Kỳ tích chiến đấu chống phát xít của một thiết giáp hạm thời Liên Xô

Thời Liên Xô, chiếc tàu chiến này còn được in hình trên tem thư và biểu ngữ, cũng như thường xuyên được nói đến trên báo chí. Soái hạm của Hạm đội Baltic có khả năng tiêu diệt kẻ địch nhờ sở hữu dàn pháo binh uy lực.

Tên gọi ban đầu là Petropavlovsk

Tàu được khởi công vào năm 1909 tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở thành phố Saint Petersburg (thời Liên Xô thành phố này có tên là Leningrad). Đây là thiết giáp hạm Dreadnought lớp Sevastopol.

Những thiết giáp hạm Dreadnought đầu tiên của Hải quân Nga lúc đó được chế tạo dưới sự chỉ đạo của kỹ sư, giáo sư Học viện hàng hải Ivan Bubnov cùng sự tham gia của nhà toán học, chuyên gia chế tạo tàu thủy Alexei Krylov. Năm 1911, thiết giáp hạm Petropavlovsk được hạ thủy và đến tháng 12-1914 thì được biên chế vào Hạm đội Baltic. Thủy thủ đoàn của chiến hạm này có hơn 1.200 người. Đây là dự án đóng tàu hải quân vô cùng lớn vào thời điểm đó và con tàu cũng đã từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Thiết giáp hạm Petropavlovsk trước Cách mạng Tháng Mười Nga.

Thiết giáp hạm Petropavlovsk trước Cách mạng Tháng Mười Nga.

Năm 1918, thiết giáp hạm đã cùng với những tàu chiến khác của Hạm đội Baltic di chuyển từ Helsinki đến Kronstadt. Ngày 31-5-1919, trận hải chiến duy nhất của tàu Petropavlovsk đã diễn ra. Các tàu khu trục của Anh truy đuổi tàu khu trục Azard của Nga khi đó đang tiến hành trinh sát dưới sự bảo vệ của thiết giáp hạm. Chiếc khu trục của của Nga đã dụ đối phương đến trước các họng pháo của tàu Petropavlovsk. Thiết giáp hạm này đã bắn pháo cỡ nòng 305mm và 120mm, khiến các tàu khu trục Anh phải rút lui.

Đổi tên thành Marat

Ngày 31-3-1921, con tàu được đổi tên thành Marat nhằm vinh danh nhà cách mạng Pháp Jean Paul Marat. Từ năm 1928 đến 1931, tàu được tiến hành sửa chữa và hiện đại hóa. Trước Thế chiến II, con tàu đã thực hiện những chuyến đi trên biển đến Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Anh và các nước cộng hòa thuộc vùng Baltic. Năm 1938, Marat là chiến hạm đầu tiên trên thế giới thử nghiệm hệ thống bảo vệ trước mìn từ trường. Hệ thống này được nghiên cứu và chế tạo tại Viện vật lý-kỹ thuật Leningrad dưới sự chỉ đạo của Anatoly Aleksandrov. Mùa Xuân năm 1941, hệ thống được lắp đặt và đưa Marat trở thành con tàu đầu tiên của Liên Xô được bảo vệ khỏi mìn từ trường.

Trong cuộc chiến mùa Đông giữa Liên Xô và Phần Lan, soái hạm của Hạm đội Baltic đã bắn vào các vị trí trên bờ của đối phương tại khu vực Vyborg. Khi bắt đầu nổ ra Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, tàu Marat đang có mặt ở Kronstadt. Trong suốt mùa Hè và mùa Thu năm 1941, hơn 600 thủy thủ đã rời chiến hạm để tham gia chiến đấu cùng lực lượng thủy quân lục chiến.

 Thiết giáp hạm Marat thuộc Hạm đội Baltic năm 1940.

Thiết giáp hạm Marat thuộc Hạm đội Baltic năm 1940.

Tháng 8-1941, quân Đức Quốc xã tiến đến thành phố Leningrad. Ngày 8-9, quân phát xít tiến hành phong tỏa thành phố này và Kronstadt, căn cứ chính của Hạm đội Baltic. Cụm tập đoàn quân phương Bắc của Đức cố gắng tiến chiếm Leningrad, thành phố quan trọng thứ hai của Liên Xô và tiêu diệt Hạm đội Baltic. Phát xít Đức muốn tạo ra mối đe dọa từ phía Tây Bắc đối với Moscow, có thể điều chuyển lực lượng lớn của tập đoàn quân phía bắc sang các hướng mặt trận khác.

Leningrad và Kronstadt lúc đó bị bao vây. Các cuộc ném bom và pháo kích diễn ra liên lục cả ngày lẫn đêm. Đức Quốc xã cố gắng đè bẹp quân đội Liên Xô tại Leningrad hòng hạ gục nhuệ khí của đối phương. Hạm đội Baltic và soái hạm Marat đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Leningrad. Các thủy thủ đã sử dụng những tấm giáp bọc thép dự phòng để dựng lên rất nhiều công sự và hàng trăm hỏa điểm cố định. Chỉ riêng tại các điểm cao Pulkovo, hơn 200 hỏa điểm dùng loại thép tàu thủy đã được khẩn trương xây dựng. Hệ thống phòng thủ Leningrad bao gồm hai thiết giáp hạm Marat và Cách mạng Tháng Mười, các tàu tuần dương Gorky, Kirov, Petropavlovsk và nhiều tàu khác.

Hàng chục khẩu đội đã được dựng lên với sự hỗ trợ của pháo hạm. Các thủy thủ Hạm đội Baltic đã lắp đặt các đội pháo và pháo hải quân 130mm được tháo ra từ chiến hạm Rạng Đông. Vị trí kiên cố trên sông Neva cũng được xây dựng xong. Các đội pháo chiến hạm đi tiên phong để bảo vệ Leningrad trong suốt thời gian phòng thủ thành phố. Bốn đội pháo đường sắt do các thủy thủ lập nên có nhiệm vụ bảo vệ Leningrad từ phía đất liền. Máy bay hải quân và pháo phòng không hỗ trợ phòng thủ thành phố. Khi đó, gần một nửa lực lượng của Hạm đội Baltic tham gia chiến đấu trên bộ.

Kể từ ngày 9-9-1941, pháo binh của thiết giáp hạm Marat bắt đầu bắn vào quân Đức Quốc xã. Pháo hạm và pháo cao xạ của Hạm đội Baltic và soái hạm Marat đã kìm hãm sự tấn công dữ dội của kẻ địch, không cho quân phát xít có cơ hội mở cuộc tấn công vào thành phố. Sức mạnh pháo hạm là một trong những yếu tố chính không cho phép quân Đức tràn vào Leningrad. Khi thành phố bắt đầu bị phong tỏa, thiết giáp hạm Liên Xô đã neo đậu tại bến tàu nằm đối diện làng Strelna và bắn vào các vị trí của kẻ địch. Trong những ngày đầu của cuộc bao vây, Marat đã bắn 953 quả đạn pháo cỡ lớn vào quân địch.

Thiết giáp hạm Marat bị hư hại sau trận tập kích của không quân Đức Quốc xã.

Thiết giáp hạm Marat bị hư hại sau trận tập kích của không quân Đức Quốc xã.

 Thiết giáp hạm Marat tại Kronstadt khi được tiến hành sửa chữa.

Thiết giáp hạm Marat tại Kronstadt khi được tiến hành sửa chữa.

Thiết giáp hạm Marat sau khi chuyển đổi thành đội pháo nổi cố định.

Thiết giáp hạm Marat sau khi chuyển đổi thành đội pháo nổi cố định.

Thiết giáp hạm bị tấn công

Bộ chỉ huy Đức Quốc xã tập trung lực lượng không quân và pháo binh vào cuộc ném bom Kronstadt và tiêu diệt các đơn vị chiến đấu chủ lực của Hạm đội Baltic.

Ngày 16-9-1941, không quân Đức tiến hành một cuộc tập kích lớn và gây hư hại cho tàu Marat (4 quả bom nặng 250kg trúng trực tiếp). Ngoài ra, 10 quả đạn pháo 150mm đã bắn trúng soái hạm của Liên Xô. Vụ tập kích khiến 78 thủy thủ thương vong. Một số bộ phận máy móc trên thiết giáp hạm đã không thể hoạt động được, tháp pháo thứ tư bị hỏng, một cụm pháo phòng không 76mm ở phía đuôi và một đội pháo phòng không 37mm ở mũi tàu cũng bị hư hại. Điều này đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phòng không của thiết giáp hạm Marat. Trong khi đó, Bộ tư lệnh Liên Xô đã không thể tăng cường khả năng phòng không cho Kronstadt và các tàu chiến, bởi mọi thứ hiện có lúc đó đều đã được sử dụng vào việc bảo vệ thành phố Leningrad. Trong khi toàn bộ máy bay hải quân thì phục vụ cho Bộ chỉ huy mặt trận.

Chiến hạm Marat đã chạy theo hướng đến Kronstadt và ngày 18-9-1941 thì cập bến Ust-Rogatka. Con tàu vẫn duy trì được khả năng chiến đấu và các khẩu pháo cỡ nòng lớn của nó vẫn tiếp tục nã đạn vào kẻ địch. Để tiêu diệt chiến hạm Liên Xô, quân Đức mang theo những quả bom nặng 1 tấn. Từ ngày 21 đến 23-9, không quân Đức tiến hành một loạt cuộc không kích lớn nhằm vào Kronstadt. Lực lượng phòng không mỏng của Kronstadt, cũng như hệ thống pháo phòng không suy yếu trên thiết giáp hạm Marat đã không thể đẩy lùi được tất cả các cuộc tấn công từ đội máy bay ném bom bổ nhào Ju-87 của Đức.

Ngày 23-9, những chiếc Ju-87 của Đức đã tấn công thiết giáp hạm Marat. Quả bom nặng 1 tấn đầu tiên rơi vào trúng mạn trái. Sau đó, thêm một quả bom tương tự khác ném trúng phần mũi. Nó xuyên thủng lớp giáp, phát nổ bên trong con tàu, khiến lượng đạn trong tháp pháo đầu tiên phát nổ. Vụ nổ lớn đã phá hủy tháp ở phần mũi và làm hư hại cấu trúc thượng tầng của con tàu. Ống khói ở phần mũi bị đổ sập, cột khói bốc cao lên tới 1 km. Chỉ huy tàu P.K. Ivanov, đại phó V.S. Chufistov cùng 324 người nữa thiệt mạng. Con tàu có lượng choán nước 23.000 tấn bị chìm xuống độ sâu 11m.

Chuyển đổi thành đội pháo nổi cố định

Trong lúc chiến đấu chống phát xít Đức tấn công, các thủy thủ đã chặn được nước tràn vào một số khoang của con tàu. Các thủy thủ từ các tàu khác cũng đã đến để hỗ trợ. Phần thân vỏ của thiết giáp hạm chìm xuống đáy, nhưng độ sâu không lớn và nó cũng không chìm hẳn. Không lâu sau đó, công tác khôi phục và sửa chữa con tàu đã sớm được bắt đầu.

Tháp thứ ba và thứ tư của thiết giáp hạm vẫn còn nguyên vẹn, trong khi tháp thứ hai cần được sửa chữa. Do đó, người ta quyết định sử dụng nó để làm đội pháo nổi cố định, và thủy thủ đoàn gồm 357 người đã được giữ lại phục vụ trên tàu.

Bằng những nỗ lực quên mình của các thủy thủ trên tàu và công nhân nhà máy, thiết giáp hạm Marat đã được khôi phục một phần vào tháng 10-1941 và trở lại tiếp tục bảo vệ Leningrad. Những khẩu pháo 120mm được tháo ra, 3 đội pháo được thành lập đã giúp tăng cường khả năng phòng thủ trên bộ cho thành phố. Ngày 31-10-1941, những khẩu pháo của tháp pháo thứ ba và thứ tư đã bắn vào quân phát xít, đến tháng 11-1942 thì tháp pháo thứ hai cũng khai hỏa.

Để bảo vệ đội pháo nổi cố định trước hỏa lực pháo binh và các cuộc không kích của kẻ địch, trên boong tàu được lát những phiến đá granit dày 32 - 45cm, buồng lò hơi được gia cố bằng các tấm giáp bọc thép.

Marat đã anh dũng chiến đấu chống lại các đội pháo của quân địch. Ngày 12-12-1941, con tàu đã đè bẹp một đội pháo của Đức gần làng Bezzabotny. Ngày 28-12, thiết giáp hạm từng bị hỏng đã đọ súng với các khẩu pháo 280mm của đội pháo đường sắt của kẻ địch tại nhà ga Novy Peterhof. Có 52 quả đạn pháo được quân phát xít bắn về phía con tàu, nhưng chỉ có 4 quả trúng đích. Marat bị hư hại đáng kể, nhưng đã kịp triệt tiêu đội pháo của Đức. Đầu năm 1942, số thủy thủ đoàn của Marat tăng lên 500 người. Pháo phòng không đã được lắp đặt để bảo vệ đội pháo nổi. Con tàu tiếp tục chiến đấu chống lại pháo binh Đức. Quân phát xít đã bắn vào Marat, nhưng không gây ra thiệt hại nào đáng kể.

Ngày 31-5-1943, con tàu được trả lại tên gọi lịch sử ban đầu của nó là Petropavlovsk. Chiếc thiết giáp hạm tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ địch cho đến khi Leningrad được giải phóng hoàn toàn vào tháng 1-1944. Tháng 6-1944, các khẩu pháo của thiết giáp hạm đã thực hiện những phát súng cuối cùng nhằm vào kẻ thù trong chiến dịch tiến công Vyborg.

Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thiết giáp hạm Marat-Petropavlovsk đã thực hiện tổng cộng 1.971 phát bắn từ những khẩu pháo nòng cỡ lớn.

Sau chiến tranh, tàu Petropavlovsk dự định sẽ được khôi phục hoàn toàn, hiện đại hóa và tăng cường các loại vũ khí phòng không. Tuy nhiên, cuối cùng thì kế hoạch này đã không được triển khai.

Về sau, thiết giáp hạm này được sử dụng để huấn luyện pháo binh. Năm 1950, con tàu một lần nữa được đổi tên thành Volkhov. Năm 1953, nó bị đưa ra khỏi biên chế của Hạm đội Baltic và đầu thập niên 1960 thì bị biến thành sắt vụn. Đáng tiếc là, thiết giáp hạm lừng lẫy một thời đã không được giữ lại làm bảo tàng như chiến hạm nổi tiếng Rạng Đông.

QUỐC KHÁNH (theo Topwar)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/ky-tich-chien-dau-chong-phat-xit-cua-mot-thiet-giap-ham-thoi-lien-xo-673286