'Kỳ tích' một doanh nghiệp nhà nước nợ phải trả gấp gần 18 lần vốn chủ sở hữu
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn là 1,1 lần, trong đó có 14 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
Tổng công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Trong một báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020 cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 450 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 187 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Cũng tại báo cáo này, theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn, nợ phải trả là 1,41 triệu tỷ đồng, tương đương với năm 2019, chiếm 52% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,1 lần, trong đó có 14 công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần.
14 công ty mẹ này bao gồm: Tổng công ty XNK Tổng hợp Vạn Xuân tỷ lệ gần 18 lần, Tổng công ty Thái Sơn là 7 lần, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam là 7 lần, Tổng công ty Đông Bắc 6,56 lần, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 5,6 lần, Tổng công ty Xăng dầu quân đội 5,37 lần...
Đồ họa: K.Linh.
Nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước của các tập đoàn, tổng công ty là 430,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Nợ nước ngoài là 395,3 nghìn tỷ đồng trong đó gồm vay vốn ODA, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, vay nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả.
Trong đó, nợ nước ngoài của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 190,2 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là 66,7 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 27,3 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 9,9 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về mức độ bảo toàn vốn của các công ty mẹ cho thấy, có 8/73 công ty mẹ xác định không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, đây là những doanh nghiệp thua lỗ. Bao gồm một số công ty như: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải lỗ lũy kế 824 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đường sắt lỗ lũy kế 1.257 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê lỗ 460 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty 15 lỗ 225 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn lỗ 24 tỷ đồng...
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số nợ phải trả theo báo cáo hợp nhất là 253,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2019. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 64% số nợ phải trả.
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp này là 32,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay nợ Chính phủ bảo lãnh là 16,3 nghìn tỷ đồng riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 16.590 tỷ đồng; Vay vốn ODA của Chính phủ là 16.386 tỷ đồng, riêng công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vay lại vốn ODA của Chính phủ là 15.593 tỷ đồng.