Kỳ thú vườn bonsai độc lạ ở Pleiku
Vườn bonsai Vũ Nguyễn (66 Võ Trung Thành, TP. Pleiku) đang sở hữu nhiều tác phẩm độc lạ, mang giá trị thương mại lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều người đam mê nghệ thuật cây cảnh.
Vườn bonsai Vũ Nguyễn được đánh giá là điểm đến kỳ thú để mục sở thị các tác phẩm bonsai đẹp-độc-lạ, hội đủ yếu tố nghệ thuật lẫn giá trị thẩm mỹ, giá trị thương mại cao, đặc biệt là các tác phẩm bonsai hàng “khủng”. Một trong những tác phẩm bonsai hội đủ các yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” là cây chòi mòi “Thiền sư”.
Không chỉ nổi bật về kích cỡ, dáng thế đẹp, đường nét vân nu uốn lượn kỳ ảo theo từng thời khắc ánh sáng, tác phẩm đã thu hút giới đam mê cây kiểng lẫn các nhà sưu tầm có tiếng trong nước đến tham quan, thưởng lãm.
Sau khi tận mắt ngắm nhìn, quan sát kỹ càng cây chòi mòi “Thiền sư”, ông Phan Công Tuấn-Chủ vườn mai Công Tuấn (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Theo đánh giá của tôi, nhà vườn bonsai Vũ Nguyễn có nhiều tác phẩm đạt yếu tố nghệ thuật lẫn giá trị kinh tế, đặc biệt là cây chòi mòi “Thiền sư”. Nếu đủ duyên, đủ tài chính, tôi sẵn sàng rước cây này về”.
Một tác phẩm bonsai độc lạ khác là cây cóc với dáng trực, cao hơn 2 m, chu vi gốc gần 3 m, dải nu mọc đều từ gốc lên trên thân với nhiều hình thù kỳ dị, độc đáo biến đổi tùy theo trí tưởng tượng của người xem.
Đây cũng là tác phẩm khiến anh Nguyễn Văn Vũ-Chủ nhà vườn bonsai Vũ Nguyễn từng mất ăn mất ngủ tìm mọi cách để mua về.
Vừa giới thiệu về những điểm thú vị của dải nu bám dọc thân cây cóc, anh Vũ kể: “Cây cóc này tôi mua từ vườn của một người dân bên tỉnh Đắk Lắk. Tôi phải đi qua đi lại nhiều lần, thậm chí nhờ người kết nối thương thuyết với chủ cây để mua cho bằng được”.
Vườn bonsai Vũ Nguyễn hiện có hơn 100 chủng loại cây bonsai. Cho dù là bonsai hàng “khủng”, cỡ lớn hay cỡ trung, cỡ nhỏ, tất cả đều được chủ vườn đầu tư chăm chút, nâng tầm giá trị nghệ thuật trước khi đưa vào kinh doanh thương mại.
Mỗi một tác phẩm bonsai từ khi tuyển chọn phôi cây đã có sẵn cốt đẹp, tùy theo chủng loại và đặc tính sinh trưởng thì cần ít nhất từ 3 đến 5 năm để tạo tác hoàn chỉnh, thậm chí lâu hơn. Đơn cử như cây chòi mòi “Thiền sư”, sau khi sở hữu, anh Vũ đã mất hơn 5 năm để nuôi dưỡng hoàn thiện.
Ngành kinh doanh cây kiểng nghệ thuật, đặc biệt là bonsai hàng “khủng”, độc lạ đang trở thành xu hướng hiện nay. Mức độ chịu chơi, chịu chi của các nhà sưu tầm, giới đầu tư cũng ngày một phong phú.
Đây cũng là yếu tố thúc đẩy giới kinh doanh cây kiểng trong nước kết nối, giao lưu, săn tìm tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật và thương mại.
Chia sẻ về chuyến tham quan, giao lưu với nhà vườn bonsai Vũ Nguyễn, ông Nguyễn Quang Hòa-Chủ vườn cây cảnh Hòa Nguyễn (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) cho hay: “Tôi theo nghề này đã hơn 20 năm nay nên cảm nhận được xu hướng, tiềm năng thị trường kinh doanh bonsai cỡ lớn, hàng độc giá “khủng” đang phát triển. Khách hàng ở đâu cũng chịu chi, miễn là có tác phẩm vừa ý, hợp nhãn. Đây cũng là lý do tôi lên Gia Lai để tham quan, tuyển chọn các tác phẩm giàu tiềm năng để đưa ra thị trường”.
Theo chia sẻ của anh Vũ, việc phát triển nhà vườn bonsai và tìm được chỗ đứng trên thị trường không hề đơn giản. Bởi vì, khách hàng ngày càng khó tính, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày một cao. Đây cũng là lý do để nhà vườn lựa chọn định hướng kinh doanh, lựa chọn tác phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Huế 2024, chương trình triển lãm cây kiểng và hoa phong lan 3 miền năm 2024 đã được tổ chức tại khu vực Thượng uyển Thiệu Phương, Cơ Hạ-Đại nội Huế. Đây là triển lãm quy mô lớn với trên 700 giò phong lan và 400 cây kiểng đặc sắc của hơn 300 nghệ nhân đến từ 3 miền đất nước.
Tham gia sự kiện này, nhà vườn bonsai Vũ Nguyễn đã vinh dự cung tiến tác phẩm “Cây khế”. Đồng thời, nhà vườn có 1 tác phẩm nghệ thuật bonsai đạt giải bạc ở thể loại cây kiểng cỡ lớn và 1 tác phẩm đạt giải khuyến khích ở thể loại cây kiểng cỡ trung.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-thu-vuon-bonsai-doc-la-o-pleiku-post310142.html