Kỳ tích mở đường, xây cầu làm điện lưới 500kV Bắc - Nam
Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ. Đội ngũ thực hiện dự án vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu thiết kế, vừa thi công.
Chỉ chưa đầy 6 tháng, 13 cây cầu trên tuyến QL14 (đường Hồ Chí Minh qua đèo Lò Xo) được Khu đường bộ 5 (nay là Cục QLĐB III) thần tốc xây dựng, phục vụ tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam.
Đường bộ “mở đường” cho điện lưới 500kV
Năm 1992, Chính phủ phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án đường dây 500kV Bắc - Nam với thời gian hoàn thành là 2 năm.
Để triển khai, giao thông phải thông suốt. Tuy nhiên, khi đó giao thông đoạn qua đèo Lò Xo (nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) bị hư hại nặng bởi mưa lũ, 13 cây cầu bị cuốn trôi.
Theo ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương), đầu năm 1992, khi tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi kiểm tra thực địa xây dựng tuyến đường dây 500kV khu vực đèo Lò Xo, ông nhận thấy tuyến QL14 đã xuống cấp trầm trọng.
Ông Trần Viết Ngãi, nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, Phó ban chỉ huy xây dựng đường dây 500kV khu vực từ Khu 4 vào Khu 5 kể, tuyến đường điện 500kV đi qua đèo Lò Xo có địa hình hiểm trở, đèo dốc nguy hiểm.
“Yêu cầu lúc đó là phải có một số công trình phụ trợ. Trong đó, giao thông là yếu tố quan trọng bậc nhất để vận chuyển vật liệu thi công, thiết bị xây lắp điện lưới đảm bảo an toàn, đúng tiến độ”, ông Ngãi cho hay.
Sau đó, Ban Quản lý dự án đường dây 500kV và Công ty Xây lắp điện 3 cử người đến gặp và đề nghị Khu đường bộ 5 thiết kế và làm ngay các ngầm và cầu tạm trên tuyến QL14 qua đèo Lò Xo.
Ông Võ Khắc Mai, nguyên Kỹ sư trưởng, Phó tổng giám đốc Khu đường bộ 5 (nay là Cục QLĐB III, Tổng cục Đường bộ VN) nhớ lại: “Khi đó, chúng tôi tư vấn không nên làm cầu tạm, thay vào đó nên xây dựng cầu vĩnh cửu.
Bởi nếu làm ngầm hay cầu tạm thì năm sau sẽ phải sửa chữa hoặc phải làm lại, rất lãng phí và mất thời gian, công sức.
Không những vậy, khi giao thông không đảm bảo, việc xử lý sự cố điện, công tác duy tu, theo dõi tuyến đường điện sau này sẽ bị ảnh hưởng, gián đoạn”.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Ban Quản lý dự án đường dây 500kV và Công ty Xây lắp điện 3 vẫn giữ nguyên đề nghị làm ngầm và cầu tạm tại 13 vị trí trong vòng 3 tháng.
Kỳ tích của ngành GTVT
“Chúng tôi huy động quân làm cả những ngày Tết Nguyên đán 1993. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát bằng trực thăng dọc tuyến và cho đáp xuống cạnh cầu Đăk Gà, gần thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Thủ tướng trực tiếp đến thăm, động viên, mọi người trên công trường đều rất phấn khởi.
Tuy nhiên, khi thấy thi công và thiết kế là cầu tạm, Thủ tướng chất vấn vì sao lại làm tạm bợ như vậy? Tôi có báo cáo lại sự việc.
Ngay sau đó, Thủ tướng bay ra Hà Nội, triệu tập lãnh đạo Bộ Năng lượng, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường dây 500kV và yêu cầu bằng mọi cách xây 13 cây cầu vĩnh cửu, xong trước ngày 31/8/1993”, ông Mai hồi tưởng.
Ngay lập tức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn vào làm việc với Khu đường bộ 5 tìm biện pháp xây dựng 13 cây cầu, cầu nhỏ 20m, cầu lớn 50m, quyết tâm xong trong vòng 6 tháng.
Để kịp tiến độ, phương án thống nhất là Khu đường bộ 5 sẽ làm luận chứng kinh tế kỹ thuật, khái toán 13 công trình cầu; vừa thiết kế, vừa thi công, vừa nghiệm thu, thanh toán theo từng giai đoạn.
Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thực hiện dự án vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu thiết kế, vừa thi công.
Khu đường bộ 5 huy động thêm các Tổng công ty Công trình giao thông 8, 4, 5 và Trường Sơn. Trong đó, Tổng công ty Công trình giao thông 4 đảm nhận 4 cây cầu tuyến đầu.
Trường Sơn đảm nhận 3 cầu giữa. Tổng công ty Công trình giao thông 8 thi công 3 cây cầu tiếp theo và 3 cầu cuối tuyến. Tất cả các cầu đều làm dầm thép chữ I, bản bê tông liên hợp, móng đào trần.
“Cuối tháng 4, đoàn kiểm tra của Ban Quản lý dự án đường dây 500kV đi dọc tuyến chưa thấy mố trụ nào mọc lên, cũng như không thấy dầm cầu nên điện ra chất vấn lãnh đạo Bộ GTVT. Lập tức, lãnh đạo Bộ GTVT lo lắng điện hỏi, tôi trả lời: Mặc dù nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng Khu đường bộ 5 vẫn quyết tâm thực hiện vượt tiến độ nửa tháng so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Tất cả các bước, hạng mục thi công phải hoàn thành vào tháng 6, bước vào tháng 7 sẽ triển khai đổ bê tông bản mặt cầu liên hợp và trong vòng nửa tháng (từ 1-15/8) hoàn thiện”, ông Mai kể.
Cứ thế, liên tục trong 6 tháng, bất luận ngày đêm, lễ Tết, tất cả lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật đều tập trung công sức đẩy nhanh tiến độ.
Điều kiện thi công, ăn ở khó khăn, mọi người nghỉ ở lán trại tạm bợ, thời tiết bất lợi, muỗi rừng, không ít người đổ bệnh… nhưng ai cũng một lòng quyết tâm vì lời hứa cán đích đúng yêu cầu với Bộ trưởng Bộ GTVT, Thủ tướng.
“Hàng loạt sáng kiến thi công được triển khai ngay tại công trường. Mọi việc diễn ra suôn sẻ nên đến ngày 20/7, tất cả các nhịp cầu đều đổ bê tông xong. Trong ngày 5/8/1993, một sự kiện đặc biệt chưa từng có đã diễn ra, đó là cùng lúc cắt băng khánh thành 13 cây cầu trên tuyến QL14.
Ngày đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn tự hào báo cáo với Thủ tướng: Đây là sự kiện hiếm có. Lúc đầu, khi Thủ tướng giao nhiệm vụ làm 13 cây cầu trong vòng 6 tháng, Bộ GTVT rất lo, không tin có thể làm được, nhưng cuối cùng đã hoàn thành vượt tiến độ 25 ngày”, ông Mai bồi hồi nhớ lại.
Ngày 21/1/1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng công trình Đường dây 500kV với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm, đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Sau 782 ngày đêm lao động không mệt mỏi, lực lượng thi công đã dựng xong 1.487km đường dây, phần lớn đều xuyên qua rừng núi hiểm trở; vừa phải tự mở đường để vận chuyển vật liệu, vừa phải huy động tận dụng tổng lực xi măng, sắt thép để đổ gần 250.000m3 bê tông và lắp đặt 26.000 tấn thiết bị.
Tổng nhân lực huy động trên toàn công trường gần 8.000 người, cùng các lực lượng quân đội hỗ trợ bao gồm: Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3... với gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ.
Thêm vào đó là các đơn vị xây lắp của các tỉnh, thành phố huy động gần 7.000 công nhân kỹ thuật... Trong đó, ngành GTVT góp phần quan trọng khi hình thành tuyến đường vận tải, hỗ trợ cho các lực lượng vận chuyển nhân lực, thiết bị thi công.