh cho biết.
Thầy Hồng Danh bảo, lòng tháp Bảo Tích hình tròn đồng tâm, 8 cửa thể hiện con đường khai mở rộng lớn, dẫn đến Niết Bàn. Bậc tu hành luôn phấn đấu thông suốt và giữ vững chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định, nhằm đạt mục đích giác ngộ và giải thoát theo con đường của đức Phật.
“Chúng tôi muốn gửi gắm đến mọi người một ý nghĩa sâu sắc rằng, mọi vật vô tri là phế thải của cuộc sống cũng có thể làm nên được một công trình đẹp và ấn tượng, miễn là con người có sự cần mẫn, kiên trì. Hơn nữa, hòa cùng tiếng tụng kinh của nhà Phật thì tiếng vi vu từ những vỏ ốc phát ra, rất kỳ diệu, tạo cho con người một không gian thư thái, tĩnh tâm”, thầy Hồng Danh chia sẻ.
Nhận xét về công trình độc đáo này, kiến trúc sư Lê Đức Long, người thiết kế nhiều công trình ở tỉnh Khánh Hòa cho biết, những hoa văn ở tháp Bảo Tích rất tự nhiên và rất khó kiến tạo. Cần phải có sự tỉ mỉ cùng với ý tưởng độc đáo lắm mới làm nên được. Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu kiến trúc của công trình này, ông cũng không định hình rõ được vì sao các sư thầy ở đây lại nghĩ ra ý tưởng lạ đến thế.
Lắng đọng với “18 tầng địa ngục”
Nếu như tháp Bảo Tích cho du khách tận hưởng sự nguy nga, tráng lệ, một không gian đầy màu sắc thì “18 tầng địa ngục” lại mang đến cho du khách mường tượng về một “thế giới bên kia” đầy tăm tối.
Đường xuống “địa ngục” tuy chỉ dài khoảng 500m nhưng được xây dựng rất kỳ công từ san hô, vỏ ốc, bên ngoài bao bọc hình rồng bắt mắt. Do xuyên xuống lòng đất sâu nên lối đi ở đây tối, nhỏ hẹp, khúc khuỷu quanh co.
Với cây nến hoặc đèn pin trong tay, du khách có thể thử cảm giác rơi xuống “18 tầng địa ngục”. Dọc lối đi là 12 tấm bảng ghi lại tội ác của trần gian và hình phạt nơi cửa ngục, giống như lời khuyên răn con người sống hướng thiện, nhân từ.
Ấn tượng nhất với chúng tôi là tầng thứ 17, tái hiện cảnh hành hình và chuyển kiếp dành cho những người chuyên giết người và gieo cái ác trên dương gian. Những người này khi xuống tầng thứ 17 của địa ngục sẽ bị biến thành súc sinh, chịu nhiều hình phạt như: kẹp chân, đeo đá vào cổ…
“Có những cái thuộc về tâm linh người ta cũng khó lý giải được. Chùa mô phỏng chi tiết những cung bậc hành quyết trong “18 tầng địa ngục” nhằm giáo dục và thức tỉnh lương tri con người, nhắc nhở họ rằng quy luật nhân quả là có thật”, thầy Hồng Danh cho biết.
Các sư thầy ở đây cho biết, có không ít lần, khách sau khi vào thăm “18 tầng địa ngục” trở ra thì họ thay đổi hẳn. Có người sau khi trở ra thì đứng lặng lẽ trước cửa vào “18 tầng địa ngục” suốt cả buổi như ngẫm nghĩ về điều gì đó. Có người xin được các sư thầy chỉ cho cách tịnh tâm và tụng kinh.
Vượt hết “18 tầng địa ngục” sẽ đến cửa ra là miệng của một con rồng lớn. Theo con đường rộng thoáng sau miệng rồng, du khách đến với “thiên đường” đầy ánh sáng của Bát Nhã hoa viên. Ở đây, những hàng cây cổ thụ, những vườn hoa rực rỡ sắc màu, cùng các tượng sinh vật biển, thú rừng, núi ngũ hành làm bằng vỏ ốc. Tất cả tạo nên một không gian yên bình khoáng đạt đến mê hồn.
Được biết, chùa Từ Vân được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc độc đáo, sáng tạo của các nước Phật giáo trong vùng, sánh vai cùng chùa Triệu Chai ở Thái Lan và là một trong những điểm du lịch tâm linh của du khách trong và ngoài nước.
Rời chùa Từ Vân, du khách có thể dạo quanh và bắt gặp những bãi cát trắng phau. Bãi tắm công cộng thuộc phường Cam Phú, cách chùa Từ Vân khoảng 2km là nơi được người dân địa phương và du khách ưa thích. Đi xa hơn một chút, đến thị trấn Ba Ngòi hoặc ra bãi Dài đều bắt gặp những bãi biển đẹp.