Kỳ tích cuộc tìm kiếm 2 phi công vụ rơi máy bay quân sự Yak-130

Giữa màn đêm đen kịt, mưa rừng từng cơn xối xả khiến nước chảy như thác. Sâu trong đêm đen, dưới làn mưa xối xả ấy, từng đoàn quân băng rừng, lùng sục khắp các vách rừng, góc núi thuộc đèo An Khê hiểm trở giáp ranh 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai để 'giải cứu' hai phi công sau vụ rơi máy bay Yak-130: 210D.

Cứu được đồng đội giữa rừng đêm

0 giờ 48 phút ngày 7-11, trời vẫn mưa như trút, chiếc xe cứu thương từ hướng chân núi Hầm Hô trở ra, rẽ vào Đền thờ danh tướng Võ Văn Dũng – vị tướng đứng đầu “Tây Sơn thất hổ tướng” nhà Tây Sơn (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định). Tại đây, các đồng đội đã đợi sẵn để đón Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 – phi công được tìm thấy trong vụ rơi máy bay huấn luyện Yak-130:210D. Đại tá Sơn được các quân y thăm khám sức khỏe trước khi được đưa thẳng đến Bệnh viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn, Bình Định).

 Lúc 0 giờ 48 phút ngày 7-11, chiếc xe cứu thương đưa phi công cuối cùng về Sở Chỉ huy lâm thời

Lúc 0 giờ 48 phút ngày 7-11, chiếc xe cứu thương đưa phi công cuối cùng về Sở Chỉ huy lâm thời

Trong tổ tìm kiếm, đưa Đại tá Sơn từ rừng trở về, anh Nguyễn Văn Liển, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 940 xúc động kể lại hành trình tìm kiếm đồng đội giữa rừng mưa như trút. Trong hai phi công bị nạn, 1 người là đồng đội, người còn lại là thầy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, có 13 năm gắn bó.

 Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thăm hỏi, động viên anh Nguyễn Văn Liển, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 940

Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thăm hỏi, động viên anh Nguyễn Văn Liển, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 940

Trưa 6-11, khi nghe tin sự cố, mặc dù không được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ, nhưng vì nghĩa tình đồng đội và người thầy đang bị nạn nên anh Liển tự nguyện tham gia công tác tìm kiếm. Trong chiều 6-11, công tác tìm kiếm được Sở Chỉ huy lâm thời mở rộng ra các xã Bình Hòa, Tây Xuân và rừng núi Tây Phú, Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Đến xã Vĩnh An, lực lượng tìm kiếm phát hiện “manh mối” tấm dù giữa rừng nghi là dù của các phi công trong vụ rơi máy bay.

 Lực lượng chức năng đang triển khai công tác tìm kiếm vào các khu vực rừng ở Tây Sơn vào đêm 7-11

Lực lượng chức năng đang triển khai công tác tìm kiếm vào các khu vực rừng ở Tây Sơn vào đêm 7-11

Khoảng 17 giờ chiều, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay thuộc tổ bay tập huấn máy bay Yak-130:210D – phi công trong vụ rơi máy bay đã bắt được sóng, liên hệ và gửi định vị về đơn vị, báo cáo mình sống sót, yêu cầu được hỗ trợ.

“Lúc này, tổ tìm kiếm của tôi gồm 11 đồng chí di chuyển nhanh đến vùng rừng núi xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) để tìm kiếm theo tọa độ, định vị của đồng chí Quân. Trời lúc đó mưa to hơn, mà rừng núi Vĩnh An thì càng vào sâu là rừng già nguyên sinh hiểm trở, cứ đi một đoạn anh em lại mất hút nhau”, anh Liển kể.

Đến khoảng 20 giờ, tổ tìm kiếm của anh Liển đã tiếp cận, tìm thấy được Thượng tá Quân. “Bắt gặp được nhau, chúng tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết ôm lấy nhau òa lên khóc”, anh Liển nói. Do nhảy dù không thuận lợi, Thượng tá Quân bị treo trên ngọn cây rừng hàng chục mét, nên khi tiếp đất, nước uống, đồ ăn, dụng cụ cấp cứu không còn. Sau đó, tổ tìm kiếm cắt cử 4 người đưa Thượng tá Quân ra khỏi rừng, 7 người còn lại tiếp tục cắt rừng qua đỉnh núi khác để tìm tung tích của Đại tá Nguyễn Văn Sơn.

 Anh Nguyễn Văn Liển (bên trái) đã tìm thấy, hỗ trợ Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (giữa) giữa rừng mưa lớn. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Liển (bên trái) đã tìm thấy, hỗ trợ Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (giữa) giữa rừng mưa lớn. Ảnh: NVCC

Từ vị trí Thượng tá Quân qua tọa độ của Đại tá Sơn cách khoảng 1,5km, nhưng đường rừng rậm rạp hiểm trở. “Đến đây, tôi và 1 đồng chí trực tiếp cắt rừng qua đỉnh núi bên kia tìm kiếm anh Sơn. Đường đi có 1,5km nhưng rừng rậm rạp, phải vừa đi vừa chui và bò từng chút. Phải 2 giờ đồng hồ sau, đến 22 giờ chúng tôi mới tiếp cận được vị trí anh Sơn”, đồng chí Liển kể lại.

Dù tìm thấy sau, nhưng Đại tá Sơn được hỗ trợ đưa ra khỏi rừng sớm hơn vào khoảng 0 giờ ngày 7-11. Thoát nạn trở về, Đại tá Sơn kể, lúc nhảy dù rơi giữa rừng, đã bắn hết pháo hiệu cầu cứu, sau đó men theo suối lớn cố lần đường ra ngoài. Tuy nhiên, đường suối quá hiểm trở nên Đại tá Sơn buộc phải quay lại, leo lên đỉnh núi cao hơn để bắt tín hiệu sóng, cố liên hệ cho đơn vị.

 Anh Nguyễn Văn Liển (cầm đèn pin) tìm thấy, hỗ trợ người thầy gắn bó 13 năm của mình rời khỏi rừng an toàn. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Liển (cầm đèn pin) tìm thấy, hỗ trợ người thầy gắn bó 13 năm của mình rời khỏi rừng an toàn. Ảnh: NVCC

Thoát nạn trở về, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân kể, lúc máy bay bị sự cố, anh đã nhảy dù thì bị vướng và treo trên cây rừng khoảng 10m so với mặt đất. Phải mất 10 phút, anh mới thoát khỏi được tình thế nguy hiểm và bám vào cành cây, thân cây để xuống đất. Khi tiếp đất, Thượng tá Quân đã tìm leo lên 1 đỉnh núi cao và may mắn dò bắt được sóng điện thoại và mạng 4G. Nhờ vậy, Thượng tá Quân gọi được về đơn vị, phát định vị của mình và lực lượng tìm kiếm kịp thời đến hỗ trợ.

 Các xe cứu thương được huy động ở chân núi Hầm Hô để hỗ trợ các phi công trong đêm 6-11

Các xe cứu thương được huy động ở chân núi Hầm Hô để hỗ trợ các phi công trong đêm 6-11

Nghĩa tình đồng đội

Dõi theo toàn cảnh cuộc tìm kiếm 2 phi công trong vụ rơi máy bay Yak-130:210D, chúng tôi mới thấu cảm được nghĩa tình đồng đội, anh em, đồng chí của những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ. Trong cuộc tìm kiếm, hàng ngàn người dân địa phương vẫn âm thầm dõi theo dưới chân núi để cầu nguyện mọi chuyện tai qua nạn khỏi!

 Lực lượng đưa Đại tá Nguyễn Văn Sơn về Sở Chỉ huy lâm thời để được hỗ trợ y tế

Lực lượng đưa Đại tá Nguyễn Văn Sơn về Sở Chỉ huy lâm thời để được hỗ trợ y tế

Theo Đại tá Trần Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 5, trong đợt tìm kiếm này, đơn vị đã huy động 600 quân để tham gia tìm kiếm. Bên cạnh đó còn cả ngàn nhân lực tại chỗ và đông đảo nhân dân địa phương tham gia, chung sức. “Dù tình huống sự cố rất khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, chung sức từ các đơn vị quân đội cùng lực lượng tại chỗ địa phương, lực lượng vũ trang tự vệ, công an và người dân… nên đã thuận lợi, sớm tìm thấy những phi công mất tích”, Đại tá Trần Thanh Hải thông tin.

 Lực lượng quân đội được huy động tăng cường vào đêm 6-11 để hỗ trợ công tác tìm kiếm

Lực lượng quân đội được huy động tăng cường vào đêm 6-11 để hỗ trợ công tác tìm kiếm

Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết: “Từ sự chỉ đạo ban đầu của lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã rất quan tâm, chu đáo để tất cả các lực lượng từ trên xuống dưới triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Ngay khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị tìm kiếm đã triển khai hàng loạt động tác kỹ thuật khá chuyên nghiệp từ hỗ trợ thiết bị số, định vị, ra đa, điện thoại thông minh… để tính toán, triển khai tìm kiếm rất kịp thời, hợp lý”.

 Trung tướng Phạm Trường Sơn (giữa) đang nghe báo cáo của lãnh đạo Quân khu 5 về công tác tìm kiếm

Trung tướng Phạm Trường Sơn (giữa) đang nghe báo cáo của lãnh đạo Quân khu 5 về công tác tìm kiếm

Đánh giá cao cuộc tìm kiếm trên, Trung tướng Phạm Trường Sơn cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ có hình thức tặng thưởng xứng đáng cho 2 phi công và biểu dương, khen thưởng toàn lực lượng tìm kiếm, cứu hộ. Đối với phi công, chỉ huy bay cũng sẽ có phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Quốc phòng khen thưởng theo quy định.

Sáng 7-11, Trung tướng Phạm Trường Sơn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã đến Bệnh viện Quân y 13 (TP Quy Nhơn) để thăm hỏi sức khỏe 2 phi công đang được chăm sóc, điều trị tại đây. Đến sáng nay, theo kết quả thăm khám sức khỏe thì hai phi công trong vụ rơi máy bay đã bình phục, ổn định.

 Trung tướng Phạm Trường Sơn chỉ đạo tại hiện trường công tác tìm kiếm

Trung tướng Phạm Trường Sơn chỉ đạo tại hiện trường công tác tìm kiếm

Tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích để giải mã “hộp đen”

Khi hạ cánh về sân bay, phi công phát hiện 1 càng phải phía sau không bung ra được, trong khi 2 càng trước và càng trái phía sau đã sẵn sàng đáp đất. Lúc này, nhiều phương án được phi công thực hiện, thậm chí đã tạo sự quá tải lớn “kéo gập gần như phá máy bay” nhưng không hiệu quả, buộc phải quay về núi để nhảy dù và thả rơi máy bay.

Thông tin với báo chí tại hiện trường, Trung tướng Phạm Trường Sơn cho biết, tới đây các đơn vị sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm sơ bộ, tiếp tục mở rộng tìm kiếm vị trí máy bay rơi để giải mã “hộp đen”. Từ đây kiểm tra, làm rõ lý do tại sao trong quá trình huấn luyện máy bay Yak-130:210D không thể mở được càng phải phía sau khi đáp đất.

Cho rằng đây là trường hợp bất trắc, vô cùng phức tạp nên bắt buộc các phi công phải bay về lại núi nhảy dù cách sân bay 20km, vị trí rơi 30km.

Trong sáng 7-11, lực lượng quân đội đang mở rộng phạm vi tìm kiếm vị trí máy bay Yak-130:210D rơi. Phạm vi đã được mở rộng qua tỉnh Gia Lai và hướng qua tỉnh Đắk Lắk.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-tich-cuoc-tim-kiem-2-phi-cong-vu-roi-may-bay-quan-su-yak-130-post767238.html