Kỳ tích cứu sống bé chín tháng tuổi đã ba lần ngừng tim
Một bé trai chín tháng tuổi trong quá trình điều trị đa bệnh lý viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tiêu chảy cấp mất nước nặng rơi vào tình trạng ba lần ngừng tim, đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cứu sống đầy kỳ tích.
Một bé trai chín tháng tuổi trong quá trình điều trị đa bệnh lý viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tiêu chảy cấp mất nước nặng rơi vào tình trạng ba lần ngừng tim, đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cứu sống đầy kỳ tích.
Sau một ngày có biểu hiện sốt, nôn kèm theo tiêu chảy, ngày 12-11, gia đình đưa bé V.B.H (trú tại Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đến khám tại TTYT huyện Đoan Hùng. Tại đây, trẻ được chẩn đoán tiêu chảy cấp mất nước và được điều trị theo phác đồ C.
Tuy nhiên sau sáu giờ điều trị, trẻ đi ngoài nhiều hơn kèm theo mất nước nặng, có dấu hiệu toan chuyển hóa, đe dọa tuần hoàn nên được liên hệ chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Khi đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trẻ đã ở trong tình trạng nặng, có dấu hiệu mất nước toàn thân, mạch nhanh, huyết áp tụt. Khi tiến hành chụp chiếu và làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trẻ còn có tình trạng viêm phổi rất nặng, đông đặc, lan tỏa toàn bộ hai bên phổi.
Hai giờ sau khi vào viện, trẻ rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn kèm theo phù phổi cấp, trào bọt hồng lẫn máu qua đường thở. Bệnh nhi ngay lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy và áp dụng các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên sức khỏe của trẻ không cải thiện, tình trạng nhiễm khuẩn vẫn tăng nhanh kèm theo suy đa tạng nặng, suy hô hấp cấp tiến triển nguy kịch. Bệnh nhi ngay lập tức có chỉ định siêu lọc máu liên tục để điều chỉnh các rối loạn thăng bằng kiềm toan.
ThS, BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, trong đêm điều trị đầu tiên, tức là khoảng sáu giờ sau khi trẻ nhập viện, mặc dù đã dùng các biện pháp hỗ trợ tối đa, cao cấp nhất nhưng tưởng chừng như có lúc các bác sĩ không thể giữ được cháu bé khi có tới ba lần bé bị ngừng tim. Mỗi lần như vậy, các y, bác sĩ đều phải thực hiện ép tim cho cháu từ 30 – 45 phút thì tim mới đập trở lại, tuần hoàn mới được tái lập và tình trạng huyết áp của cháu bé mới dần ổn định.
Sau một ngày điều trị, mặc dù tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ đã tiến triển khá hơn, song bệnh lý suy thận nặng, vô niệu hoàn toàn vẫn khiến trẻ ở trong tình trạng rất nặng nề và phải tiếp tục siêu lọc máu kéo dài thêm sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, thận của trẻ mới hoạt động trở lại và bắt đầu có nước tiểu.
Hiện tại, sau một tháng điều trị tích cực, trẻ đã được rút ống nội khí quản, cai thở máy, bé ăn tốt, ngủ tốt, tình trạng toàn thân ổn định và chuẩn bị được xuất viện.
Trẻ đã được xuất viện sau một tháng chiến đấu với bệnh tật.
Chia sẻ về hành trình dài chạy đua đến nghẹt thở với “tử thần” để giữ sự sống cho cháu bé, ThS. BS Cao Việt Hưng xúc động nói: “Những ngày đó chúng tôi dường như không nghỉ, thức 24/24 giờ, chỉ chia nhau ăn vội miếng cơm sau đó lại quay lại túc trực bên cạnh bé bởi các tình huống xấu có thể xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Cả ê-kíp đều dành sự quan tâm đặc biệt cho bé. Đến thời điểm này, khi bé đã hồi phục hoàn toàn, ăn tốt, chơi ngoan, chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm, cảm xúc bây giờ rất khó tả, thực sự rất hạnh phúc”.
Qua trường hợp này, BS. Hưng cũng khuyến cáo: Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn rất yếu, trong khi các bệnh lý nguy hiểm thường diễn biến rất nhanh nên bố mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ cần quan tâm, chú ý theo dõi trẻ. Khi thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường như: trẻ chán ăn, bỏ ăn, sốt, khó thở, trẻ có thể quấy khóc, mệt mỏi hoặc khi quan sát di động lồng ngực thấy nhịp thở bất thường cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có thể phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm (nếu có) và kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.