Kỳ tích 7 lần đại phẫu cứu chân của sinh viên khỏi bị cắt cụt
Bác sĩ Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trải lòng khi phẩu thuật thành công cho môt sinh viên bị TNGT khỏi bị cắt cụt một chân. Điều đặc biệt là trong 5 năm, bệnh nhân này đã bị mổ 7 lần và cái chân bị dập nát vẫn giữ lại và hoạt động bình thường.
Theo Bác sĩ Tùng, 5 năm trước, bệnh nhân Đào Quang H. 19 tuổi (Hưng Yên), khi đó đang là sinh viên năm thứ nhất một Trường Đại học, được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức sau khi bị tai nạn xe máy với tổn thương gẫy hở chân trái phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi và nhiễm trùng. Em và bố em gặp bác sĩ với một cái chân lủng lẳng, dập nát và đầy mủ, với một tiên lượng cắt cụt chân.
Sau khi đánh giá tình trạng tổn thương của nam thanh niên trẻ các bác sĩ đã mạo hiểm tìm giải pháp tốt hơn để cứu chân cho nam thanh niên thay vì cắt bỏ chân đang bị hoại tử. "Khi tôi hỏi bệnh nhân liệu em có thể chịu đựng được những đau đớn qua nhiều lần phẫu thuật hay không, H. đã suy nghĩ rất nhiều và cũng đã có lúc buông xuôi. Nhưng rồi cậu vẫn nói với tôi sẽ nghe theo tư vấn điều trị của bác sĩ" - bác sĩ Tùng cho biết.
Bác sĩ Tùng đã bắt đầu mổ cho bệnh nhân từ lần mổ thứ 2 (trước đấy khi TNGT bệnh nhân đã mổ một lần) . Mổ cắt lọc các tổ chức hoại tử, nạo viêm và lấy bỏ xương chết... Đến lần mổ thứ 4, chân Tùng đã hết nhiễm trùng, hết xương chết và cơ thối. Nhưng khuyết xương đùi và cứng khớp gối, mất gân cơ quanh đùi và đi lại rất khó khăn.
Lần thứ 5 ghép xương và sau đó là lần thứ 6, cũng là lần đầu tiên tại Bệnh viện Viết Đức ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại và gỡ dính khớp gối. Ca ghép đã thành công ngoài sức tưởng tượng.
Trải qua gần 4 năm, sau 5 lần được Bác sĩ Tùng mổ, bệnh nhân H đã hồi phục, đi lại tốt trên đôi chân của mình. Cũng thời gian đó, bệnh nhân H đã tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm. Những tưởng mọi chuyện đều đã viên mãn. Nhưng khi đi làm, bệnh nhân lại tiếp tục bị tai nạn và gãy đúng ngay vết mổ cũ.
Lần mổ thứ 7, lần mổ phải cân não vì vết gãy đúng với những vị trí trước đây đã mổ. "Ca mổ cuối cùng cũng đã thành công, em H đã đi lại bình thường trong niềm vui của gia đình, 5 năm với 7 ca mổ lớn đó thực sự là một kỳ tích của một bệnh nhân trẻ" - Bác sĩ Tùng chia sẻ.